Giám định thiệt hại
Liên quan vụ đổ trộm dầu thải tại huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình) khiến nguồn nước sạch sông Đà bị nhiễm bẩn, luật sư Nguyễn Văn Hậu - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại luật gia Việt Nam nói rằng, Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) biết rõ nguồn nước nhiễm bẩn từ ngày 8/10 nhưng vẫn cung cấp cho các đơn vị khác bán cho người dân sử dụng phải có trách nhiệm, nghĩa vụ liên quan.
Theo luật sư Hậu, những ngày qua, nhiều người dân Hà Nội phải mua nước sạch bên ngoài. Đây chính là thiệt hại đầu tiên mà khách hàng phải chịu. Những thiệt hại này được xác định dựa trên hợp đồng mua bán nước sinh hoạt, các hóa đơn, chi phí thanh toán mà khách hàng phải chi trả liên quan nguồn nước bị nhiễm bẩn.
Luật sư Trần Tuấn Anh - Cty Luật Minh Bạch cho biết, giữa bên mua và bên bán tồn tại hợp đồng dạng độc quyền; bên mua không có quyền đàm phán mà phải ký kết theo mẫu của bên bán, nhưng về pháp lý, hai bên vẫn bình đẳng. “Khi bên mua bị thiệt hại bởi việc cung cấp nước không đảm bảo theo quy chuẩn của Bộ Y tế thì bên bán phải bồi thường thiệt hại và hai bên tự thỏa thuận việc bồi thường, nếu không thỏa thuận được thì có quyền khởi kiện ra tòa án nhân dân có thẩm quyền nơi đặt trụ sở bị đơn để đòi quyền lợi”, luật sư Tuấn Anh nói.
Luật sư Hậu cho rằng, đối với các sự cố môi trường như vụ việc nguồn nước sạch sông Đà bị nhiễm dầu, cần có cơ quan giám định độc lập có trách nhiệm thống kê thiệt hại một cách tổng thể. Tiếp đó, cơ quan này sẽ yêu cầu bên bán nước sạch phải bồi thường, sau đó chi trả cho người dân. Ngoài ra, người dân có thể ủy quyền cho một đại diện hợp pháp tập hợp thông tin đứng ra khiếu nại, khởi kiện đơn vị bán nước sinh hoạt ra tòa án để thỏa thuận, yêu cầu bồi thường.
Trình tự khởi kiện
Theo luật sư Tuấn Anh, trong tranh chấp kinh doanh thương mại, Nhà nước khuyến khích các bên tự thỏa thuận, thương lượng bồi thường thiệt hại. Nếu không giải quyết được thì có quyền khởi kiện vụ án ra tòa.
Về trình tự, đầu tiên, người dân làm đơn khởi kiện theo mẫu của Nhà nước ban hành, trong đó ghi rõ yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại và trình bày nội dung vụ việc. Sau đó, nộp kèm theo chứng cứ chứng minh yêu cầu khởi kiện là có căn cứ, đúng pháp luật và gửi tới tòa án nhân dân có thẩm quyền. Sau khi nhận được đơn khởi kiện, tòa án sẽ phân công thẩm phán thụ lý vụ án xem xét hồ sơ.
“Nếu đã đủ yêu cầu thụ lý vụ án thì tòa án sẽ ra thông báo cho người dân nộp tiền tạm ứng án phí trong vòng 7 ngày. Trường hợp đơn khởi kiện và các chứng cứ kèm theo chưa đủ thì tòa án sẽ thông báo cho người dân sửa đổi, bổ sung. Thời hạn để giải quyết vụ án tranh chấp kinh doanh thương mại là 2 tháng và thẩm phán có thể gia hạn thêm 1 lần là 1 tháng”, luật sư Tuấn Anh nói.
Theo luật sư Tuấn Anh, với mỗi hộ dân, có thể khó chứng minh được những thiệt hại cụ thể, nhưng với các khu chung cư, việc xúc rửa, vệ sinh, hỏng hóc máy móc khi sử dụng nguồn nước nhiễm bẩn tốn nhiều chi phí khắc phục nên cần lập vi bằng các thiệt hại để chứng minh việc vi phạm hợp đồng của bên cung cấp nước không đạt quy chuẩn. Ngoài ra, đại diện ban quản lý, ban quản trị các khu chung cư có thể đứng ra đại diện cho các hộ dân để đòi bồi thường.