Theo Bộ NN&PTNT, Việt Nam là quốc gia dễ chịu ảnh hưởng của thiên tai, với hơn 70% dân số quốc gia phải đối mặt với các rủi ro từ nhiều loại hình thiên tai. Trong vòng hai thập kỷ qua, các đợt thiên tai ở Việt Nam đã làm hơn 13.000 người bị thiệt mạng và các tài sản bị thiệt hại tính ra hơn 6,4 tỷ USD.
Những năm gần đây, thiên tai xảy ra ngày càng khốc liệt và diễn biến bất thường. Điển hình là trận lũ quét, sạt lở đất hồi đầu tháng 8/2017 tại các tỉnh Sơn La, Yên bái và một số tỉnh lân cận đã làm 44 người chết và mất tích, thiệt hại kinh tế ước tính 55 triệu USD.
Trung bình mỗi năm, thiên tai tại Việt Nam đã làm chết và mất tích trên 300 người, thiệt hại về kinh tế từ 1-1,5% GDP
Tiếp đó, đến tháng 9, cơn bão số 10 có tên quốc tế là Doksuri- được cho là mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây đã quét qua địa bàn các tỉnh miền Trung, gây thiệt hại nghiêm trọng. Bão làm 9 người thiệt mạng, khoảng 193.000 ngôi nhà bị sập đổ, hư hỏng, thiệt hại ước tính khoảng 385 triệu USD.
Gần đây nhất, trong 2 ngày 9-10/10, đợt mưa lũ trên diện rộng tại các tỉnh Bắc bộ và Bắc Trung bộ đã và đang gây ra hậu quả nặng nề trên địa bàn rộng lớn. Mực nước sông nhiều nơi vượt mức đỉnh lũ lịch sử. Đến nay đã hơn 90 người chết, mất tích gây thiệt hại rất lớn về kinh tế.
Theo thống kê, trung bình mỗi năm, thiên tai tại Việt Nam đã làm chết và mất tích trên 300 người, thiệt hại về kinh tế từ 1-1,5% GDP. Trong đó ngành nông nghiệp là ngành được đánh giá dễ bị tổn thương nhất trước tác động của hầu hết các loại hình thiên tai.
Trong các trường hợp có thiên tai lớn, mức độ thiệt hại có thể vượt trên 4% GDP. Biến đổi khí hậu được dự báo là sẽ làm tăng tác động của thiên tai, đặc biệt về thời gian, tần suất, độ nghiêm trọng và cường độ của các sự kiện khí tượng thuỷ văn.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết, thực tế cho thấy, hoạt động kinh tế càng phát triển thì rủi ro do thiên tai gây ra có thể càng lớn, nhất là ở những nước có sự phát triển thiếu đồng bộ về nhiều mặt.
Vì thế, công tác phòng, chống thiên là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và được ưu tiên hàng đầu, là yếu tố quan trọng, quyết định đến quy mô, tốc độ tăng trưởng, phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo.
Theo ông Cường, công tác trên đòi hỏi phải có giải pháp tổng thể, bên cạnh các kinh nghiệm truyền thống, cần tiếp tục phát triển các cơ sở hạ tầng thiết yếu và đặc biệt là tăng cường, phát triển các công cụ hỗ trợ, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và khoa học công nghệ trong dự báo, cảnh báo và quản lý thiên tai tổng hợp. Hoạt động về phòng, chống thiên tai cũng cần được lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các cấp, các ngành và từng địa phương.
Ông Achim Fock, Quyền Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam là quốc gia dễ bị ảnh hưởng về thiên tai thứ bảy trên thế giới, với các loại hình như hạn hán, bão lớn và lũ lụt gây thiệt hại đáng kể về kinh tế và con người.
“Chính phủ đã có những nỗ lực đáng kể để ứng phó với các rủi ro về thiên tai do khí hậu. Thiên tai có thể xoá đi hàng thập kỷ xây dựng và phát triển và chi phí để xây dựng lại có thể còn tốn kém hơn nhiều so với chi phí để đầu tư cho sự thích ứng với thảm hoạ thiên nhiên”- ông Achim Fock nói.