Vụ Chủ tịch phường Nghĩa Đô nhận 1 tỷ đồng 'bảo kê': Bao giờ tháo dỡ công trình vi phạm?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Theo một lãnh đạo phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy - Hà Nội, sau khi xảy ra sự việc Chủ tịch UBND phường này bị khởi tố về tội nhận hối lộ để bỏ qua sai phạm về trật tự xây dựng, UBND phường đã quán triệt tất cả cán bộ, công chức về ứng xử, đạo đức công vụ, đặc biệt là với những cán bộ trật tự xây dựng.

Nhận 1 tỷ đồng làm ngơ cho sai phạm

Ngày 29/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố bị can, tạm giam đối với Chử Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy) về tội “Nhận hối lộ” theo quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự.

Vụ Chủ tịch phường Nghĩa Đô nhận 1 tỷ đồng 'bảo kê': Bao giờ tháo dỡ công trình vi phạm? ảnh 1

Theo thông tin từ cơ quan điều tra, trước đó qua triển khai công tác nghiệp vụ, Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an TP Hà Nội) bước đầu làm rõ ông Chử Mạnh Hùng đã nhận hối lộ 1 tỷ đồng để bỏ qua cho công trình xây dựng không có giấy phép trên diện tích đất 1.400m2 được hoàn thiện thi công. Sau khi thông tin trên được công khai, dư luận rất bức xúc. Nhiều người đặt câu hỏi, chỉ một vụ việc, Chủ tịch phường đã nhận hối lộ lên đến 1 tỷ đồng, đủ thấy tính chất vi phạm ở mức nào.

Ghi nhận tại công trình xây dựng không phép khiến Chủ tịch phường Nghĩa Đô bị khởi tố cho thấy, công trình đang xây thô đến tầng 2, hiện bị bỏ hoang. Người dân xung quanh khu vực cho biết, công trình xây dựng từ năm 2019, sau đó bị đình chỉ và bỏ hoang từ đó cho đến nay. Hiện có một số công nhân từ nhiều nơi đến thuê để ăn nghỉ trong công trình. Được biết, khu đất trên thuộc quản lý của một đơn vị quân đội.

Một nguồn tin của Tiền Phong cho biết, sau khi mở đường Nguyễn Văn Huyên vào năm 2017, đơn vị có liên quan đến vụ việc còn một ô đất hình tam giác rộng 1.400m2. Hiện khu đất thuộc quản lý của một trung tâm thuộc đơn vị này.

Giai đoạn năm 2017, lãnh đạo trung tâm thời kỳ đó đã xin phép làm trung tâm nghiên cứu, chuyển giao công nghệ. Lúc đó, trung tâm hợp tác với một công ty tư nhân để xây dựng dự án trên, chi phí do đối tác ứng trước, trung tâm thanh toán sau. Giữa năm 2022, UBND phường Nghĩa Đô có văn bản yêu cầu dừng thi công và tháo dỡ công trình xây dựng do chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý. Từ thời điểm đó, trung tâm đang tìm cách thanh lý hợp đồng, từng bước tháo dỡ công trình thì xảy ra vụ việc Chủ tịch phường Nghĩa Đô bị khởi tố.

Siết quản lý

Một lãnh đạo UBND phường Nghĩa Đô cho biết, sau khi ông Chử Mạnh Hùng bị bắt, từ ngày 2/4, UBND quận Cầu Giấy đã cử một Phó Chủ tịch UBND phường phụ trách UBND phường Nghĩa Đô. Theo vị lãnh đạo này, sau khi xảy ra sự việc, UBND phường đã quán triệt tất cả cán bộ, công chức về ứng xử, đạo đức công vụ, đặc biệt là với những cán bộ trật tự xây dựng. Lãnh đạo UBND phường yêu cầu Tổ Thanh tra xây dựng không được tạo điều kiện cho bất kỳ trường hợp nào. Bản thân, Phó Chủ tịch phụ trách UBND phường trực tiếp đến các công trường đang xây dựng yêu cầu chủ đầu tư xuất trình hồ sơ để kiểm tra. Thứ 6 hàng tuần, Phó Chủ tịch UBND phường phụ trách lĩnh vực đô thị và Tổ thanh tra xây dựng phải báo cáo tiến độ thi công, biên bản kiểm tra xây dựng “Thời điểm này, trên địa bàn phường có gần chục hộ đang xây nhà, tuy nhiên mới qua phần móng chứ chưa lên tầng cao”, vị lãnh đạo này nói.

