Vị Thánh vì dân

Vị Thánh vì dân
TP - Sau nhiều năm chuẩn bị công phu, hôm qua (26/1) đại lễ đặt đá khởi công xây dựng tượng đài Thánh Gióng đã được Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và UBND thành phố Hà Nội tổ chức trọng thể tại Đền Gióng (thôn Vệ Linh, xã Phù Linh, Sóc Sơn, Hà Nội).
Vị Thánh vì dân ảnh 1
Mẫu tượng đài Thánh Gióng đã được UBNDTP Hà Nội duyệt

Sau đại lễ, các quan khách, tăng ni Phật tử và đông đảo người dân đã đi bộ vượt gần 1.500 bậc đá dốc quanh co dẫn lên đỉnh núi Sóc (hay còn gọi là ngọn Đá Chồng), núi Vệ Linh, cao 297 mét so với mực nước biển, tương truyền là nơi Thánh Gióng sau khi đánh đuổi giặc Ân đã cưỡi ngựa bay lên trời.

Dù thời tiết rất lạnh và lất phất mưa xuân, lối đi ẩm ướt nhưng mọi người đều tự nguyện mang theo vài viên gạch hoặc túi cát nhỏ, góp chút sức mình cùng cả nước xây dựng tượng đài Thánh Gióng - biểu tượng cho tinh thần đoàn kết dân tộc, ý chí quyết tâm và lòng yêu nước vô hạn mà vị Thánh làng Phù Đổng đã khởi nguồn cho truyền thống ngàn đời đó của dân tộc ta.

Trên con đường dẫn lên đỉnh Sóc, những người lính mặc áo xanh hoà cùng dòng người thập phương; những cụ ông, cụ bà lưng đã còng, chống gậy từng bước vượt lên, miệng còn kể cho con cháu nghe câu chuyện truyền thuyết đẹp nhất trong kho tàng văn học dân gian nước Việt; những em nhỏ trên áo còn mang phù hiệu tiểu học chăm chú lắng nghe, bước chân vẫn hăm hở không ngừng;

Vị Thánh vì dân ảnh 2
Tại lễ cắt băng đặt đá xây dựng tượng đài Tháng Gióng

có người còn mượn làn điệu dân ca Quan họ cải biên lời hát về quá trình hành lễ, sở cầu, sở nguyện… Mưa, lanh, dốc cao đường trơn, nhiều người đã tưởng không thể đến được đích.

Nhưng một lòng hướng về ngày trọng đại này nên hàng ngàn người đã đi với đôi chân và quyết tâm khác thường.

Tất cả đều cùng hướng đến đỉnh Sóc, nơi sẽ đặt bức tượng đài Phù Đổng Thiên Vương thăng thiên hoá Thánh. Công trình này nằm trong quần thể văn hoá tâm linh Đền Sóc - Chùa Non Nước - Tượng Phật Bà Quan Thế Âm Bồ Tát và Học viện Phật giáo Việt Nam.

Cụ Nguyễn Thị Bốn (thôn Dục Đoài, xã Phù Linh, Sóc Sơn), năm nay đã bước sang tuổi 76, biết tin ngày đại lễ, đã dậy từ 5 giờ sáng, chuẩn bị khăn gói lên dự lễ. Làm nông nghiệp thuần tuý nên kinh tế còn chưa hết khó khăn nhưng cụ vẫn dành mấy chục ngàn đồng góp công đức cùng nhân dân cả nước xây dựng tượng đài.

Vừa chống gậy vượt từng bậc thang, cụ vừa tâm sự: “Tôi cũng nhiều lần lên Đền nhưng đây là lần đầu tiên lên đỉnh Sóc. Vừa đi tôi vừa cầu Đức Thánh Phù Đổng ban cho sức khoẻ để có thể lên tận nơi, mang được hai viên gạch này…”.

Vị Thánh vì dân ảnh 3

Dù đường bậc dốc nhưng các cụ già vẫn mang theo vài viên gạch góp công xây dựng tượng đài Thánh Gióng              Ảnh: Đức Kế

Cụ ông Bạch Quang Khanh cũng đã thuộc lớp người “cổ lai hy”, khi gà mới gáy canh ba đã được cậu con trai đèo xe máy từ Thanh Trì (Hà Nội), vượt qua quãng đường gần 50 km, tới nơi vừa kịp lúc đại lễ bắt đầu. Nhìn bước chân cụ phăng phăng vượt dốc, khó ai có thể tin được cụ đã gần 80 tuổi.

