Nhiều xã ở Hà Nội bị nước lũ cô lập vì sự cố đê điều

Nước lũ ngập nhiều ngôi nhà sau sự cố đê Bùi 2 ở xã Hoàng Văn Thụ (Chương Mỹ, Hà Nội)
Nước lũ ngập nhiều ngôi nhà sau sự cố đê Bùi 2 ở xã Hoàng Văn Thụ (Chương Mỹ, Hà Nội)
TPO - Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai thành phố Hà Nội, trên địa bàn huyện Chương Mỹ có 7/32 xã, thị trấn bị nước lũ cô lập.

Cụ thể, các xã này gồm Nam Phương Tiến, Tân Tiến, Hoàng Văn Thụ, Thanh Bình, Thủy Xuân Tiên, Hữu Văn và thị trấn Xuân Mai.

Trên địa bàn xã Nam Phương Tiến có 10 thôn trong đó có 4 thôn địa hình trũng nhất gồm: Nhân Lý, Hạnh Bồ, Nam Hải, Hạnh Côn bị ngập hoàn toàn, ảnh hưởng đến gần 800 hộ dân.

Ban Chỉ hủy Phòng chống thiên tai thành phố Hà Nội cho biết, tính từ 19h ngày 11/10 đến sáng 12/10, theo báo cáo của UBND huyện Chương Mỹ, ngày 11/10 xảy ra ngập tràn đê, chiều dài đoạn tràn là 120m (đê bối Đồng Trối, xã Thủy Xuân Tiên), sạt lở 10m đê bối (đoạn cầu Vai Phiêu, xã Hoàng Văn Thụ).

Tổng hợp tình hình mưa lũ trên địa bàn thành phố Hà Nội, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai cho biết, trên địa bàn xã Bạch Hạ, huyện Phú Xuyên xảy ra sạt khoảng 60m đường đê bê tông bờ hữu sông Lương đoạn gần đập Mai Trang. UBND huyện Phú Xuyên đã gia cố cọc phía sông, khống chế sụt, sạt thân đê và phần nền đường, tạo điều kiện đi lại của người dân.

Do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài và việc xả lũ nhà máy thủy điện Hòa Bình đã gây úng cục bộ diện rộng trên địa bàn thành phố. Huyện Ba Vì có 1 người tử vong do bị lũ cuốn ở xã Yên Bài.

Trên địa bàn các xã An Phú, Hợp Thanh, Hợp Tiến của huyện Mỹ Đức có khoảng 250 hộ dân đang bị ngập lụt, nước dâng cao tràn qua trên tuyến đê Mỹ Hà đoạn dài khoảng 600m.

Liên quan đến sự cố đê Bùi 2, ông Lê Hoài Thi, Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Thụ (Chương Mỹ, Hà Nội), do nước trên thượng lưu quá lớn đổ dồn xuống hạ lưu gây xói mòn khu vực đê Bùi 2 trên địa bàn xã, làm vỡ mất một đoạn đê khoảng 15 mét.

Ông Thi cho biết, ngay sau khi xảy ra sự cố, lãnh đạo thành phố đã về chỉ đạo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai của huyện, xã phối hợp với các lực lượng  khắc phục khu vực đê nói trên, ngăn không bị rộng thêm.

“Thống kê sơ bộ, địa phương mất khoảng 25ha lúa chưa kịp thu hoạch, khoảng 40ha hoa màu và gần 50ha nuôi trồng thủy sản. Chúng tôi cũng đã sơ tán hơn 200 hộ từ chỗ thấp lên chỗ cao, có khoảng 900 khẩu, trong đó có hơn 130 cụ già, và 320 trẻ em dưới 15 tuổi”, ông Thi nói.

Trong khi đó, trao đổi với báo chí, Bí thư huyện ủy Chương Mỹ Lê Trọng Khuê cho biết, cốt đê Bùi 2 trong thiết kế là 7m, trong khi đó hiện mực nước dâng lên cao hơn 7m, mức báo động 3, cần phải có phương án cho tràn theo thiết kế kỹ thuật. “Quá trình tràn nước có thể có những điểm sạt, chứ không có chuyện vỡ đê. Việc cho tràn nước này nằm trong phương án tính toán của huyện”, ông Khuê nói.

Theo ông Khuê, trong các phương án phòng chống ngập úng luôn xác định khi tràn đê sẽ diễn ra như thế nào và điều này nằm trong tầm kiểm soát, do đó không có vấn đề gì đáng tiếc xảy ra.

MỚI - NÓNG
Tấm biển đá có lỗi kỹ thuật đã được cơ quan chức năng di dời.
Ngành chức năng thông tin về tấm biển ghi 'Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá'
TPO - Ngày 20/4, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Thanh Hoá cho biết, đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Thanh Hóa kết quả kiểm tra, rà soát lại toàn bộ sự việc liên quan đến tấm biển đá ghi "Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa" ở di tích lịch sử Quốc gia nghè Vẹt, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc.