Vì sao vi phạm đất rừng Sóc Sơn kéo dài?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Rừng ở huyện Sóc Sơn những năm qua liên tục bị “xẻ thịt” khi hàng loạt các công trình biệt thự, villa, homestay trái phép được xây dựng như “nấm mọc sau mưa”. Đặc biệt, khu vực xã Minh Trí, xã Minh Phú các công trình tiếp tục mọc lên dù lãnh đạo huyện nói đã kiên quyết xử lý.

Tràn lan vi phạm lấp hồ, bạt núi

Ông Nguyễn Duy Du, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống thiên tai TP Hà Nội (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội) vừa có báo cáo kết quả xử phạt vi phạm hành chính trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn TP Hà Nội tháng 6/2023. Theo đó, riêng trong tháng 6/2023 đã có tổng cộng 19 vụ; từ đầu năm 2023 có đến 150 vụ vi phạm hành chính trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.

Đáng chú ý, trong 19 vụ việc vi phạm lòng hồ trong tháng 6, Chi cục đã phát hiện 3 vụ vi phạm tại hồ Đồng Đò (xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn). Trong đó có trường hợp ông Vũ Mạnh Cường xây bể, đào đất lấn chiếm lòng hồ; ông Đinh Phú Cường xếp đá lấn hồ; một trường hợp chưa xác định chủ thể vi phạm làm kè móng bằng tấm bê tông, xây tường, đổ nền bê tông lấn chiếm lòng hồ.

Theo đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội, trong các vi phạm này có những trường hợp vi phạm quy mô lớn, ảnh hưởng đến vận hành an toàn hồ đập, tạo dư luận không tốt trong xã hội, cần tập trung xử phạt. Sở NN&PTNT đã đề nghị Chủ tịch UBND huyện trực tiếp chỉ đạo xử phạt để giảm số vụ vi phạm mới, đồng thời chịu trách nhiệm trước UBND TP. “Tới đây, Sở NN&PTNT yêu cầu các công ty thủy lợi, Chi cục Thủy lợi và Phòng chống thiên tai kiểm tra, báo cáo 10 ngày 1 lần thay vì 1 tháng như trước đây để kịp thời phát hiện các vi phạm”, đại diện Sở nói.

Vì sao vi phạm đất rừng Sóc Sơn kéo dài? ảnh 1

Vi phạm tràn lan quanh hồ Đồng Đò, xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn (Hà Nội)

Không chỉ ở lòng hồ, các vi phạm liên quan đến đất rừng phức tạp hơn rất nhiều. Ông Lê Minh Tuyên, Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm (Sở NN&PTNT Hà Nội) thông tin: Từ đầu năm 2023 đến nay tại địa bàn huyện Sóc Sơn xảy ra 59 vụ xâm phạm đất rừng, trong đó có 36 vụ xây dựng trái phép; 21 vụ san gạt và 2 vụ khai thác đất lâm nghiệp trái phép. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2023 đến nay, Sở NN&PTNT đã có 6 văn bản đề nghị UBND huyện Sóc Sơn chỉ đạo các cơ quan chức năng của huyện, UBND các xã xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm.

Ông Tuyên cho biết, theo Quyết định 2100 ban hành năm 2008 của UBND TP Hà Nội, toàn bộ đất rừng ở Sóc Sơn là 4.445 ha. Trong đó huyện Sóc Sơn quản lý khoảng 2.300 ha, diện tích còn lại do Ban Quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng quản lý. Sau này, UBND TP Hà Nội có quyết định giao toàn bộ diện tích rừng và đất lâm nghiệp cho Ban Quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Giai đoạn năm 2020-2021, huyện Sóc Sơn mới bàn giao đợt một được khoảng 1.150 ha, còn khoảng 1.200 ha chưa bàn giao.

Về nguyên nhân 1.200 ha đất rừng chưa bàn giao, ông Tuyên lý giải do UBND TP Hà Nội đã có chỉ đạo huyện Sóc Sơn phải xử lý tất cả các tồn tại về đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, về trật tự xây dựng… xong mới bàn giao.

Riêng khu vực hồ Đồng Đò (xã Minh Trí) và hồ Ban Tiện (xã Minh Phú) là những nơi đang diễn ra hoạt động xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp khá nghiêm trọng. Phần lớn diện tích đất này đang thuộc quyền quản lý của huyện, chưa bàn giao về cho Ban Quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.

“Địa phương cần đẩy nhanh việc rà soát, cắm mốc ranh giới và xử lý dứt điểm các trường hợp xây dựng trái phép theo đúng quy định. Không giải quyết được việc này thì việc xâm phạm rừng Sóc Sơn sẽ còn kéo dài”, ông Tuyên khẳng định.

