Vụ 15 toa tàu chở gỗ lậu qúy: Trách nhiệm của kiểm lâm ra sao?

Ga Bình Định (tỉnh Bình Định), nơi các chủ gỗ tập kết đưa lên 8 toa gỗ lậu quý hiếm trót lọt. Ảnh: Việt Hương
Ga Bình Định (tỉnh Bình Định), nơi các chủ gỗ tập kết đưa lên 8 toa gỗ lậu quý hiếm trót lọt. Ảnh: Việt Hương
TP - Theo một cán bộ Cục Kiểm lâm (Bộ NN&PTNT), gần 400m3 gỗ quý hiếm trên 15 toa tàu bị bắt giữ mà Tiền Phong phản ánh, có nguồn gốc trong nước. Vậy trách nhiệm của kiểm lâm các địa phương trong việc kiểm soát lượng gỗ lậu rất lớn đi cả ngàn cây số này tới đâu?

> Gỗ quý 'đè chết' bộ phận chức năng
> Đề nghị khởi tố vụ án hình sự tàu chở gỗ lậu quý

Ga Bình Định (tỉnh Bình Định), nơi các chủ gỗ tập kết đưa lên 8 toa gỗ lậu quý hiếm trót lọt. Ảnh: Việt Hương
Ga Bình Định (tỉnh Bình Định), nơi các chủ gỗ tập kết đưa lên 8 toa gỗ lậu quý hiếm trót lọt. Ảnh: Việt Hương.

Qua xem xét vận đơn của gỗ trong 15 toa tàu, đang bị giữ ở ga Giáp Bát, không thấy có giấy tờ chứng minh về gỗ nhập khẩu. Nên số gỗ nói trên, trong đó phần lớn là loại gỗ Trắc, Hương, Cẩm lai… có nguồn gốc từ gỗ tự nhiên trong nước.

Như vậy, ở đây cơ quan chức năng cần điều tra, làm rõ trách nhiệm của cơ quan kiểm lâm các tỉnh Ninh Thuận, Bình Định, Quảng Ngãi..., nơi các chủ gỗ tập kết gỗ tại ga tàu, nhưng đã để gỗ bất hợp pháp vận chuyển trót lọt lên tàu.

Một cán bộ Cục Kiểm lâm cho rằng, theo Quyết định 59 của Bộ NN&PTNT, thủ tục vận chuyển, cất giữ gỗ tròn, gỗ xẻ, gỗ đẽo hộp khai thác từ rừng tự nhiên trong nước, phải có hóa đơn bán hàng theo quy định của Bộ Tài chính, hoặc do chính quyền sở tại xác nhận (nếu rừng do cộng đồng, người dân quản lý, thuê) và đặc biệt phải có dấu búa của kiểm lâm.

Theo tìm hiểu của phóng viên, các lô hàng dù có hóa đơn bán hàng, nhưng số lượng khai báo có sự chênh lệch. Cơ quan chức năng bước đầu cũng cho biết, có hiện tượng mua bán hóa đơn, quay vòng hồ sơ. Trong số khoảng 400m3 gỗ đang bị bắt giữ, chỉ có vài khối có dấu búa của kiểm lâm. Phần lớn gỗ còn lại, dù thuộc diện phải đóng búa nhưng đều không có.

“Ngay cả với những lô gỗ có dấu búa, liệu có phải đúng dấu búa kiểm lâm thật hay không cũng cần phải tiếp tục làm rõ. Ở đây, ngoài trách nhiệm của kiểm lâm, cũng cần làm rõ trách nhiệm của ngành đường sắt, vì để rất nhiều gỗ không có dấu búa nhưng vẫn cho lên tàu”, vị cán bộ Cục Kiểm lâm nói.

Lỗ hổng luật?

Theo một cán bộ kiểm lâm, thực tế cho thấy, từ nơi bán gỗ đến địa điểm tập kết, cho đến khi sắp xếp lên tàu doanh nghiệp đều tự khai, vận chuyển còn lực lượng kiểm lâm bình thường cũng không kiểm tra. “Quyết định 59 cũng tạo ra hành lang quá thoáng cho các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh, chế biến gỗ, khiến nhiều đối tượng lợi dụng để phá rừng, buôn bán lâm sản trái phép” - vị này cho biết.

Thực tế, tại ga xép Từ Sơn (Bắc Ninh), nơi có trung bình 4-5 toa tàu gỗ về mỗi ngày, phục vụ cho những làng nghề như Đồng Kỵ cũng không có lực lượng chức năng kiểm tra thường xuyên.

Ông Nguyễn Khắc Trung, Hạt trưởng Kiểm lâm Tiên Phong (Bắc Ninh) cho biết, theo quy định, chúng tôi khi phát hiện dấu hiệu vi phạm, có thông tin chính xác thì anh em mới được phép kiểm tra. Còn bình thường thì kiểm lâm không được… gây khó dễ doanh nghiệp.

Theo ông Trung, trên địa bàn do Hạt quản lý có khoảng 500 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh trong lĩnh vực liên quan đến kinh doanh, chế biến gỗ. Còn các hộ cá thể không kiểm soát được, vì họ không đăng ký. Từ đầu năm đến nay kiểm lâm chưa phát hiện được vụ vi phạm nghiêm trọng nào về lâm sản ở ga Từ Sơn.

Theo một nguồn tin, để phát hiện hàng trăm khối gỗ bất hợp pháp trên, các cơ quan chức năng, trong đó lực lượng kiểm lâm phải trinh sát và theo dõi nhiều tháng nay. Hiện hồ sơ vụ việc đang được củng cố, để cơ quan điều tra, Bộ Công an khởi tố vụ án, tiếp tục điều tra theo pháp luật.

Trong Chỉ thị mới đây, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết: Tại nhiều địa phương, lực lượng kiểm lâm mới chỉ tập trung kiểm tra gỗ trên đường giao thông; việc bảo vệ rừng, kiểm tra, giám sát chấp hành pháp luật ở rừng, các tụ điểm tập kết, chế biến gỗ, lâm sản còn bị buông lỏng, dẫn đến ngày càng nhiều đối tượng gian lận, hợp thức hoá gỗ, lâm sản bất hợp pháp.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG