Vì sao ông Putin ủng hộ 'Faust'?

Cảnh trong phim Faust. Ảnh: Kinopoisk
Cảnh trong phim Faust. Ảnh: Kinopoisk
TP - Bộ phim vừa đoạt giải Sư tử vàng ở LHP Venice dù được xem là thông điệp về nạn tham nhũng của giới cầm quyền, nhưng lại nhận sự ủng hộ của Thủ tướng Nga.

> Nga rinh 'Sư tử vàng' ở Venice

Cảnh trong phim Faust. Ảnh: Kinopoisk
Cảnh trong phim Faust. Ảnh: Kinopoisk.
 

Alexandre Sokourov là người tiếp bước nhà điện ảnh Nga khó tính có tiếng Andrei Tarkovski. Đa số phim của Sokourov nổi tiếng ở các nước châu Âu khác hơn ở Nga, bởi có thời kỳ chính quyền Nga nói không với cha đẻ phim Faust. Thế mà chính Thủ tướng Nga Vladimir Putin ủng hộ ông khi làm phim này, dù ban đầu Bộ trưởng Văn hóa Nga từ chối cung cấp tài chính.

“Tôi không biết liệu điều gì khiến Thủ tướng quan tâm. Tôi không hiểu tại sao người ta trao cho tôi sự trợ giúp ấy, bởi tôi không phải là người ủng hộ chính sách văn hóa của nước Nga”, Alexander Sokourov nói.

Sự hậu thuẫn bất ngờ này đến nay vẫn là điều bí ẩn với Sokourov, nhưng ông tin có lẽ chính lựa chọn làm phim về Faust thuyết phục ông Putin. Ngay sau khi nhận Sư tử vàng, đạo diễn Faust cho biết sắp tới ông muốn gặp Thủ tướng Nga, hi vọng ngăn chặn tư nhân hóa hãng Lenfilm-nơi sản sinh ra phim điện ảnh chất lượng.

Sokourov khẳng định rằng ông bị ám ảnh bởi các nhà độc tài: “Thật khó tin khi người ta ít quan tâm tới Faust. Bất cứ nhà chính trị nào đọc Faust, sẽ thấy cứ như thể tác phẩm viết ở thế kỉ 21 chứ không phải cách đó hai thế kỉ”. Faust của Sokourov lấy cảm hứng từ tác phẩm kinh điển của Goethe, dựng bối cảnh nước Đức thế kỷ 19, nhưng lại quay ở Tây Ban Nha và Irland.

Phim tái hiện câu chuyện vị giáo sư Faust luôn khao khát tìm kiếm kiến thức, chinh phục ái tình, bán linh hồn cho quỷ dữ. Đan cài nhiều suy ngẫm, Faust được cho là phim suy niệm về nạn tham nhũng của giới có chức quyền. Nhiều nghiên cứu, học thuyết lịch sử cũng xuất hiện trong đó.

“Tất cả có trong con người, quỷ dữ không tồn tại, và con người phải hiểu rằng không có giới hạn nào giữa hai yếu tố đó”, đạo diễn phát biểu trên truyền hình Nga. Dư luận cho rằng bộ phim mang thông điệp gửi đến nước Nga, về nạn tham nhũng, bạo lực và khái niệm về thiện-ác thay đổi quá nhiều kể từ sau những năm 1990.

Nhà phê bình Nga Valery Kitchine đánh giá: “Chiến thắng vĩ đại của Faust là xứng đáng. Bộ 4 phim về các nhân vật do Sokourov thực hiện là bức tranh toàn cảnh dành cho giới cầm quyền”.

Giải thưởng quan trọng với điện ảnh Nga và bản thân dạo diễn, bởi dù có tên trong danh sách 100 đạo diễn nổi tiếng nhất thế giới, Alexandre Sokourov chưa từng nhận giải thưởng ở LHP Berlin hay Cannes. 

Chiến thắng của Faust nhiều bất ngờ, vì trước đó Shame, Carnage Alps tưởng như chạm tới Sư tử vàng, vì nhận được sự chào đón nồng nhiệt của giới phê bình và dư luận. Còn Faust công chiếu sát ngày trao giải, có vẻ chìm hơn ở thời điểm đó, được đánh giá khó xem mặc dù cô đọng và tiêu biểu cho dòng phim tác gia. Bản thân đạo diễn luôn tỏ thái độ khó ưa, ông nói chẳng có gì phải sốt ruột mang phim tới Venice.

Ông không hề thích những lời phê bình phim, trừ nữ phê bình điện ảnh quá cố Susan Sontag. “Không ai có thể khó tính hơn bản thân tôi khi phê bình phim do tôi đạo diễn. Tôi biết rõ hơn bất cứ ai điều mà tôi muốn làm, điều gì không nên. Một khi tôi bắt đầu nói đến những thiếu sót của Faust, khó mà ngăn tôi được”, Alexandre nói.

Sinh ra ở ngôi làng thuộc vùng Irkoutsk, Sokourov có cha phục vụ Hồng quân. Sau thời gian học lịch sử ở trường Gorki (nay là Nijni Novgorod), ông được nhận vào Học viện điện ảnh Matxcova, tốt nghiệp năm 1979. Phim tốt nghiệp bị cấm, tiêu hủy vì mang hơi hướng chống Xô Viết.

Nhưng năm 1980, Alexandre bất ngờ được tuyển vào hãng phim lớn Lenfilm ở Saint-Petersbourg, nhờ thư bảo đảm của đạo diễn Andrei Tarkovski. “Sokourov làm những điều kỳ lạ, cả những thứ không giải thích nổi. Nhưng đây là một thiên tài”, Tarkovski nhận xét.

Lê Nhi
Theo Cyberpress, Allocine

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG