Dự hội nghị trực tuyến có đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, lãnh đạo Bộ Y tế cùng đại biểu các Bộ, ban, ngành và các đại biểu quốc tế.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Ngày 1/ 12, ngày Quốc tế phòng chống AIDS, cũng là dấu mốc 30 năm Việt Nam đương đầu với đại dịch HIV/AIDS.
Trải qua 30 năm ứng phó với đại dịch AIDS, với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Chính phủ cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự phối hợp của các Bộ, ngành, địa phương; sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng; sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế và sự chủ động của hệ thống y tế, Việt Nam đã triển khai toàn diện, hiệu quả các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
Dịch HIV/AIDS ở Việt Nam đã và đang từng bước được kiểm soát, tỷ lệ nhiễm trong cộng đồng dân cư dưới 0,26%.
Theo ước tính của các chuyên gia, trong 15 năm qua, chương trình phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam đã giúp cho khoảng 500.000 người không bị lây nhiễm HIV và hơn 200.000 người không bị tử vong do HIV/AIDS.
Việt Nam sẽ chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030?
Việt Nam là 1 trong 4 quốc gia có chất lượng điều trị HIV/AIDS đứng hàng đầu thế giới, cùng với Anh, Đức và Thụy Sỹ. Với kinh nghiệm 30 năm phòng, chống HIV/AIDS cùng với những kết quả đã đạt được, Việt Nam đang tự tin tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030…
Tại Hà Nội, phát hiện ca nhiễm HIV đầu tiên từ năm 1991. Theo đó, giai đoạn 10 năm, từ 1991-2000, tổng số ca nhiễm HIV được phát hiện là 1.682 người, riêng năm 2000 phát hiện 722 ca. Giai đoạn 2001-2010, phát hiện tổng số 16.558 ca mới, tăng cao so với giai đoạn đầu.
Giai đoạn 2011-2020, tổng số ca mới phát hiện nhiễm HIV là 10.412, trong đó có 1.568 trường hợp là các ca ngoại tỉnh điều trị tại Hà Nội… Đến 31/10/2020, Hà Nội đã phát hiện 29.931 ca nhiễm HIV qua các năm, chiếm 9,6% số người nhiễm HIV của cả nước, là địa phương có số người nhiễm HIV lớn thứ 2 sau thành phố Hồ Chí Minh...
Năm 2021, Hà Nội tiếp tục triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, thực hiện mục tiêu 90-90-90 (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của bản thân; 90% người chẩn đoán HIV được điều trị bằng ARV; 90% người nhiễm HIV điều trị bằng ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế), khống chế tỷ lễ người nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 0,3%, giảm tác động của HIV đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô. Tăng cường thu dung bệnh nhân đạt công năng tối thiểu 250 bệnh nhân/cơ sở, phấn đấu cho 6.500 người nghiện điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone trên địa bàn thành phố Hà Nội…
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đề nghị đối với các cấp, các ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương không được chủ quan, lơ là với dịch HIV/AIDS. Theo đồng chí Trương Hòa Bình, đầu tư cho phòng, chống HIV/AIDS không chỉ mang lại hiệu quả lớn về sức khỏe mà còn góp phần ổn định an ninh, trật tự và phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương và cả nước. Các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2030, trước mắt cho trung hạn 2021-2025; tăng cường đầu tư, cân đối ngân sách, bảo đảm tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS...
Cũng tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho Cục phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế); Huân chương Lao động hạng Nhì và hạng Ba cho 7 cá nhân thuộc Cục phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế).