Cụ thể, khu vực Nam Trung Bộ có gần 23.000 ha đất lúa dừng sản xuất do thiếu nước và có thể tiếp tục tăng lên 57.100 ha; tập trung ở các tỉnh Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận và Khánh Hoà. Thiếu nước và hạn hán ảnh hưởng lớn đến 15.823 ha cây công nghiệp ở Tây Nguyên và 28.000 ha ở Đông Nam Bộ. Diện tích thiệt hại về lúa lên tới 249.944 ha, hoa màu 18.960 ha, cây ăn quả 30.522 ha, cây công nghiệp 149.704 ha, thủy sản là 6.857 ha…
Tổng sản lượng thuỷ sản khai thác và nuôi trồng tháng 5 đạt 614.200 tấn, trong đó sản lượng cá và tôm giảm nhẹ. Nuôi trồng thủy sản ở Đồng bằng sông Cửu Long gặp nhiều khó khăn do nắng nóng. Các ao, đầm bị xâm nhập mặn nặng, môi trường nước biến đổi làm cho thủy sản mắc dịch bệnh. Sản lượng thủy sản nuôi trồng trong tháng ước tính đạt 366,3 nghìn tấn, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước.
Nuôi tôm nước lợ bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn nên chậm lớn, dễ mắc bệnh. Sản lượng tôm sú và tôm thẻ chân trắng ước tính đạt 36,8 nghìn tấn, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó một số địa phương trọng điểm về tôm nước lợ như Cà Mau, Sóc Trăng… đều bị giảm về sản lượng.
Nhiều chuyên gia đánh giá, việc hạn hán, xâm nhập mặn tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên và Đồng bằng Sông Cửu Long năm 2016 nghiêm trọng nhất và chưa từng có trong lịch sử, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế Việt Nam.