Đoạn vỉa hè vườn hoa Gia Lâm trên phố Ngọc Lâm (Long Biên, Hà Nội) dài chưa đầy 1 km nhưng có tới gần 20 hàng bán ngô luộc và nướng. Khoảng chục quán trong số đó bán ngô luộc quanh năm. Thời gian bán từ 17h chiều tới nửa đêm. Cá biệt có những hàng bán đến 1 - 2h sáng hôm sau.
Giá ngô bán lẻ tại đây khá cao, 10.000 đồng/bắp nhưng luôn hút khách vì bắp ngô to đều, vị ngon ngọt thơm đặc trưng. Hầu hết các chủ hàng đều khẳng định ngô mình bán là ngô bãi giữa sông Hồng nên chất lượng vượt trội so với ngô nhập từ các khu vực khác trong và ngoài thành phố.
Bà Tư bán ngô trên đoạn vỉa hè này đã gần chục năm nay. Hàng của bà luôn là hàng đông khách nhất dù vào nhiều thời điểm trong năm, giá ngô luộc nhà bà luôn đắt hơn các quán khác khoảng 2.000 đồng/bắp. "Các hàng khác chỉ có 1 nồi ngô bé tí, thêm 1 vỉ than hoa nhỏ nướng ngô, mỗi tối bán nhiều nhất cũng không quá vài chục bắp. Trong khi đó, hàng nhà tôi ngô phải chở cả xe cải tiến, lúc nào cũng 2 - 3 nồi cỡ đại, hàng bán ngày nào hết ngày ấy nên không có hàng tồn", bà Tư chia sẻ.
Nói về bí quyết luộc ngô ngon, bà cho biết, chỉ cần cố gắng chọn được hàng ngô bãi giữa loại một, tính toán số lượng nhập và bán càng khớp càng tốt để không có hàng tồn sang ngày. Bởi ngô luộc ăn ngon nhất là thứ ngô vừa bẻ từ cây xuống, để qua ngày là ngô mất nhựa, mất cả vị dẻo, thơm lẫn vị ngọt tự nhiên. Theo bà Tư, cách đây vài năm, ngô bãi giữa khá rẻ, nhập dễ nhưng từ ngày trở thành đặc sản Hà Nội, giá ngô bỗng tăng vọt, ngay chính vụ cũng không dễ mua được hàng chất lượng.
"Những quán lâu năm như nhà tôi nguồn hàng ổn định vì đã trở thành mối quen chứ các quán mới hầu như không có cửa để mua hàng loại một, bắp to đều mà thường phải chấp nhận loại bắp nhỏ hơn, thậm chí là bắp mót (bắp cuối vụ hoặc vét ruộng)", bà cho biết. Giá ngô bà Tư nhập buôn là 4.000 - 5.000 đồng/bắp, bán ra 10.000 đồng/bắp, trừ chi phí than, củi, mỗi bắp bà cũng lãi khoảng 4.000 đồng. Mỗi ngày bán khoảng 200 bắp ngô, tiền lãi đủ giúp bà nuôi gia đình, con cái ăn học.
Ngoài khu Ngọc Lâm (Long Biên), khách sành ăn Hà thành cũng dễ dàng tìm được những địa điểm thưởng thức đặc sản ngô bãi giữa sông Hồng khi đi dạo trên cầu Long Biên mỗi tối. Dù nhiệt độ ngoài trời Hà Nội vào Đông trên cây cầu bắc qua sông Hồng xuống dưới 20 độ, gió thốc lạnh buốt nhưng những bếp ngô nướng thơm ngon với than hồng ấm áp vẫn thu hút rất đông thực khách từ 19h tới 1 - 2h sáng.
Một góc cánh đồng ngô bãi giữa sông Hồng (Long Biên, Hà Nội). Ảnh: Diệp Sa.
Điều đặc biệt là phần lớn các quán ngô nướng trên cầu Long Biên đều do các chủ ruộng ngô bãi giữa tự mang hàng của nhà đem bán. "Giá ngô xuất buôn chỉ được 4.000 - 5.000 đồng/bắp, gặp khách gặp thời mới được 6.000 đồng. Sản lượng tốt nhưng ruộng nhà tôi cũng không quá rộng nên thay vì xuất buôn, nhà tôi chia nhau ra bán lẻ cho có lãi", một chủ quán tâm sự. Trừ vốn, số tiền lãi chị thu về mỗi tối khoảng 500.000 đồng. Đây là khoản thu nhập không nhỏ cải thiện kinh tế gia đình.
Chị Kim Anh (Hàng Khoai, Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, quán ngô nướng trên cầu này từng là điểm hẹn quen của vợ chồng chị từ ngày yêu nhau. Tới giờ, khi đã có 2 con, thỉnh thoảng anh chị vẫn tới ăn ngô nướng, nói chuyện phiếm. "Ngô bãi giữa chắc chỉ kém ngô Hội An (Quảng Nam) ở vị ngọt thôi chứ so với các vùng quanh Hà Nội, ngô trồng trên đất phù sa này vẫn là số một", chị Kim Anh chia sẻ.
Nhờ chất lượng tốt, lại được trồng trên đất thủ đô nên ngô bãi giữa từ thứ quà vặt dân dã qua nhiều năm đã trở thành một trong những món ngon của Hà thành. Giá ngô vì thế cũng cao hơn ngô tại các vùng ven đô. Tuy nhiên, theo ý kiến của chị Bùi Thị Hạnh (Phú Đô, Nam Từ Liêm, Hà Nội), một người bán ngô lâu năm trước cổng SVĐ Mỹ Đình, sản lượng ngô bãi giữa không đủ để "bao" hết thị trường Hà Nội.
"Tôi nghĩ đó cũng chỉ là thương hiệu để nhiều người làm giá chứ xét về chất lượng cũng không hơn ngô nhập từ Bắc Ninh hay Đông Anh. Nhà tôi bán cả ngô bãi giữa, cả ngô Đông Anh, mùi vị, độ ngon không khác nhau là mấy. Nếu chủ buôn hét giá ngô bãi giữa cao quá là tôi chuyển mối nhập luôn để đảm bảo giá bán ra hợp lý cho khách hàng", chị Hạnh cho biết.