Việt Nam thiệt hại khoảng 20.000 tỷ đồng vì thiên tai năm 2018

Thiên tai năm 2018 gây thiệt hại 20.000 tỷ đồng
Thiên tai năm 2018 gây thiệt hại 20.000 tỷ đồng
TPO - Năm 2018, tại Việt Nam, thiên tai gây thiệt hại khoảng 20.000 tỷ đồng, 218 người chết và mất tích.

Sáng 21/12, tại hội nghị tổng kết năm 2018 về công tác phòng chống thiên tai, ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Tổng cục trưởng Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) cho biết, năm 2018 thiên tai xảy ra liên tiếp trên các vùng miền cả nước với 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, 212 trận dông, lốc sét; 14 trận lũ quét, sạt lở đất, 9 đợt gió mạnh trên biển.

Năm nay cũng xuất hiện 4 đợt rét đậm, rét hại; 11 đợt nắng nóng, 23 đợt không khí lạnh; 30 đợt mưa lớn trên diện rộng. Cùng đó, lũ lớn tại thượng nguồn sông Cửu Long sau 7 năm kể từ 2011, triều cường vượt mốc lịch sử tại các tỉnh Nam bộ, sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển nghiêm trọng tại miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long…

Đến nay, thiên tai năm qua đã gây thiệt hại về kinh tế ước tính 20.000 tỷ đồng, làm 218 người chết và mất tích. Đây là một con số thiệt hại đã giảm thiểu rất nhiều so với năm ngoái, khi năm 2017 thiên tai làm 386 người chết, mất tích, gây thiệt hại kinh tế tới 60.000 tỷ đồng.

Theo ông Sơn, Bộ NN&PTNT đã báo cáo Thủ tướng ký quyết định hỗ trợ 1.500 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2018, đề nghị xem xét hỗ trợ 1.000 tỷ đồng từ nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Năm qua, Bộ cũng tham mưu trình Thủ tướng quyết định hỗ trợ các địa phương khu vực phía Bắc 1.135 tỷ đồng để khắc phục hậu quả sau thiên tai, trình Thủ tướng hỗ trợ 6.300 tỷ đồng và 36 triệu USD (vốn ODA) để khắc phục khẩn trương các công trình đê điều, xử lý sạt lở Đồng bằng sông Cửu Long, xói lở bờ biển và bồi lấp cửa sông miền Trung.

Phối hợp các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ di dời khẩn cấp 5.495 hộ dân bị thiệt hại do lũ ống, lũ quét, sạt lở đất hiện không có nhà ở, phải đi ở nhờ hoặc đang ở lều lán, nhà tạm thuộc 13 tỉnh….

Tuy nhiên, bên cạnh còn những kết quả trên, công tác ứng phó với thiên tai vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế. Trong đó, công tác dự báo, cảnh báo chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là dự báo định lượng mưa và cảnh báo lũ quet, sạt lở.

Việc kiểm tra, kiểm soát phòng ngừa rủi ro thiên tai tại một số địa phương chưa được thực hiện nghiêm túc, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc như xảy ra tại Nha Trang cuối tháng 11/2018.

Cùng đó, việc lồng ghép nội dung Phòng chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, KT-XH của các bộ ngành, địa phương chưa được quan tâm đúng mức, chưa có giải pháp lồng ghép phù hợp, hiệu quả…

Việt Nam thiệt hại khoảng 20.000 tỷ đồng vì thiên tai năm 2018 ảnh 1 Theo Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, công tác dự báo, cảnh báo thiên tai cần đầu tư thêm cả về thiết bị lẫn đào tạo nhân lực

Tại hội nghị Bộ trưởng NN&PTNT, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho rằng, năm 2018, dù thiên tai không khốc liệt như năm ngoái, nhưng vẫn có nhiều nét dị thường.

Theo ông, đợt mưa cấp tập ngày 23-26/6 ở miền núi phía Bắc tới 500-600 mm, khiến 32 người chết. Năm lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long đến rất sớm từ cuối tháng 8, ở khu vực Tân Châu, Châu Đốc cứ chấp chới trên dưới bao động 3 liên tục…Nếu thượng nguồn tiếp mưa thì rất nguy hiểm.

Bộ trưởng Cường cũng dẫn chứng nét dị thường “chưa bao giờ có” của thiên tai năm qua, với cơn bão số 9 vừa rồi, khi vào cách bờ 50-60 km, bão đứng im 5 tiếng sau đó giảm cấp mới vào đất liền….

Trước tình hình trên, Bộ trưởng cho rằng năm 2019, thiên tai vẫn đối diện với những dị thường mới và không thể chủ quan. Ông đề nghị các thành viên của Ban chỉ đạo, địa phương tổng rà soát ở cả 3 khâu, từ dự báo, cảnh báo, ứng phó và khắc phục sự cố thiên tai.

Trong đó, ở khâu dự báo, cảnh báo, cần chủ động “hội chẩn” từ khi xuất hiện các loại hình thiên tai, để cảnh báo về thời gian, phạm vi, đối tượng…để bám sát. “Cơ quan dự báo cũng xem lại trang thiết bị thiếu cái gì, nguồn nhân lực thế nào, và phối kết hợp với quốc tế để nhận định và cần tranh thủ, dự báo càng sát càng tốt”- ông Cường nói.

Bộ trưởng Cường cũng nhắc việc cơ chế, hình thức, nguyên tắc hỗ trợ. “Tránh để nhà ở gần đường, thiệt hại một ít thì hàng chục đoàn đến, nhà vùng sâu, vùng xa thì không ai đến thăm hỏi”- ông Cường nói.                                                                                                            

MỚI - NÓNG