Chậm điều chỉnh quy hoạch rừng

Về tình hình xử lý vi phạm đất đai trên địa bàn, Huyện ủy Sóc Sơn xác định xử lý vi phạm đất đai là nhiệm vụ trọng tâm, đã ban hành Nghị quyết 15 về công tác xử lý vi phạm quản lý đất đai đến năm 2025. UBND huyện đã ban hành 6 kế hoạch và trên 90 văn bản chỉ đạo nhằm xử lý dứt điểm các vi phạm đất đai trên địa bàn.

797 công trình vi phạm

Tháng 3/2019, Thanh tra TP Hà Nội ban hành 2 kết luận về đất rừng Sóc Sơn; chỉ riêng 2 xã Minh Phú, Minh Trí và khu vực ven 7 hồ lớn trong quy hoạch rừng có 797 công trình vi phạm. Sau khi có kết luận, UBND huyện Sóc Sơn có báo cáo kiểm điểm về chính quyền và về đảng đối với cán bộ có liên quan vụ “xẻ thịt” đất rừng Sóc Sơn. Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã quyết định kỷ luật khiển trách đối với ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch huyện Sóc Sơn. Nguyên Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, ông Vương Văn Bút và nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, ông Tạ Văn Đạo cùng bị kỷ luật Cảnh cáo.

Song song với việc xử lý vi phạm đất đai sau kết luận của Thanh tra thành phố Hà Nội, UBND huyện Sóc Sơn đã liên tục kiểm tra, xử lý vi phạm mới phát sinh. Riêng tại địa bàn 2 xã Minh Trí, Minh Phú, từ đầu năm 2023 đã xảy ra 60 trường hợp vi phạm xây dựng công trình trên đất. Đến thời điểm này đã xử lý 45/60 trường hợp. Đối với các vụ việc có dấu hiệu tội phạm, UBND huyện Sóc Sơn chuyển cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện để xử lý theo quy định.

Đại diện UBND huyện Sóc Sơn lý giải nguyên nhân công trình vi phạm mọc “như nấm sau mưa” do Quy hoạch rừng năm 2008 còn bất cập. Riêng thôn Minh Tân (xã Minh Trí) có 200 hộ được di dân theo chủ trương của UBND TP, UBND huyện xây dựng kinh tế mới không được tách khỏi quy hoạch rừng điều chỉnh năm 2008. Khi các hộ dân xây dựng nhà ở trên đất thì bị xác định là vi phạm đất đai, xây dựng.

Bên cạnh đó, hồ sơ quản lý đất đai của huyện không đầy đủ, chưa được lập hệ thống hồ sơ địa chính chính quy theo quy định. Hiện chỉ có duy nhất bản đồ địa chính đo đạc năm 1993, không có sổ mục kê khi đo đạc bản đồ, chưa được đo đạc bản đồ địa chính đất rừng dẫn đến khó khăn, bất cập trong công tác quản lý, xử lý vi phạm trong quy hoạch rừng.

Đại diện UBND huyện Sóc Sơn khẳng định: Huyện sẽ kiên quyết chỉ đạo UBND 2 xã xử lý dứt điểm vi phạm mới phát sinh; tiếp tục rà soát, phân loại các trường hợp vi phạm đất đai, xây dựng từ năm 2021 trở về trước, hoàn thiện hồ sơ để xử lý theo quy định; xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra vi phạm đất đai.

Ngoài ra, huyện sẽ hoàn thành công tác rà soát, đánh giá hiện trạng rừng trong tháng 9/2023. Đề xuất UBND TP Hà Nội điều chỉnh quy hoạch rừng trước 31/12/2023.

Cưỡng chế 5 công trình vi phạm trước 21/8/2023

Lãnh đạo UBND xã Minh Phú đã xác định 5 công trình vi phạm đất đai, trật tự xây dựng phát sinh mới trong năm 2023. Trong đó có 1 trường hợp chưa xác định chủ thể. UBND xã Minh Phú đã có văn bản đề nghị UBND huyện Sóc Sơn phê duyệt kế hoạch cưỡng chế vi phạm trong lĩnh vực đất đai; kèm theo kế hoạch cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra trong lĩnh vực đất đai đối với 5 trường hợp nêu trên. Dự kiến, xã Minh Phú sẽ tổ chức ra quân cưỡng chế các vi phạm xây dựng phát sinh mới xong trước ngày 21/8/2023.

MỚI - NÓNG