Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cho biết, số liệu quan trắc ghi nhận chưa bao giờ xảy ra đợt lũ lớn như vậy ở phía Bắc và cũng là lần đầu tiên hồ Hoà Bình mở tới 8 cửa xả.
Thưa ông, vì sao là cuối mùa mưa ở miền Bắc, nhưng vẫn xảy ra trận mưa lũ với sức gây thiệt hại rất lớn như vậy các tỉnh Bắc Trung bộ và miền Bắc?
Ngay từ đầu năm 2017, chúng tôi đã đưa ra cảnh báo sớm về khả năng mưa nhiều hơn so với 3 năm gần đây, bão cũng nhiều hơn. Vào tháng 10 năm nay, tuy cuối mùa mưa, nhưng cũng dự báo là sẽ có mưa nhiều hơn, lũ muộn ở Bắc bộ (còn ở Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh là mưa chính vụ) cũng được cảnh báo.
Đợt mưa vừa rồi là do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào vùng Nghệ An-Hà Tĩnh, tuy cường độ không mạnh, nhưng hoàn lưu mở rộng ra phía Nam Đồng bằng Bắc bộ và một phần phía Tây Bắc và đặc biệt kết hợp với một đợt không khí lạnh.
Thông thường, mùa Thu, chỉ cần có không khí lạnh, hoặc áp thấp nhiệt đới là đã gây mưa vừa, mưa to rồi. Trong khi, đợt mưa vừa rồi kết hợp cả hai yếu tố này, nên mưa rất lớn.
TS Lê Thanh Hải, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia
Và thực tế, đợt mưa vừa qua khu vực Hà Tĩnh-Quảng Bình tới 100-200 mm; Nghệ An, Thanh Hoá, Hoá Bình là 300-500 mm; và một số khu vực Sơn La, Yên Bái, Hà Nam, Ninh Bình 300-400mm. Có điểm mưa lớn nhất Bát Mọt (Thanh Hoá) tới 600mm, ở Kim Bôi (Hoà Bình) tới 550 mm, Vinh (Nghệ An) cũng trên 500nm…
Theo số liệu quan trắc của cơ quan khí tượng ghi nhận được, cuối tháng 10, chưa bao giờ xảy ra đợt lũ lớn như vậy. Lũ về hồ Hoà Bình vào trưa 11/10, đạt tới 15.940 m3/s, là con số khủng khiếp chưa từng có vào tháng 10. Trước đây từng ghi nhận 12.500 m3/s vào tháng 8/1996, nhưng đó là lũ chính vụ. Hồ Hoà Bình có 12 cửa xả đáy, nhưng đây cũng là lần đầu tiên mở tới 8 cửa xả.
Cũng trong đợt mưa lũ này, sông Hoàng Long, cũng ghi nhận kỷ lục tại Bến Đế cao 5,53 m, cao hơn mốc lịch sử (năm 1985) 29 cm. Một sông như sông Chu, Bưởi, Mã... đều vượt trên báo động 3, gây ngập úng, sạt lở. Ngoài ra, do cuối mùa mưa, bao giờ lượng nước ở tích ở các hồ chứa rất lớn, nên khi có mưa lớn nữa, nên phải xả khẩn cấp, nếu không sẽ tràn ngay.
Thông tin dự báo nếu không sát, sẽ ảnh hưởng đến công tác điều hành xả lũ.
Có ý kiến cho rằng về việc dự báo về lượng mưa, lưu lượng nước về hồ Hồ chưa sát với diễn biến bất thường, khiến việc điều hành hồ xả lũ còn bị động?
Thực tế, muốn có bản tin dự báo tin cậy, phải hệ thống quan trắc phải chính xác. Hệ thống quan trắc phải nhiều, đưa ra được các con số định lượng cụ thể…Tuy nhiên, hệ thống quan trắc của Việt Nam còn mỏng.
Như cơn lũ quét, sạt lở đất ở Mù Cang Chải (Yên Bái) và Mường La (Sơn La) hồi đầu tháng 8 vừa rồi là rất kinh khủng. Thế nhưng, các trạm đo mưa gần nhất của cơ quan tượng, là ở đèo Khau Phạ chỉ 115mm trong 6 tiếng; còn trạm ở Mường La chỉ đo được 65 mm.
Rõ ràng, các lưu cực nơi xảy ra lũ quét, có thể mưa rất lớn, như chúng tôi tính toán có thể lên 200-400mm trong 6 tiếng, nhưng chúng tôi không có điểm nào để đo cả.
Sắp tới, chúng tôi sẽ đặt một radar thời tiết trên đỉnh đèo Pha Đin, hy vọng sẽ có thêm thông tin để đưa các dự báo, cảnh báo cụ thể hơn. Tuy nhiên, hiện mức độ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất chúng tôi chỉ mới cảnh báo đến cấp huyện, chứ xã thì rất khó.
Nghĩa là, ngay ở khu vực thủy điện Hòa Bình, vẫn không đủ thiết bị quan trắc?
