Thêm “doping” cứu voi nhà

0:00 / 0:00
0:00
Một voi nhà được đưa về Trung tâm chăm sóc
Một voi nhà được đưa về Trung tâm chăm sóc
TP - Bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương kết hợp các nguồn lực tài trợ khác được xem là liều “doping” cứu những con voi cuối cùng của đại ngàn Tây Nguyên trước nguy cơ tuyệt chủng.

Kỳ họp thứ 3, khóa X của HĐND tỉnh Đắk Lắk từ 8-10/12 thông qua nhiều nội dung điều chỉnh, bổ sung Nghị quyết 78 về chính sách bảo tồn voi được ban hành năm 2012. HĐND nhất trí tăng phúc lợi cho voi nhà bằng cách bố trí kinh phí hằng năm để hỗ trợ chủ voi không còn khả năng chăm sóc tự nguyện giao lại Trung tâm Bảo tồn voi phục vụ nghiên cứu sinh sản, bảo vệ nguồn gien; rót kinh phí cùng các nguồn tài trợ của các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ chủ voi chuyển đổi hình thức du lịch từ cưỡi voi sang khai thác du lịch thân thiện với voi. Đây là chính sách hoàn toàn mới.

Câu chuyện bảo tồn voi nhà tại Đắk Lắk đang gặp vấn đề nan giải vì hầu hết đàn voi đã qua thời điểm vàng sinh sản nhưng chưa một lần sinh con. Ông Y Mức Byă (buôn Yang Lành, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn), người có trên 30 năm làm nghề chăm sóc voi (nài voi), cho hay: “Voi rất kén chọn bạn tình. Tôi từng chăm sóc cho 1 cặp voi để sinh con nhưng suốt 5 tháng chúng vẫn không ưa nhau”. Đã khó chọn bạn tình nhưng đàn voi lại không có nhiều cơ hội gặp gỡ vì phải oằn mình chở khách du lịch. Theo thời gian, voi cứ già yếu rồi chết dần.

Từ đàn voi nhà đông đúc 500 con (năm 1980), đến nay Đắk Lắk chỉ còn 37 con phân bố tại 2 huyện Lắk và Buôn Đôn. Từ năm 2017-2020, Trung tâm Bảo tồn voi cùng các chuyên gia bảo tồn voi thế giới hỗ trợ được 3 voi cái tại huyện Lắk mang thai nhưng voi con đều chết khi lọt lòng. Đây được xem là sự kiện nổi bật từ khi lập trung tâm và Nghị quyết số 78 đi vào cuộc sống gần 10 năm qua. Tháng 10/2021, Trung tâm Bảo tồn voi vận động Tổ chức Động vật châu Á tài trợ kinh phí cùng với nguồn ngân sách tỉnh đã cứu hộ thành công 1 voi nhà tại huyện Lắk. Đây là tiền đề cho sự ra đời chính sách cứu hộ voi nhà vừa được HĐND tỉnh thông qua.

Đừng để “giá như”

Nài voi Y Vinh Êung (trú buôn Lê, thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk) chia sẻ, việc tăng phúc lợi, thêm kinh phí cho công tác bảo tồn voi là cấp thiết, song phải hành động quyết liệt để đưa Nghị quyết vào thực tế, đạt kết quả. Gia đình Y Vinh có truyền thống nuôi voi lâu đời ở huyện Lắk. Voi là thành viên thân thiết trong gia đình, bản thân anh được làm bạn với voi từ thuở bé nên nhiệt tình tham gia đề án hỗ trợ voi nhà sinh sản và mô hình du lịch voi thân thiện do Trung tâm Bảo tồn voi thực hiện.

Nài voi Y Vinh hay, hỗ trợ việc lấy mẫu máu phục vụ xét nghiệm tìm khả năng sinh sản của từng con voi. Bất cứ voi nào ở địa phương bị đau ốm, anh cũng có mặt kịp thời nắm bắt tình hình và báo Trung tâm can thiệp khi cần thiết… “Các chủ voi tại huyện Lắk rất ủng hộ chủ trương bảo tồn voi nhà. Vậy nên, chúng tôi mong cơ quan chức năng sớm quy hoạch khu chăn thả cho đàn voi. Hiện tại 15 con voi tại địa phương đang chăn ở khu vực xã Yang Tao. Nơi đây có nguồn thức ăn, nước tự nhiên, muối khoáng rất tốt cho voi lại gần trung tâm huyện, thuận lợi cho phát triển mô hình du lịch voi thân thiện. Do đó, các chủ voi cũng mong muốn cơ quan chức năng nghiên cứu quy hoạch khu chăn thả tại đây”.

Tròn 1 năm kể từ ngày Yă Tao, con voi cuối cùng ở Bắc Tây Nguyên, chết, Ama Liễu (xã Chư Mố, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) vẫn chưa thôi nhớ: “Giá như chúng tôi tìm bạn cho cho nó thì nó không phải chết trong cô độc”. Ama Liễu cho hay, Yă Tao được người bố vợ quá cố mua tại chợ voi Đắk Lắk những năm 1990. Hằng ngày, Yă Tao cùng gia đình lên rẫy. Dù được nhiều người hỏi mua giá rất cao, lên tới 600 triệu đồng nhưng gia đình không bán. Năm 2009, bố vợ qua đời, Ama Liễu trở thành nài voi của Yă Tao. Anh chăm sóc Yă Tao rất chu đáo, tuy nhiên đầu tháng 12/2020, Yă Tao có biểu hiện lạ, chán ăn sau đó gục chết bên bờ suối.

Những nội dung nổi bật trong Nghị quyết 78 bảo tồn voi vừa được bổ sung, sửa đổi gồm: trong quá trình voi gặp gỡ, động dục, chủ voi cái được hỗ trợ 500.000 đồng/ngày, chủ voi đực 600.000 đồng/ngày, nài voi 200.000/ngày trong vòng 29 tháng đối với nài voi cái và 30 ngày đối với nài voi đực. Quá trình voi mang thai, sinh sản, chủ voi sẽ nhận trên 400 triệu đồng…

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây.