Vì sao Mỹ khó tấn công quân sự Triều Tiên?

Vì sao Mỹ khó tấn công quân sự Triều Tiên?
TPO - Sau khi Triều Tiên tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch (bom H), Tổng thống Trump và đội ngũ cố vấn của ông đã có phản ứng mạnh và kêu gọi sẽ đáp trả bằng hành động quân sự hùng hậu. Tuy nhiên, xét trong bối cảnh hiện tại Mỹ sẽ không thể sử dụng vũ lực với Triều Tiên, nếu có chăng cũng chỉ là các động thái răn đe quân sự quy mô lớn.

Không thể đánh đổi Seoul lấy chương trình hạt nhân của Triều Tiên

Bất chấp các lời đe dọa mới của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, Washington vẫn không có bất cứ lựa chọn quân sự thực tế và thực tiễn nào đối với Triều Tiên. Theo các nhà phân tích, bất cứ hành động quân sự nào của Mỹ sẽ khiến hàng triệu dân thường ở thủ đô Seoul (Hàn Quốc) gặp nguy hiểm, bởi vậy điều này không thể xảy ra.

Khi Mỹ mở một cuộc tấn công, nhiều khả năng Triều Tiên sẽ chọn giải pháp đáp trả đơn giản đó là tấn công vào các công dân Mỹ ở Hàn Quốc, kể cả bắt cóc và dẫn độ về Triều Tiên. Quyết liệt hơn, Triều Tiên có thể sử dụng hỏa lực pháo binh tập trung dọc khu vực biên giới để bắn phá Seoul.

Thương vong và thiệt hại trong trường hợp này không thể đong đếm được. Đánh đổi Seoul lấy chương trình hạt nhân của Triều Tiên sẽ không phải là một lựa chọn hợp lý, trừ khi có giải pháp đảm bảo an toàn. 

Mark Fitzpatrick, Giám đốc điều hành Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế Mỹ, đánh giá: "Không có giải pháp quân sự nào khả thi vì nếu tấn công Triều Tiên, một cuộc chiến toàn diện sẽ bùng nổ".

Hiện, Triều Tiên đã huy động các đơn vị pháo binh mạnh tới biên giới với Hàn Quốc, lực lượng này có khả năng phá hủy Seoul, thành phố với 10 triệu dân và chỉ cách Triều Tiên khoảng 55km. Nếu Mỹ tấn công Triều Tiên, xung đột lớn giữa hai miền nam bắc Triều Tiên sẽ nhanh chóng leo thang thành một cuộc xung đột khu vực.

"Vụ thử nghiệm hạt nhân mới nhất của Triều Tiên không làm thay đổi bản chất thách thức mà chúng ta phải đối mặt. Một vụ thử như vậy không cần đáp trả về quân sự và điều đó là thích hợp vì chúng ta không có giải pháp nào có thể thực hiện được", Jon Wolfsthal, chuyên gia của Viện hòa bình quốc tế Carnegie Endowment.

Các chuyên gia cũng cho rằng Triều Tiên có thể giết hàng chục nghìn dân thường của Seoul bằng cách dùng một loạt pháo kích thông thường, nhằm đáp trả một cuộc tấn công của Mỹ nhằm vào Triều Tiên. Vụ thử hạt nhân hôm 3/9 của Bình Nhưỡng không thay đổi thực tế đó.

Ngoài ra, các nhà phân tích đánh giá, hiện tại Mỹ không có bất cứ khả năng nào để tiến hành chiến dịch quân sự có thể đem lại thành công trên bán đảo Triều Tiên. Điều này sẽ cần nhiều tuần, nếu không muốn nói là nhiều tháng, để có được các binh lính và thiết bị bổ sung cần thiết trên khu vực này. 

Ngay cả các quan chức cấp cao quân sự Mỹ cũng hoàn toàn nhận thức được những phí tổn tiềm tàng của chiến tranh.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã nhiều lần nhấn mạnh rằng việc tìm cách giải quyết vấn đề Triều Tiên bằng vũ lực sẽ là “bi kịch ở quy mô không thể tin được”. Trên cơ sở bình quân đầu người, Chiến tranh Triều Tiên là một trong những cuộc chiến tranh chết chóc nhất trong lịch sử. Ngay cả cái gọi là những cuộc tấn công chính xác hoặc có giới hạn vào Triều Tiên cũng gây ra rủi ro lớn hơn và có thể leo thang thành chiến tranh khốc liệt: Sẽ có tới 300.000 thiệt mạng trong những ngày đầu của chiến sự lớn trên bán đảo. 