Khi tôi bắt chuyện, cụ trả lời ngắn gọn và chỉ vào túi áo, trong đó có nắm hạt dưa. Thấy tôi tò mò, cụ bảo: “Cũng là lần đầu tiên lên đỉnh Sóc, lại đúng dịp đại lễ nên tôi quyết lên tận đỉnh.

Để bớt mệt nhọc và có thêm câu chuyện về vị Thánh để kể cho con cháu nghe nên cứ mỗi 50 bậc đá tôi sẽ đánh dấu bằng 1 hạt dưa; lúc đầu định cứ mỗi 100 bậc nhưng sợ lẫn nên thôi”. Cũng theo cụ Khanh, con cháu của cụ đang làm việc tại nhiều cơ quan Nhà nước nhưng cũng chưa có dịp lên thắp hương Đền Gióng. Vì thế, cụ phải quan sát thật kỹ để kể lại cho con cháu biết, nhất là huyền thoại về lòng yêu nước quật cường của Thánh Gióng.

Vài nét về tượng đài Thánh Gióng

Theo Đại đức Thích Thanh Quyết, có 28 mẫu tượng đài Thánh Gióng được gửi đến Ban tổ chức và bức tượng do nghệ sĩ điêu khắc Nguyễn Kim Xuân (Hội Văn học - nghệ thuật Hà Nội) đã được UBND thành phố Hà Nội lựa chọn.

Bức tượng cao khoảng 9,9 mét, chiều rộng 13,5 mét, chất liệu bằng đồng nguyên chất, trọng lượng ước tính 70-100 tấn, kinh phí khoảng 30 tỷ đồng. Với hình ảnh tuyệt đẹp trên nền cách điệu ánh hào quang của mây trời, phản ánh truyền thuyết Thánh Gióng sau khi dẹp giặc Ân xong đã cởi áo giáp sắt, cầm cây tre đằng ngà, cưỡi ngựa bay lên trời, tượng đài toát lên sự mạnh mẽ, oai phong  nhưng cũng đầy bao dung, hiền từ của một vị Thánh vì dân. 

Khi gặp Thùy Trang, học sinh lớp 4D, Trường tiểu học Phù Linh, Sóc Sơn, xách tới 4 viên gạch, nhà thơ Dương Kỳ Anh, Tổng biên tập Báo Tiền phong cũng xách những viên gạch ngược dốc, đã động viên cháu và hỏi về truyện truyền thuyết Thánh Gióng.

Thùy Trang nói: “Cháu chưa được học nhưng cháu cũng đã đọc truyền thuyết về Thánh Gióng nhiều lần. Bà cháu cũng thường kể cho cháu nghe về Thánh Gióng. Bà cháu bảo: Đó là vị Thánh đã giúp cả dân tộc ta giành lại bờ cõi nên được phong là Thiên Vương - Vua Trời, chứ không phải là Vua Đời…”.

Nhà thơ Dương Kỳ Anh nói thêm: Thánh Gióng là biểu hiện của tinh thần quật cường chống ngoại xâm của dân tộc, là biểu tượng của ý chí tự cường, tự cường để hùng mạnh, tự cường để vươn lên.

Từ trên đỉnh Sóc, phóng tầm mắt ra xa, thấy xung quanh như một bức tranh thủy mặc. Phía bên kia là Chùa Non Nước, cách đó không xa là Tượng Phật Bà Quan Thế Âm Bồ Tát, rồi Học viện Phật giáo Việt Nam. Bao xung quanh là 9 cái hồ rộng lớn, nước trong văn vắt, tương truyền là 9 dấu chân ngựa của Thánh Gióng trước khi thăng thiên. Rồi kia nữa là Độc Tôn, tương truyền là nơi Nguyễn Danh Phương lập doanh trại chống lại chế độ Lê - Trịnh hà khắc…

Đúng 10 giờ 15 phút, Đại đức Thích Thanh Quyết, Ủy viên Ban thường trực Hội đồng trị sự T.Ư Giáo hội Phật giáo VN, kiêm Trưởng BQL dự án xây dựng tượng đài Thánh Gióng cùng bà Ngô Thị Thanh Hằng Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, đã cắt băng lễ đặt đá xây dựng tượng đài Thánh Gióng.

Chín bức cẩm thạch ghép thành khối lớn nằm tượng trưng ở chính vị trí sẽ đặt bức tượng đài vào tháng 10 năm 2010, đúng dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, mang dòng chữ lớn ĐỔNG THIÊN VƯƠNG HÓA THÁNH.  

MỚI - NÓNG