“Nồi cơm Thạch Sanh” cũng không đủ cho bộ máy cồng kềnh

ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương)
ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương)
TPO - Theo Đại biểu Quốc hội với bộ máy cồng kềnh như hiện nay, ngân sách dù có là “nồi cơm Thạch Sanh” cũng khó đáp ứng được. Cái khó ở đây là do lợi ích cục bộ và lợi ích nhóm còn quá lớn, nên đòi hỏi phải có một “bàn tay sắt” mới tinh giản được bộ máy.  

Ngày 30/10, Quốc hội dành cả ngày để thảo luận về chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước. Lo ngại bộ máy cồng kềnh tạo gánh nặng cho ngân sách nhà nước, ĐB Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) cho rằng, ngân sách dù có là “nồi cơm thạch sanh” cũng khó đáp ứng được. Trên cơ sở đó, ông Sơn cho rằng, cần tính toán tổng thể để tinh giản biên chế, thu gọn bộ máy với tinh thần “không khoan nhượng”.

Bộ máy phình to, cải cách cần bàn tay sắt 

ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho rằng, bộ máy ngày càng phình to ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của nhân dân. Đồng tình với dự thảo nghị quyết và báo cáo của Chính phủ, tuy nhiên theo ông Nhân, điều quan trọng là “cần có bàn tay sắt”.

Ông Nhân cũng đánh giá, cải cách hành chính chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân. “Từ sau vụ quán cafe Xin Chào, tôi nghĩ đã khép lại những hành vi trì trệ, vô cảm của đội ngũ cán bộ. Chỉ một vụ việc cỏn con mà đích thân người đứng đầu của chính phủ phải ra tay giải quyết…

Chúng ta thấy gì khi hình ảnh của vị phó chủ tịch phải thân chinh dẹp loạn vỉa hè và cụ già gần 80 tuổi giành giật lại xe hàng khỏi tay đoàn kiểm tra liên ngành. Đây có phải là nền hành chính mà chúng ta đang xây dựng? Câu trả lời chắc chắn không”- ĐB Nhân nêu.

Theo ĐB, quan trọng nhất vẫn là nhận thức, tư duy của cán bộ công chức viên chức. Cải cách tổ chức hành chính nhà nước dễ mà hóa ra khó. “Cái khó ở đây là do lợi ích cục bộ và lợi ích nhóm còn quá lớn lấn át cả nhận thức và tư duy. Đòi hỏi phải có một bàn tay sắt, đúng đắn như Đảng đã và đang làm phòng chống tham nhũng hiện nay. Chúng ta phải xử lý “ngôi nhà bị dột từ nóc”, ông Nhân nói.

Nhiều phòng ban toàn lãnh đạo, không có bóng nhân viên

ĐBQH Phạm Văn Hoà, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, cho rằng tinh giản biên chế là "đụng đến con người" nên rất khó khăn, không khéo sẽ bị phản ứng, do vậy công việc này nên bắt đầu bằng thiết kế lại hệ thống chính trị, đối với các nhiệm vụ nhà nước không cần thiết thực hiện thì đẩy mạnh xã hội hoá. Từ đó, công chức sẽ chọn cho mình con đường khác, không nhất thiết bám trụ trong nhà nước với lương thấp.

Ngoài ra, ĐB đoàn Đồng Tháp cũng cho rằng: Việt Nam có 63 tỉnh thành như hiện nay là quá nhiều. Bộ ngành quản lý rất vất vả. Theo ông Hòa, cần nghiên cứu hợp nhất một số tỉnh cũng như một số bộ ngành có điểm tương đồng về chức năng, nhiệm vụ.

Theo ĐB Nguyễn Ngọc Phương, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình, do quy định pháp luật còn kẽ hở, mới dẫn đến tình trạng hình thành một số chức danh không có trong quy định như "hàm Vụ trưởng", "hàm Vụ phó", hay quy định các bộ không quá 4 Thứ trưởng, nhưng thực tế đều nhiều hơn, thậm chí có bộ đến 9 thứ trưởng.

“Trung ương làm được, tỉnh làm được, tỉnh này làm được thì tỉnh kia làm được. Rồi tỉnh làm được thì huyện, xã, phường làm được, dẫn đến cấp phó tăng nhanh. Thực tế có phòng ban chỉ toàn lãnh đạo mà không có nhân viên, nhưng thời gian dài không ai bị nhắc nhở, phê bình”, ông Phương nói.

MỚI - NÓNG