Với khu vực thủy điện Hoà Bình, cũng có các thiết bị đo mưa, nhưng không đủ dày để theo dõi. Khi dự báo nước vào hồ, phải dựa vào quan trắc ở các dòng chính chảy vào. Hiện dòng chính chảy vào hồ chỉ có trạm quan trắc ở Tạ Bú, Vạn Yên ở phía trên, hoặc hồ Sơn La xả xuống thì tính ra được. Còn rất nhiều nhánh nhỏ chảy vào hồ gần như rất khó thông tin, tiên liệu.
Do vậy, các nhận xét là dự báo chưa sát cũng không phải là có lý. Các dự báo, cảnh báo mưa phải điều chỉnh sát với thực tế, cập nhật thường xuyên hơn.
Hiện nay, các trạm quan trắc chỉ trông vào hệ thống quan trắc quốc gia. Việc này phải dựa vào quy hoạch, có lộ trình, kinh phí. Còn một số bộ ngành, địa phương, chủ hồ lắp được các trạm lắp đặt thêm, sẽ giúp tốt hơn trong công tác dự báo. Tuy vậy, việc dự báo cũng chỉ trong thời gian ngắn khoảng vài ba tiếng tới, chứ vài tuần, tháng tới thì rất khó khăn.
Hiện nay cơ quan dự báo khí tượng thủy văn chỉ có hơn 800 trạm quan trắc, trong đó 300 trạm đo mưa tự động, 200 trạm khí tượng, 300 trạm thuỷ văn để quan trắc, xác định lượng mưa. Ở Nhật, không chỉ có thiết bị đo mưa dày đặc cả ở Trung ương lẫn địa phương, họ còn có các thiết bị đo mực nước ngầm. Việt Nam vẫn chưa có thiết bị đo nước nước ngầm nào ở phía Bắc cả.
Thưa ông, hiện nay, áp thấp nhiệt đới đã mạnh thành bão khi vào biển Đông, ông nhận định cơn bão này sẽ ảnh hưởng đến nước ta thế nào?
Khi vào biển Đông, áp thấp nhiệt đã mạnh lên thanh bão và trở thành cơn bão số 11 trên biển Đông. Cơn bão này đi về phía Bắc biển Đông. Tuy nhiên, khoảng ngày 15/10 tới, có đợt không khí lạnh mạnh từ phía Bắc xâm nhập xuống nữa, làm cho bão ngoặt về phía Tây.
Nhiều khả năng, bão sẽ ảnh hưởng các tỉnh từ Thanh Hoá đến Quảng Ngãi. Chắc chắn sẽ có một đợt mưa lớn, nhất là các tỉnh Bắc Trung bộ sẽ có mưa 300-400 mm, thậm chí có hơn 500 mm. Thời gian mưa, dự kéo dài khoảng 3 ngày, từ 15-17/10 tới. Còn ở Bắc bộ, chỉ có mưa và mưa vừa. Tuy nhiên, ở miền Bắc nhiệt độ sẽ giảm xuống, trời se lạnh, ban ngày còn 20-23 độ C, còn ban đêm 17-20 độ C.
Ngoài ra, cuối tháng 10 này, khả năng sẽ có một cơn áp thấp, hoặc bão nữa và sang tháng 11 sẽ có 1-2 cơn, trong đó có 1 cơn ảnh hưởng trực tiếp vào nước ta; thậm chí tháng 12 tới cũng có áp thấp.
Xin cám ơn ông!
Dự báo “trượt” rất nguy hiểm Trao đổi với PV Tiền Phong, TS Đào Trọng Tứ, chuyên gia mạng lưới sông ngòi Việt Nam cho biết, quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Hồng có 5 hồ là Hoà Bình, Sơn La, Tuyên Quang, Lai Châu, Thác Bà. Tuy nhiên, việc điều hành theo quy trình phải phụ thuộc vào cảnh báo mưa lũ tốt để điều hành. Nếu dự báo mà trượt thì nguy hiểm. Theo TS Tứ, hiện các hồ Bắc Trung bộ và miền Bắc đang đầy, gần như không còn sức chứa. Mưa lớn, hồ đầy, đương nhiên phải xả, tuy nhiên việc khi nào chứa, khi nào xả mới quan trọng. Và vấn đề quan trọng nhất là bảo vệ công trình, hạ du đặc biệt là tính mạng người dân. “Quy trình vận hành là làm theo cơ sở quá khứ, với nhiều kịch bản, lúc mưa lũ giống kịch bản nào thì anh chạy theo kịch bản đó. Còn nếu không giống kịch bản nào, thì anh phải tự chạy. Điều đó cho thấy vấn đề điều hành rất quan trọng”. TS Tứ cũng lưu ý, về hồ thuỷ điện Hoà Bình có nhiều hồ nhỏ ở thượng nguồn. Nếu ở dưới đã đầy, mà những hồ bé này gặp sự cố, xả ồ ạt xuống hồ dưới thì nguy hiểm lắm. Cái này liên tưởng đến như hiệu như domino, vỡ cả chùm đập nhỏ từ trên xuống, gây ra thảm họa lịch sử vụ hồ Bản Kiều ở Trung Quốc năm 1975.