Vì sao bộ máy vẫn 'phình', biên chế vẫn tăng?

ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương
ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương
TP - Hiện nay có tới 31/63 tỉnh, thành phố sử dụng vượt 6.376 biên chế, có tỉnh 161 cấp phó chủ tịch xã, phường dôi dư. Từ bộ, ngành đến các địa phương thực hiện thiếu nghiêm túc, thậm chí còn tùy tiện trong bổ nhiệm, đề bạt… So với nhiều nước trên thế giới thì đội ngũ công chức của chúng ta quá lớn.

Nguyên nhân của những bất cập hiện nay, trước tiên do hệ thống văn bản còn nhiều kẽ hở và bị lợi dụng, một số luật, văn bản ban hành lại phát sinh thêm biên chế. Trong tổ chức thực hiện, từ bộ, ngành đến các tỉnh, thành phố thực hiện thiếu nghiêm túc, thậm chí còn tùy tiện trong thành lập các vụ, viện, hình thành một số chức danh không đúng trong quy định, ví như hàm vụ trưởng, vụ phó. Quy định của các bộ là không quá 4 thứ trưởng nhưng cũng có bộ vượt lên đến 9 thứ trưởng.

Việc này dẫn đến tình trạng Trung ương làm được thì tỉnh làm được, tỉnh này làm được thì tỉnh kia làm được và tỉnh làm được thì xã, phường, huyện làm được. Bộ làm được thì các ngành, sở ngành làm được và từ đó mà cấp phó tăng nhanh không chỉ trong các cơ quan nhà nước mà kể cả cơ quan trong Đảng và đoàn thể. Thực tế, có những phòng ban phần lớn lãnh đạo, thậm chí là toàn lãnh đạo mà không có nhân viên. Nhưng trong một thời gian dài không có cơ quan nào bị nhắc nhở hoặc bị phê bình.

Bên cạnh đó, cơ cấu tổ chức bộ máy cũng còn nhiều điểm chưa hợp lý, không xác định rõ vị trí việc làm, phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương chưa rõ. Vấn đề này cần phải xem xét, giữa Trung ương và địa phương nhiều khi trùng lặp, Trung ương làm và địa phương cũng làm nhiều khi thừa biên chế, vì thế cơ cấu tổ chức đã tạo nên một số lượng cán bộ “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” chứ không phải là họ lười biếng.

Từ trực trạng trên, tôi đề nghị cần phải có lộ trình trong tinh giản biên chế, như tinh giản các bộ phận trong các cơ quan, bộ, ngành, địa phương thì phải làm ngay, tinh giản số lượng cấp phó phải làm ngay. Thế nhưng nhập các đầu mối thì phải hết sức cẩn thận. Bài học chúng ta là nhập tỉnh và tách tỉnh.

Đối với vấn đề tách nhập ở các tổ chức cần phải hết sức thận trọng. Quốc hội phải quan tâm đến vấn đề xây dựng luật là không để tăng biên chế và phải tăng cường giám sát. Đối với Chính phủ cần phải sắp xếp lại tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đặc biệt là giảm bớt cấp phó và các vụ, viện.

Bên cạnh đó, cần có giải pháp để điều chỉnh hợp lý cán bộ dư thừa đã có hợp đồng dài hạn xong sa thải. Bây giờ chúng ta giảm biên chế thì phải giảm cho đúng luật. Nếu luật đã bất cập cần sửa đổi, chỉnh sửa cho phù hợp với đòi hỏi của cuộc sống.

ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương

MỚI - NÓNG