Những năm qua, số lượng DN tăng lên rất nhanh nhưng “chiếc bánh” GDP không to ra. Sự thiếu cân xứng này dẫn đến việc DN phải chia nhỏ miếng bánh. Để khắc phục điều này, Chính phủ tạo ra 3 “bánh răng” với mục đích cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho DN phát triển. Đó là trình Quốc hội ban hành nhiều luật quan trọng, ban hành Nghị quyết 19, Nghị quyết 35. Nhưng 3 bánh răng đó vận hành không khớp và chỉ quay tại chỗ nên chưa phát huy tác dụng.
Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với thế giới, mức độ cạnh tranh ngày càng tăng, việc phát triển DN càng trở nên cấp bách. Để DN phát triển phải có sự cải thiện từ 2 phía.
Với Chính phủ, cần có chính sách tuân thủ thị trường, gắn với quyền sở hữu, quyền tài sản, đặc biệt là sở hữu đất đai. Tiếp theo là cạnh tranh minh bạch, bình đẳng, công bằng. Trong đó nhấn mạnh vấn đề cung cấp thông tin thị trường; cải cách DN nhà nước và cách ứng xử với các DN lớn chi phối thị trường.
Thứ 3 là chính sách liên quan đến tiếp cận các nguồn lực như lao động chất lượng cao, tín dụng, đất đai, mặt bằng sản xuất. Cuối cùng là giải pháp giảm chi phí giao dịch của DN. Bởi hiện nay chi phí này rất lớn, gồm chi phí chính thức, không chính thức; logistics; chi phí tuân thủ và hạn chế rủi ro pháp lý...
Có thể nhìn thấy một ví dụ cụ thể về việc thiếu hợp lý trong đánh thuế DN. So sánh với các nước trong khu vực và thế giới, cơ sở tính thuế của Việt Nam không thấp. Nếu cơ quan quản lý cứ đánh thuế quá cao sẽ làm thui chột tiềm năng phát triển. Có những lĩnh vực xuất hiện tình trạng tận thu, lạm thu, trong khi một số lĩnh vực khác thu chưa đủ, thậm chí không biết thu như nào, không thu được.
Về phía DN phải cải thiện bản thân và năng lực nội tại. Trong đó tập trung tích luỹ, trau dồi văn hoá kinh doanh bằng việc xây dựng tầm nhìn và cách làm ăn bài bản, chuyên nghiệp, không chộp giật. Trên đây là những vấn đề then chốt nhất để DN mạnh dần, có năng lực, sáng tạo, trở thành trụ cột, góp phần phát triển nền kinh tế Việt Nam.
TS Võ Trí Thành