Ông Nguyễn Phú Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cho biết, ngay sau khi nhận được thông báo của Bộ Y tế yêu cầu xác minh thông tin, lập tức Bộ Công Thương đã có văn bản yêu cầu các đơn vị quản lý thị trường 6 tỉnh rà soát thị trường, đồng thời lập đoàn thanh tra Cty Đại Hạnh Phúc. Kết quả, tại tất cả hệ thống cửa hàng, siêu thị trong nước không có bán sản phẩm của Cty Đại Hạnh Phúc.
Ông Cường thông tin, theo hồ sơ lưu tại Cty và hồ sơ đối chiếu với hải quan, từ tháng 1/2011 đến tháng 9/2014 Cty TNHH Đại Hạnh Phúc đã xuất khẩu sang Đài Loan 270 lô hàng khoảng 43.000 tấn chủ yếu là dầu cá, mỡ heo, bò, dầu dừa… Theo hóa đơn và tờ khai, số hàng trên được Cty ghi là: “thức ăn dành cho gia súc”. Riêng từ tháng 1/2012 đến tháng 6/2012, cơ quan chức năng còn phát hiện doanh nghiệp này đã xuất khẩu xen kẽ thức ăn cho gia súc và sản phẩm dùng được cho người với 42 lô hàng (khoảng 60 tấn).
Cơ quan chức năng đánh giá, đây là hành vi cố tình vi phạm một cách tinh vi. Doanh nghiệp cố tình chèn sản phẩm dành cho người trong những lô hàng dành cho gia súc với tỷ lệ 1/4. Điều đáng nói, doanh nghiệp này sản xuất sản phẩm dành cho người trong khi Cty chưa được cấp đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Cty Đại Hạnh Phúc ở địa chỉ 38/7c, đường Thới Tây 2, ấp Thới Tây, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, TPHCM được Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cấp giấy chứng nhận kinh doanh với các ngành nghề đăng ký gồm chế biến thức ăn gia súc, sản xuất dầu ăn cho động vật và bán buôn thực phẩm…
Cơ quan chức năng kết luận, doanh nghiệp này đã vi phạm nghiêm trọng Luật An toàn thực phẩm. Bộ Công Thương đã có văn bản hỏa tốc gửi UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu phối hợp các đơn vị tiến hành thanh tra toàn diện doanh nghiệp và xem xét việc thu hồi giấy phép kinh doanh.
Vì sao vẫn được xuất khẩu?
Trả lời câu hỏi của báo chí, vì sao doanh nghiệp này tồn tại nhiều năm mà không bị phát hiện? Đại diện Bộ Công Thương cho rằng, theo Luật An toàn thực phẩm, trong trường hợp này trách nhiệm quản lý nhà nước thuộc về UBND TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, trong hồ sơ đăng ký đơn vị này chỉ đăng ký sản xuất dầu ăn cho động vật, không có đăng ký sản xuất, kinh doanh sản phẩm dầu mỡ dành cho người.
“Để dẫn đến hành động vi phạm này một phần thuộc về yêu cầu của doanh nghiệp phía Đài Loan, họ không đòi hỏi doanh nghiệp phải xuất trình giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm như thông lệ”, ông Cường cho biết.
Theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, để xuất khẩu được bất kỳ mặt hàng nào đó, trước hết mặt hàng đó phải được cấp chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong nước. Thứ hai, mặt hàng đó cũng phải phù hợp với các tiêu chí an toàn thực phẩm của nước được xuất đến. Đó là hai yếu tố cần để xuất được hàng đi.
Vụ bê bối dầu ăn được chế biến từ rác thải cống rãnh làm rúng động các nước châu Á khiến nhiều công ty ở Đài Loan bị truy cứu. Trong quá trình điều tra, Cty Ting Hsin đã thông tin, trong vòng 3 năm đã nhập một lượng lớn dầu ăn khoảng 43.000 tấn dầu mỡ động vật từ Cty TNHH Đại Hạnh Phúc có trụ sở tại Việt Nam. Ngay lập tức, các sản phẩm dầu mỡ từ Cty TNHH Đại Hạnh Phúc đã bị phía Đài Loan yêu cầu ngừng nhập khẩu.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng: “Những người liên quan đến vụ dầu ăn bẩn ở Đài Loan đã bị xử lý nghiêm. Bộ Công Thương ngay sau khi tiếp nhận thông tin đã làm hết sức mình để phối hợp các đơn vị giải quyết vụ việc”. Thứ trưởng khẳng định, vụ việc đã làm ảnh hưởng đến sản phẩm hàng Việt Nam xuất khẩu và đề nghị các đơn vị có giải pháp ngăn chặn các doanh nghiệp khác.