Voi bị thương vẫn oằn lưng chở khách, bao giờ chấm dứt du lịch cưỡi voi?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Đắk Lắk đã ký hợp tác với Tổ chức Động vật Châu Á (Animals Asia Foundation) về việc sẽ chấm dứt loại hình du lịch cưỡi voi, cũng như các hoạt động làm ảnh hưởng đến phúc lợi của voi nhà trong các hoạt động du lịch, và lễ hội. Tuy nhiên, trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm dần 2022 vừa qua, nhiều con voi bị thương vẫn oằn lưng chở khách.

Mới đây, một du khách đã chia sẻ hình ảnh kèm cảm nhận trên facebook khi chứng kiến những con voi nhà ở Đắk Lắk bị nhiều vết thương rỉ máu trên đầu, gần vành tai… nhưng vẫn hì hục chở khách tham quan.

Cụ thể, vị khách này vừa đến Đắk Lắk thăm quan. Tuy nhiên, người này tự nhận đây là trải nghiệm tệ nhất khi đến 2 địa điểm du lịch của tỉnh này và nhận về sự thất vọng.

Voi bị thương vẫn oằn lưng chở khách, bao giờ chấm dứt du lịch cưỡi voi? ảnh 1

Hình ảnh du khách chụp lại những vết thương trên đầu voi

"Đến với hồ Lak- Bản Jun có ngay dịch vụ cưỡi voi ở ngay bên hồ, khách tham quan thay vì chèo thuyền độc mộc thì có thể cưỡi voi xuống hồ tham quan cảnh hùng vĩ nước non.

Mỗi nhân viên hướng dẫn voi đều cầm 1 cây gậy với phía đầu là móc sắt dùng để móc vào tai và đầu voi điều hướng đi và "răn" chúng. Đầu con nào cũng chằng chịt những vết thương cũ và mới ...

Còn ở bản Đôn ngày Tết có tổng 6 con voi nhưng tần suất khách tới thăm hàng ngày lên đến vài nghìn người, người đợi để được cưỡi voi xếp hàng dài ...

Mình chuẩn bị sẵn 1 nải chuối và ít cùi dừa tươi khi đến Buôn Đôn với hy vọng được cho voi ăn. Nhưng khi đến, mình thấy chúng chở người tham quan liên tục không ngừng nghỉ. Những tấm mía được mời chào hỗ trợ cho voi ăn không thể thấm tháp với khẩu phần ăn hàng ngày. Và cứ thử ngẫm xem nếu bạn vừa phải vác gạo trên lưng vừa ăn thì có nuốt nổi không???

Hiện nay, quần thể voi tại Đắk Lắk còn không quá 140 cá thể (khoảng 100 cá thể voi hoang dã và 37 cá thể voi nhà), giảm 90% số lượng so với năm 1980. Và rõ ràng UBND tỉnh Đắk Lắk đã ký kết hợp tác với Tổ chức Động vật Châu Á để chấm dứt hình thức du lịch cưỡi voi đối với toàn bộ voi nhà trong tỉnh Đắk Lắk!

Hy vọng chính quyền sẽ tiến hành sớm để các cá thể voi tham gia vào dự án du lịch thân thiện được tận hưởng dinh dưỡng trọn vẹn, được nghỉ ngơi và được chăm sóc chu đáo!" - trích đoạn chia sẻ của du khách.

Bài viết được chia sẻ trên nhóm “Review Buôn Ma Thuột” và nhiều hội, nhóm, trang facebook cá nhân khác. Phần lớn ý kiến bày tỏ thương xót cho những con voi nhà và mong chính quyền sớm thực hiện cam kết chấm dứt hình thức du lịch cưỡi voi. Song cũng có người phản ứng vì cho rằng đã “hất nồi cơm” của những nài voi và chủ voi.

Voi bị thương vẫn oằn lưng chở khách, bao giờ chấm dứt du lịch cưỡi voi? ảnh 2

Voi nhà ở Đắk Lắk vẫn chở khách du lịch

Ông Y Khu Êban (buôn Ea Mar, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn)- chủ voi cái 38 tuổi chia sẻ, đợt Tết vừa qua, ông có cho voi chở khách du lịch. Mỗi lượt, ông chỉ cho voi chở 2 du khách và di chuyển trong vòng 5 phút. Ông cũng trang bị roi sắt nhưng hạn chế sử dụng để điều khiển voi. Voi là nguồn thu nhập chính của gia đình ông nên ông vẫn phải cho voi phục vụ khách du lịch. Ông cũng mong UBND tỉnh Đắk Lắk và Tổ chức Động vật châu Á sớm triển khai chuyển đổi mô hình du lịch cưỡi voi sang mô hình du lịch thân thiện (cho khách ngắm và chụp hình voi từ xa), khi đó, những chủ voi như ông sẽ được hỗ trợ kinh phí đảm bảo không bị mất thu nhập khi voi không còn chở khách.

Ông Trần Xuân Phước- Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk cho hay, UBND tỉnh và Tổ chức Động vật châu Á vừa ký hợp tác (tháng 12/2021) về việc tài trợ kinh phí để tỉnh này chuyển đổi mô hình du lịch cưỡi voi sang mô hình du lịch thân thiện với voi. Theo đó, Đắk Lắk sẽ hạn chế tối đa, hướng tới không tổ chức các hoạt động ảnh hưởng đến phúc lợi voi nhà, bao gồm: Du lịch cưỡi voi; các hội thi như voi bơi; voi đá bóng; voi chạy; voi kéo co; voi diễu hành nhiều giờ trên đường nhựa hoặc bê tông; dùng voi để tái hiện cảnh săn bắt và thuần dưỡng voi.

“Đây mới là ký kết thỏa thuận bước đầu giữa UBND tỉnh và Tổ chức Động vật châu Á. Chúng tôi đang chờ kinh phí để triển khai nên chưa thể cấm chủ voi cho voi chở khách du lịch. Trước và trong Tết Nguyên đán, nhiều chủ voi ở 2 huyện Lắk và Buôn Đôn cho voi chở khách rất nhiều. Chỉ có Vườn quốc gia Yok Đôn đang thực hiện mô hình du lịch voi thân thiện bởi họ đã được Tổ chức Động vật châu Á tài trợ kinh phí để triển khai thí điểm”, ông Phước nói.

Được biết, vào tháng 7/2020, trên địa bàn huyện Buôn Đôn xảy ra vụ việc 3 người nhà 1 du khách đến từ Hưng Yên bị té ngã nhập viện cấp cứu khi đang cưỡi voi.

Trước đó, ngày 2/5/2020, tại huyện Lắk (Đắk Lắk) xảy ra sự việc nài voi bị chết do voi nhà tấn công.

MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.