Việt Nam tăng 5 bậc trong bảng xếp hạng cạnh tranh toàn cầu
> Đề xuất mức tiền lương tối thiểu 2014 tăng hơn 30%
> Em gái Cường 'đô la' giàu đến đâu?
Xếp hạng môi trường vĩ mô, cơ sở hạ tầng và hiệu quả của thị trường hàng hóa được cải thiện trong khi một số chỉ số bị tụt hạng.
Hôm nay (4/9), Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) vừa công bố báo cáo xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu giai đoạn 2013 – 2014. Đây là bản báo cáo đánh giá năng lực cạnh tranh của 148 nền kinh tế trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.
Tăng 5 bậc trên bảng xếp hạng, Việt Nam hiện xếp thứ 70. Xếp hạng của Việt Nam tăng lên chủ yếu nhờ vào môi trường vĩ mô được cải thiện nhẹ (chỉ tiêu này xếp thứ 87, tăng 19 bậc), lạm phát quay trở lại mức một con số trong năm 2012. Mặc dù vẫn ở mức xếp hạng thấp (xếp thứ 82, tăng 13 bậc), chất lượng hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng về năng lượng đã được cải thiện. Xếp hạng về mức độ hiệu quả của thị trường hàng hóa cũng tăng lên (xếp thứ 47, tăng 17 bậc), do các rào cản thương mại cũng như thuế thu nhập doanh nghiệp giảm xuống.
Dẫu vậy, WEF đánh giá những yếu tố cơ bản của nền kinh tế Việt Nam vẫn còn khá mong manh. Một số chỉ tiêu bị đánh tụt hạng. Xếp hạng hiệu quả thị trường lao động giảm 5 bậc (xuống thứ 56) và xếp hạng mức độ phát triển của thị trường tài chính giảm 5 bậc (xếp thứ 93).
Xếp hạng về khoa học công nghệ là nhân tố đáng lo ngại khi giảm 4 bậc và xếp thứ 102. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng chậm áp dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh (xếp thứ 128).
Bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu được WEF xây dựng kể từ năm 1979. Năm nay, số nước được xếp hạng ở mức cao kỷ lục (148 nước, chiếm 99% GDP thế giới). Trong bảng xếp hạng năm nay, 10 vị trí dẫn đầu lần lượt thuộc về các nước: Thụy Sĩ, Singapore, Phần Lan, Đức, Mỹ, Thụy Điển, Hồng Kông, Hà Lan, Nhật Bản và Anh.
Theo Thu Hương
Trí Thức Trẻ,WEF