Tướng Lục quân Mỹ đã nghỉ hưu Mark Hertling, người cũng là nhà phân tích quân sự của hãng tin CNN, nhận xét: "Chúng ta luôn có các lựa chọn quân sự, nhưng chúng rất xấu xí”. 

Rào cản từ Trung Quốc và Nga

Mặc dù Mỹ đã cảnh báo sẽ đáp trả bằng hành động quân sự mạnh mẽ nếu chính bản thân nước Mỹ hoặc các đồng minh bị đe dọa. Tuy nhiên, động thái này của Mỹ đã vấp phải rào cản lớn từ các nước lớn trong khu vực và thế giới.

Ngày 4/9, tức một ngày sau khi Triều Tiên thử bom H, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã tiến hành phiên họp khẩn bàn về cách phản ứng trước vụ thử hạt nhân thứ 6 và cũng là mạnh nhất từ trước đến nay của Triều Tiên. Tuy nhiên, các quốc gia thành viên HĐBA LHQ một lần nữa lại bộc lộ những chia rẽ trong cách giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.

Trong khi Mỹ và các quốc gia đồng minh cảnh báo khả năng sẽ tấn công Triều Tiên, Trung Quốc, Nga và một số thành viên HĐBA LHQ phản đối quyết liệt phương án quân sự.

Phát biểu trước HĐBA LHQ, Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley tuyên bố "đã quá đủ rồi" và giờ là lúc HĐBA LHQ cần áp đặt "những biện pháp cứng rắn nhất có thể" đối với Triều Tiên và theo bà "chỉ có những biện pháp trừng phạt mạnh nhất mới có thể giúp chúng ta giải quyết vấn đề này thông qua con đường ngoại giao". 

Trong khi đó, Trung Quốc và Nga tiếp tục đưa ra những lời kêu gọi kiềm chế, tránh làm leo thang căng thẳng. Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Lưu Kết Nhất hối thúc các cuộc đàm phán ngoại giao để giải quyết cuộc khủng hoảng Triều Tiên đồng thời cảnh báo HĐBA LHQ rằng Bắc Kinh sẽ không để cho tình trạng hỗn loạn và chiến tranh xảy ra trên bán đảo Triều Tiên.

Trước đó vào ngày 31/8, Bộ ngoại giao Trung Quốc tuyên bố sẽ không bao giờ cho phép chiến tranh hay hỗn loạn xảy ra ở bán đảo Triều Tiên. Quan điểm của Bắc Kinh được đưa ra trong bối cảnh các máy bay ném bom B-1B của Mỹ và các chiến cơ Hàn Quốc đang tổ chức một cuộc tập trận chung mang tên Người Bảo vệ Tự do Ulchi.

Trong bài phát biểu sau đó, Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia nói rằng đàm phán ngoại giao là cách duy nhất để giải quyết vấn đề Triều Tiên. Phía Nga ủng hộ đề xuất của Trung Quốc về việc đóng băng các hoạt động tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên, cũng như các cuộc tập trận quân sự giữa Mỹ và Hàn Quốc. 

Ngày 4/9, phát biểu trước phiên họp khẩn của HĐBA LHQ, Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia khẳng định những giải pháp quân sự không thể giải quyết được các vấn đề trên bán đảo Triều Tiên, do đó "cần phải duy trì cái đầu lạnh, kiềm chế bất kỳ hành động nào có thể làm leo thang căng thẳng". 

Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh của các nền kinh tế mới nổi BRICS ở Trung Quốc, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho rằng việc gia tăng áp lực sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Nga tỏ ý hoài nghi về hiệu quả của giải pháp này, và cho rằng việc siết chặt trừng phạt sẽ chỉ gây tổn hại tới nền kinh tế của Triều Tiên chứ không đủ sức ngăn cản tham vọng của chế độ Bình Nhưỡng.

Làm việc với các đồng minh khu vực để phát triển các biện pháp phòng thủ và ngoại giao vẫn là lựa chọn hiệu quả của Mỹ trong giải quyết vấn đề Triều Tiên tại thời điểm hiện tại.

Nói cách khác, ngoại trừ xuống thang căng thẳng, không một đòn tấn công công quân sự nào nhằm vào Triều Tiên được coi là khả quan. 

MỚI - NÓNG