Sau sự việc xảy ra tại UBND phường Nghĩa Đô, UBND quận Cầu Giấy đã có công văn yêu cầu UBND các phường trên địa bàn tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các công trình vi phạm trật tự xây dựng, PCCC. Trường hợp phát hiện vi phạm xử lý nghiêm theo quy định”. Ông Bùi Tuấn Anh - Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy

Theo ông Nguyễn Văn Tiệp, Bí thư Đảng ủy phường Nghĩa Đô, ông Hùng được bầu giữ chức Chủ tịch UBND phường từ năm 2019. Trước nay, ông Hùng luôn hòa đồng với anh em trong cơ quan, chưa xảy ra điều tiếng gì. “Tôi được điều chuyển về đây đã 5 năm. Trước khi xảy ra sự việc của ông Chử Mạnh Hùng, chưa có cán bộ, công chức nào của phường Nghĩa Đô bị xử lý, khởi tố do vi phạm đạo đức, pháp luật”, ông Tiệp thông tin.

Liên quan đến vấn đề này, ông Bùi Tuấn Anh, Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy cho biết, vấn đề trật tự xây dựng, đất đai trên địa bàn quận được đặc biệt quan tâm. Quận thường xuyên chỉ đạo các phòng chuyên môn, UBND các phường kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến trật tự xây dựng. Sau sự việc xảy ra tại UBND phường Nghĩa Đô, UBND quận Cầu Giấy cũng đã có công văn yêu cầu UBND các phường trên địa bàn tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các công trình vi phạm trật tự xây dựng, PCCC. Trường hợp phát hiện vi phạm xử lý nghiêm theo quy định, ông Tuấn Anh nói.

Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Việt Dũng cho biết, để công trình xây dựng không phép, sai phép hoàn toàn là trách nhiệm của quận, huyện trong xử lý, cưỡng chế. Trong khi đó, ông Đàm Văn Huân, Trưởng ban Đô thị HĐND TP Hà Nội cho biết, trật tự xây dựng là vấn đề nóng trên địa bàn thành phố. Ban đang chuẩn bị tài liệu để thực hiện giám sát chuyên đề về trật tự xây dựng, dự kiến thực hiện từ tháng 5/2024. “Hiện, ban Đô thị đang tập hợp báo cáo từ các quận, huyện để chuẩn bị kế hoạch giám sát. Đợt giám sát này sẽ thực hiện toàn diện từ vi phạm xây dựng đến trách nhiệm của cá nhân, tổ chức liên quan”, ông Huân nói.

Quận Cầu Giấy là một trong những địa bàn “nóng” về trật tự xây dựng. Báo cáo của Sở Xây dựng cho thấy, trong năm 2023, địa bàn quận Cầu Giấy có 433 công trình xây dựng sai phép. Sở Xây dựng cũng đề xuất TP Hà Nội xem xét, xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân buông lỏng quản lý, thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ khi để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng nghiêm trọng trên địa bàn.

MỚI - NÓNG
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
TPO - Chiều 30/4, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia cho biết, trong ngày 30/4, toàn quốc xảy ra 61 vụ tai nạn giao thông, làm chết 27 người, bị thương 45 người. Lực lượng chức năng tước hơn 3.400 giấy phép lái xe các loại do vi phạm an toàn giao thông.