Doanh nghiệp Việt 2017: Vẫn còn rào cản thuế, phí

Tranh minh họa: Khều.
Tranh minh họa: Khều.
TP - Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) năm 2017, khối doanh nghiệp (DN) tiếp tục “kêu” về những rào cản về thuế, thủ tục hải quan, tăng lương tối thiểu.  Dù Chính phủ khẳng định đã dẹp bỏ rào cản, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho cộng đồng DN, tuy nhiên thực tế cho thấy, quá trình thực thi pháp luật vẫn còn chưa tốt.

Áp đặt thuế, phí

Mở đầu VBF năm nay, 6 hiệp hội DN thương mại lớn (Nhật Bản; châu Âu; Hoa Kỳ; Hàn Quốc, Úc, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) nêu ra rào cản từ thủ tục thuế, hải quan, việc thực thi chính sách với hoạt động doanh nghiệp.

Theo ông Ken Atkinson, Chủ tịch Hiệp hội DN Anh quốc tại Việt Nam, thủ tục về thuế khiến DN tốn rất nhiều thời gian do thanh tra thuế diễn ra nhiều năm sau năm tài chính hay diễn giải quy định theo nhiều cách khác nhau. “Chúng tôi đề xuất thanh tra thuế thực hiện hằng năm để tránh mức phạt nặng và lãi suất cao cho những thiếu sót không cố ý. Hoặc cơ quan thuế có cách tính phạt và lãi suất để phù hợp”, ông Ken Atkinson kiến nghị.

Ngoài ra, Hiệp hội DN Nhật Bản hoạt động tại Việt Nam (JBAV) chỉ ra rào cản về chi phí lao động. Mức tăng lương tối thiểu hằng năm vượt đáng kể so với chỉ số giá tiêu  dùng (CPI). Mức lương tối thiểu ở khu vực 1 của Việt Nam cao hơn mức lương lĩnh vực công nghiệp chính của Philippines. “Nếu bao gồm cả những chi phí về phúc lợi xã hội và công đoàn, chi phí lao động ở Việt Nam ngang bằng với chi phí lao động ở Thái Lan”, ông Karashima nói.

Thứ trưởng Bộ LĐ - TB&XH Nguyễn Trọng Đàm cho biết, lương tối thiểu vùng, Bộ quyết định thông qua khảo sát nhu cầu sống tối thiểu của người lao động, điều kiện kinh tế xã hội… Đồng thời đã trao đổi với các hiệp hội DN để giải quyết hài hòa, đảm bảo cho DN phát triển và mức sống tối thiểu của người lao động.

Theo các chuyên gia, dù người đứng đầu Chính phủ đã khẳng định dẹp bỏ rào cản, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho cộng đồng DN nhưng quá trình thực thi pháp luật chưa tốt. Bà Hương Vũ, Trưởng tiểu nhóm Công tác Thuế VBF đưa ra dẫn chứng về việc áp mã HS để chứng minh cho sự lúng túng, thiếu nhất quán của cơ quan quản lý. Quá trình thực hiện, cơ quan thuế và hải quan cố ý diễn giải từ ngữ trong văn bản pháp luật theo hướng bất lợi cho DN, nhằm tăng số thu. Thậm chí, cơ quan thuế còn đưa ra lỗi sai về hành chính để áp đặt thuế không hợp lý.

Doanh nghiệp Việt 2017: Vẫn còn rào cản thuế, phí ảnh 1 Thủ tục về thuế khiến DN tốn rất nhiều thời gian. Ảnh: Nhật Minh.

Nhập máy móc cũ có thực sự bị gây khó

Một trong những rào cản khiến DN “kêu” nhất là quy định về nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng trong Thông tư 23 của Bộ KHCN. Theo ông Han Dong Hee, Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc, Chính phủ cần giải quyết vấn đề pháp lý gây khó cho nhà đầu tư. Thông tư số 23 về việc nhập khẩu máy móc, thiết bị và dây chuyền sản xuất đã qua sử dụng đưa ra quy định khá cứng nhắc.

“Tôi cho rằng, cần loại bỏ quy định về tuổi của thiết bị đã qua sử dụng không quá 10 năm. Quy định cần nêu rõ cơ quan nhà nước nào có thẩm quyền chứng nhận thiết bị đã qua sử dụng cho dự án đầu tư mới và dự án đầu tư mở rộng và Bộ KHCN cần ban hành tiêu chí chi tiết hơn về các thiết bị đã qua sử dụng”, ông Han Dong Hee đề xuất.

Thứ trưởng Bộ KHCN Phạm Công Tạc khẳng định: “Duy trì tuổi của thiết bị là cần thiết”. Ông Tạc lí giải thêm, Thông tư 23 nhằm tránh nguy cơ để Việt Nam trở thành bãi rác công nghệ, gây ô nhiễm môi trường, tiêu tốn năng lượng và mất an toàn. Đồng thời bảo vệ khả năng cạnh tranh của Việt Nam khi tham gia các hiệp định thương mại tự do bằng cách giảm thiểu sử dụng máy móc đã lỗi thời.

Tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã cam kết với các nhà đầu tư rằng, Chính phủ tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ DNNVV. “Chính phủ phấn đấu đến năm 2018, sẽ đưa 80% các thủ tục hành chính lên cổng thông tin điện tử một cửa ASEAN, tích cực chỉ đạo bộ ngành rà soát, sửa đổi 73 thủ tục kiểm tra chuyên ngành của hải quan để tạo thuận lợi cho các DN”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cũng cho biết, Việt Nam sẽ ưu tiên thu hút DN FDI có công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, có chuỗi và sẵn sàng hợp tác với DN Việt Nam.

Hiện nay, 21% DN Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, chỉ có liên kết giữa DN FDI và DN trong nước, mới khiến DN FDI “cắm rễ” vào nền kinh tế Việt Nam. Từ đó hình thành khối liên kết vì sự phát triển chung của nền kinh tế Việt Nam.

MỚI - NÓNG