Vì sao nghỉ hưu non bị trừ tỷ lệ lương hưu 2% cho mỗi năm nghỉ sớm?

0:00 / 0:00
0:00
Hiện, bình quân mỗi năm đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH) của người lao động tương đương bằng hơn 2% mức lương tháng tính đóng, nên mỗi năm nghỉ hưu sớm trước tuổi so với tuổi nghỉ hưu chung người lao động bị trừ 2% mức hưởng. Do đó, BHXH Việt Nam cho rằng, không nên điều chỉnh tỷ lệ trừ lương hưu với người nghỉ hưu trước tuổi (nghỉ hưu non).

Dự thảo Luật BHXH sửa đổi tiếp tục duy trì quy định một số trường hợp người lao động được nghỉ trước tuổi từ 5-10 năm so với tuổi nghỉ hưu chung, kèm điều kiện bị trừ tỷ lệ nhận lương hưu cho mỗi năm nghỉ trước bị trừ 2% tỷ lệ nhận lương hưu. Do đó, một số ý kiến đề xuất điều chỉnh tỷ lệ giảm trừ lương hưu về mức 1% cho mỗi năm nghỉ hưu non.

Vì sao nghỉ hưu non bị trừ tỷ lệ lương hưu 2% cho mỗi năm nghỉ sớm? ảnh 1

Do tỷ lệ tích luỹ mỗi năm đóng BHXH chỉ bằng hơn 2% tiền lương tháng tính đóng, nên khi nghỉ hưu trước tuổi người lao động bị trừ mức tương ứng.

Cho ý kiến đề xuất giảm tỷ lệ trừ lương hưu kể trên, BHXH Việt Nam cho rằng, cần phải hết sức cân nhắc. Với lý do, Luật BHXH hiện hành và dự thảo luật sửa đổi vẫn quy định tỷ lệ nhận lương hưu tối đa (khi nghỉ đúng tuổi) bằng 75% mức lương bình quân tháng tính đóng. Điều kiện nhận tỷ lệ lương hưu tối đa trên với nam có 35 năm đóng BHXH, nữ đóng 30 năm. Với thời gian đóng và tỷ lệ tiền lương tính đóng BHXH, tỷ lệ tích luỹ BHXH bình quân của người lao động cho mỗi năm đóng của nam là 2,15%/năm đóng, nữ là 2,5%/năm.

Khi người lao động nghỉ hưu trước tuổi, thời gian đóng vào Quỹ BHXH ít đi, trong khi thời gian hưởng lương hưu tăng lên (do nhận lương hưu sớm). Do đó, tỷ lệ trừ lương hưu 2% cho mỗi năm nghỉ trước tuổi vẫn thấp hơn tỷ lệ tích lũy nếu đóng thêm 1 năm, người hưởng lương hưu sớm vẫn được lợi.

Cùng đó, việc giảm trừ tỷ lệ lương hưu 2%/năm nghỉ sớm cũng là một trong những quy định để khuyến khích người lao động tiếp tục làm việc, tạo thu nhập và tham gia BHXH, để mỗi năm đóng BHXH tiếp được tăng tỷ lệ tích lũy cao hơn, cho lương hưu cao hơn.

Cũng có ý kiến đề xuất, người đóng BHXH trên 30 năm với nữ và trên 35 năm với nam (vượt số năm để được hưởng mức lương hưu tối đa bằng 75% tiền lương tháng tính đóng BHXH), được nghỉ hưu sớm và không bị trừ tỷ lệ lương hưu tương ứng với số năm đóng vượt khung tối đa.

Với đề xuất này, BHXH Việt Nam cho rằng, việc thiết kế các chế độ BHXH, trong đó có lương hưu, đã được đánh giá thận trọng, có tác động trực tiếp đến cân đối quỹ hưu trí - tử tuất trong trung và dài hạn; có định hướng chia sẻ giữa người đóng cao với thấp, đóng dài với ngắn...

Các doanh nghiệp cũng đề xuất tính toán lại mức hưởng cho người đóng BHXH vượt trần khi nghỉ hưu (chi một lần cho số năm vượt), BHXH Việt Nam đồng thuận đề xuất này, và cho rằng nên tính mỗi năm đóng vượt được trả bằng 1 tháng lương tính đóng. Điều này sẽ bổ sung quyền lợi, khuyến khích người lao động tham gia BHXH thời gian dài.

Trước đó, 13 hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng đã tổng hợp từ đề xuất của các doanh nghiệp hội viên kiến nghị một số nội dung liên quan Dự thảo Luật BHXH sửa đổi, như dệt may, thủy sản, da giày, gỗ, chè, nhựa, sữa…

Về tuổi nghỉ hưu, Dự thảo Luật BHXH sửa đổi cũng điều chỉnh tăng theo lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu của Bộ luật Lao động (nữ lên 60 tuổi, nam lên 62 tuổi); nếu nghỉ hưu sớm (trước 5 hoặc 10 năm), mỗi năm nghỉ sớm trừ 2% tỷ lệ lương hưu. Góp ý nội dung này, các hiệp hội doanh nghiệp và ngành hàng cho rằng, công nhân 50-55 tuổi trở lên khó đáp ứng yêu cầu công việc, dễ mất việc nhưng khó xin việc mới, nên khó có khả năng làm việc tới tuổi nghỉ hưu như trên.

Trong số lao động lớn tuổi, nhiều người đóng BHXH từ 20-30 năm, khi mất việc chưa chưa đủ tuổi nghỉ hưu, nên gặp khó khăn về tài chính, làm gia tăng nhận BHXH một lần. Nếu người lao động nghỉ hưu sớm, mỗi năm bị trừ 2% tỷ lệ lương hưu là quá cao. Các hiệp hội kiến nghị giảm tỷ lệ trừ lương hưu khi nghỉ sớm từ 2% mỗi năm xuống 1%. Trường hợp người lao động đóng BHXH trên 30 năm với nữ và trên 32 năm với nam (được hưởng lương hưu mức tối đa 75% lương đóng), sẽ được nghỉ trước tuổi và không bị trừ tỷ lệ hưởng lương hưu khi số năm đóng vượt và số năm nghỉ sớm bằng nhau.

MỚI - NÓNG