Vụ cháy hóa chất ở Long Biên: Hóa chất độc hại vượt ngưỡng 17 lần

TP - Sau đám cháy, kết quả quan trắc phát hiện ra nhiều hóa chất độc hại ở môi trường không khí xung quanh khu vực xảy ra đám cháy, trong đó nồng độ hóa chất Toluen vượt quy chuẩn hơn 17 lần.

Báo cáo của UBND quận Long Biên cho biết, ngày 30/6, một ngày sau khi xảy ra vụ cháy hóa chất ở Long Biên, Viện Hóa học môi trường quân sự - Bộ Tư lệnh Hóa học và Trung tâm quan trắc tài nguyên và môi trường - Sở TN&MT Hà Nội đã quan trắc lấy mẫu không khí, nước sau khi dập tắt đám cháy.

Ngày 1/7, Viện Hóa học môi trường quân sự báo cáo trong không khí tại giữa kho hóa chất còn tồn tại các hợp chất như Toluen, n-Butanol, Axeton, Benzen, n-Butylaceta, n-hexan, cyclo hexan.

Kết quả quan trắc của Sở TN&MT Hà Nội cũng cho thấy, tồn tại nhiều hợp chất như Axeton, Etyl axetat, n-Butyl Axetat, Metyl Etyl Keton, Etyl Benzen, Toluen, Xilen. Trong đó thông số Toluen vượt 17,53 lần.

Ngày 2/7, UBND quận Long Biên mời Viện Công nghệ môi trường (thuộc Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam) thực hiện quan trắc, lấy 4 mẫu không khí tại khu vực xảy ra cháy và lấy mẫu nước mặt của sông Đuống tại cảng Đức Giang để đánh giá mức độ ô nhiễm sau khi xảy ra cháy nổ.  Kết quả, trong không khí có tồn tại các hợp chất Toluen và methanol, trong đó thông số Toluen tại điểm cuối kho hóa chất vượt quy chuẩn 2,442 lần. Tổng bụi lơ lửng tại 4 điểm đều vượt quy chuẩn. Cụ thể, tại điểm cuối kho vượt 1,47 lần, tại trước cổng Công ty hóa học vượt 5,95 lần, tại cổng Cty bao bì Đất Việt vượt 5,05 lần, tại đầu ngõ 95 vượt 6,23 lần.

Theo TS Đỗ Thanh Bái, chuyên gia hóa học, kết quả quan trắc cho thấy, nhiều hóa chất là dung môi độc hại đã rò rỉ và bay hơi trong quá trình xảy ra đám cháy.

Vụ cháy hóa chất ở Long Biên: Hóa chất độc hại vượt ngưỡng 17 lần ảnh 1 Vụ cháy hóa chất sáng 29/6 tại Long Biên gây nhiều lo ngại về ô nhiễm không khí khu vực lân cận. Ảnh: Tùng Đoàn

Lý giải về việc nhiều ngày sau đám cháy, vẫn đo được nồng độ các hóa chất trên trong không khí, ông Bái cho rằng, đây là các hợp chất dễ bay hơi, không phân hủy trong môi trường và khó bắt cháy. Vì vậy, quá trình xảy ra đám cháy, các hợp chất này bị bay hơi vào không khí và tồn tại trong đó. TS Bái cho rằng, cần khoanh vùng, xác định khu vực có nguy cơ ô nhiễm không khí do đám cháy, nếu tác động đến khu vực có dân cư cần cảnh báo.

Toluen chủ yếu được dùng làm dung môi hòa tan nhiều loại vật liệu như sơn, mực in, chất hóa học, cao su, mực in, chất kết dính. Trường hợp hít phải khí này ở nồng độ cao có thể gây ngộ độc cấp tính với các biểu hiện như nôn nao, chóng mặt, hoa mắt. Tiếp xúc Toluen trong thời gian dài có thể gây ung thư.

Trước đó, kết quả kiểm tra hiện trường vụ cháy cho thấy, có hiện tượng rò rỉ hóa chất trong bồn ra ngoài (lực lượng phòng cháy chữa cháy đã bơm bê tông tươi vào khu vực chân bồn chứa hóa chất để ngăn chặn hóa chất rò rỉ từ bồn chứa ra môi trường). Bên cạnh đó, có các thùng phuy loại 200 lít chứa hóa chất bị cháy, nhiều thùng chứa bị nổ, khu vực cuối xưởng cháy có lò hơi
đốt than.

Rà soát các kho hóa chất ở Long Biên

Sở TN&MT Hà Nội cho biết, khu vực xảy ra vụ cháy hóa chất sáng 29/6 tại Long Biên được xác định là nhà kho chứa hóa chất và nhà xưởng sản xuất, diện tích khu vực cháy khoảng 273m2, thuộc Cty TNHH sản xuất và thương mại Cường Việt. 

Cty này được Sở Công Thương Hà Nội cấp Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh hóa chất gồm 8 chủng loại là Isopropaol, Toluen, Axeton, Etyl axetat, n- Butyl axetat, Metyl Etyl Keton, Xylen, Etyl benzen, tổng khối lượng hóa chất được cấp phép kinh doanh là 250 tấn/năm.

Đáng lưu ý, theo nhận định của Sở TN&MT Hà Nội, mặc dù giấy phép kinh doanh hóa chất của Cty Cường Việt do Sở Công thương Hà Nội cấp chỉ cho phép kinh doanh hóa chất. Tuy nhiên theo kết quả kiểm tra bước đầu cho thấy, cuối nhà xưởng của Cty có một lò hơi đang sử dụng, như vậy Cty Cường Việt có thể đang thực hiện các hoạt động sản xuất hóa chất tại địa điểm này.

Trước nguy cơ về các “quả bom hóa chất”, UBND quận Long Biên cho biết, đã thực hiện rà soát kho tàng hóa chất của các đơn vị kinh doanh hóa chất trên địa bàn quận để có biện pháp phòng ngừa. Trong tháng 7 sẽ tiếp tục rà soát kho tàng hóa chất của các đơn vị có sử dụng hóa chất trên địa bàn quận.

Ông Lê Tuấn Định, Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội cho biết, Trung tâm quan trắc của Sở vẫn tiếp tục quan trắc không khí liên tục tại khu vực và báo cáo về UBND TP Hà Nội.

MỚI - NÓNG