Theo biên bản của đoàn kiểm tra (Cục Cảnh sát môi trường) ngày 19/10 chỉ rõ: Công ty CP Gốm sứ Thanh Hà đã chuyển giao gần 9.000 kg dầu thải cho các nghi phạm là những cá nhân không có chức năng xử lý chất thải nguy hại theo quy định.
Công ty không ký hợp đồng, không thu thập hồ sơ về tư cách pháp nhân, chức năng xử lý chất thải nguy hại của các đối tượng trên. Việc chuyển giao này cũng được thỏa thuận từ trước giữa Lý Đình Vũ và bà Nguyễn Huyền Trang.
Ông Truyền, Chủ tịch HĐQT Cty CP Gốm sứ Thanh Hà cho biết, vụ việc đang được cơ quan công an làm rõ. Ông vẫn khẳng định số dầu thải bị nhân viên tuồn trộm ra ngoài, hiện Cty đang phối hợp với cơ quan chức năng làm rõ vụ việc.
Dưới đây là hình ảnh về nơi chứa dầu thải của Công ty CP Gốm sứ Thanh Hà, bao gồm cả số dầu thải đổ vào nguồn nước sạch Nhà máy Sông Đà:
Các máy ép và ô tô ở nhà máy gốm tạo ra lượng dầu thải lớn hàng ngày.
Khu vực chứa chất thải nguy hại của Công ty CP Gốm sứ Thanh Hà.
Đây là khu vực mà số dầu đổ vào nguồn nước sạch sông Đà được đưa ra ngoài.
Một téc nhựa ở đây đều chứa đầy dầu thải.
Hiện cơ quan chức năng đang niêm phong số dầu thải còn lại để phục vụ công tác điều tra.
Theo lãnh đạo Cty, trước dầu thải được gom lại và dùng đốt lò phục vụ sản xuất, nhưng hiện áp dụng công nghệ hiện đại nên Cty không đốt lò nữa mà thường thuê đơn vị ngoài xử lý.
Hiện tượng nước sạch sông Đà có mùi hắc như dầu cháy xuất hiện từ ngày 10/10 ở nhiều quận như Thanh Xuân, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm... Ngày 14/10, Công ty cổ phần nước sạch sông Đà (Viwasupco) báo cáo Sở Xây dựng Hà Nội về việc xe tải chở dầu nhớt thải đổ trộm vào khe núi xã Phú Minh, Kỳ Sơn (Hòa Bình). Nước sạch bị ô nhiễm gây ảnh hưởng cuộc sống của hơn 250.000 hộ, tương đương 18% số hộ dân Hà Nội.