Thầy giáo xin ra khỏi biên chế: Tôi đang rất khủng hoảng

Vợ chồng thầy giáo Đoàn Hùng Cường - Ảnh: NVCC
Vợ chồng thầy giáo Đoàn Hùng Cường - Ảnh: NVCC
TPO - 16 năm gắn bó với nghề, là thạc sĩ lý luận văn học đầu tiên của huyện miền núi với mức lương gần 10 triệu đồng, thầy Đoàn Hùng Cường đang dạy ở một trường miền núi của tỉnh Quảng Ninh đã khiến gia đình, đồng nghiệp sốc khi xin ra khỏi biên chế. Nam giáo viên này cho rằng đang thực sự rất khủng hoảng. 

Trước khi xin nghỉ, thầy Hùng Cường dạy môn Ngữ văn tại trường PTDT Nội trú huyện Bình Liêu, trong khi gia đình lại ở Uông Bí.

“Hiện tại, tôi đang rất khủng hoảng. Một bài báo chỉ hơn 1 tiếng đã có hàng nghìn lượt người chia sẻ, có bài viết với những thông tin chưa thật chuẩn xác về lí do tôi bỏ biên chế. Đây đúng một “tai nạn” nghề nghiệp”- thầy Cường chia sẻ.

Đừng xem biên chế là tấm thẻ bài thần thánh!

Thầy Đoàn Hùng Cường đưa ra lí do ra khỏi ngành không phải vì bất mãn mà bản thân cảm thấy không còn phù hợp với môi trường làm việc, khi nhận thấy nghề giáo không còn được nhiều người tôn trọng.

“Đã đến lúc bắt đầu một công việc khác lôi cuốn mình hơn thì việc xin ra khỏi biên chế là điều bình thường. Chỉ có điều nó trở nên bất bình thường khi phần lớn mọi người đều nghĩ rằng vào được biên chế nhà nước là một điều gì đó ghê gớm lắm”- Thầy Cường chia sẻ.

Thầy Cường nhấn mạnh việc anh ra xin nghỉ cũng muốn chứng minh rằng, biên chế không phải là “tấm thẻ bài” thần thánh lắm, hay là “mồi câu” để níu kéo nhân tài.

Thầy giáo xin ra khỏi biên chế: Tôi đang rất khủng hoảng ảnh 1

Lá đơn gây 'bão' của thầy giáo Đoàn Hùng Cường 

Thầy Cường nói, bức xúc trong ngành thì đúng là có nhưng rất nhỏ thôi, không đủ để khiến tôi nghỉ việc. Mọi người thường có lỗi nghĩ thường tình là tôi ra khỏi nghề vì có bức xúc với cá nhân nào đó.

“Đơn giản là tôi thấy không phù hợp nữa thì tôi từ bỏ, tuyệt nhiên không phải vì oán trách một cá nhân nào hay bất mãn với cơ chế nào cả”- Thầy Cường nhấn mạnh.

Thầy Cường cũng chia sẻ, bản thân đưa ra quyết định này anh phải chịu sự phản ứng rất nhiều từ phía gia đình, đặc biệt là mẹ anh.

“Mẹ tôi luôn tự hào về tôi nhất trong gia đình vì học hành giỏi giang. Khi tôi báo với bà, bà rất sốc và từ mặt tôi mấy ngày liền. Ngược lại, vợ tôi lại rất ủng hộ.”- Anh Cường bộc bạch

Thầy Cường cho rằng, quyết định này với anh không có gì là đột ngột cả. Thực ra, cách đây 7 năm anh đã từng có ý định này.

“Lúc ấy chưa có gia đình, tôi rất bồng bột. Huyện không cho tôi đi học thạc sĩ với lý do là không nằm trong diện quy hoạch. Lúc đó, tôi vẫn muốn học để hoàn thiện chuyên môn với ý nghĩ, nếu không làm thầy giáo vẫn có thể làm những nghề khác”- Thầy Cường tâm sự.

Có bạn hỏi tôi là có phải tôi hết yêu nghề nên mới làm thế? “Làm sao có thể nói tôi ghét nghề trong cuộc sống đầy vật lộn suốt 16 năm qua được?”- Nam giáo viên này nói.

Thầy giáo xin ra khỏi biên chế: Tôi đang rất khủng hoảng ảnh 2 Căn phòng trọ của giáo viên 16 năm dạy học.
Chán cơ cảnh người thầy giáo, muốn trở thành “bầu Cường” nổi tiếng

Nói về lí do làm sao tới 38 tuổi mà thay đổi công việc, thầy Cường cho rằng điều sâu xa nhất anh muốn nói là các bạn có thể thay đổi bản thân và khởi nghiệp bất cứ lúc nào.

Thầy Cường cũng cho rằng, anh yêu nghề giáo nhưng nghề giáo đang làm anh cảm thấy chán nản.

“Tôi cảm thấy môi trường giáo dục hiện nay thật ảm đạm, nhạt nhạt không được trân trọng như ngày xưa. Chứ tôi không nói giáo dục ở Bình Liêu chán như người ta hiểu nhầm mấy ngày qua cho tôi”- anh Cường bộc bạch.

Cũng theo thầy Cường, nghề giáo thì đều đều như vậy trong khi anh là người thích cái mới, làm công việc có sự sáng tạo: “38 tuổi giữa đam mê, sự yêu nghề và cơm áo gạo tiền khiến người giáo viên như tôi phải chấp nhận đánh đổi thôi. Tôi còn phải lo cho gia đình”- thầy Cường cho hay.

Trên thực tế, nam giáo viên bảo xin nghỉ không hoàn toàn không phải vì lương thấp (thu nhập hiện tại là 10,1 triệu đồng). Nhưng như anh nói, mức lương này anh nhận là khác giáo viên khác, trường anh là trường đặc biệt, giáo viên như anh ngoài dạy học sáng, chiều dạy thêm các em, tối còn chăm nuôi các em vì phần lớn học sinh ở lại trường luôn nên mới được như vậy.

Tuy nhiên, thầy Cường cũng chỉ ra, mức lương đó trừ tiền đi lại, mức chi ăn tiêu tối thiểu, hàng tháng anh chỉ cầm về vẻn vẹn khoảng 8 triệu đồng: “Tôi còn nuôi mẹ già, vợ không có công việc ổn định và hai con thì cũng khó khăn. Việc đi lại giữa trường và gia đình hơn 130km cũng là trở ngại”.

“Cha mẹ tôi đã già yếu, con cái thơ dại đang cần người chăm sóc. Bản thân tôi ở Bình Liêu cũng phải sống trong cảnh nhà trọ ọp ẹp, điều kiện sinh hoạt tạm bợ, thiếu thốn khiến cho sức khỏe tôi ngày càng suy sụp”, thầy Cường viết trong đơn xin ra khỏi biên chế ngành.

Thầy Cường cho biết, hơn 16 năm trong nghề, mất 2 năm để xin được việc, mất 10 năm để xin chuyển vùng. Nhưng chỉ mất 1 ngày để anh có quyết định nghỉ việc kể từ lúc nộp đơn xin ra khỏi biên chế.

“Tôi có một vài ý tưởng khởi nghiệp. Tôi rất muốn trở thành nhà đạo diễn, nhà biên kịch phim trong tương lai. Mấy tháng nữa gặp lại tôi, có thể bạn sẽ gặp một "ông bầu" quyền lực ở Quảng Ninh hoặc cũng có thể gặp một thầy giáo thất nghiệp. Mọi thứ đều có thể xảy ra, nhưng tôi lạc quan và luôn tin vào sự lựa chọn của mình.                   

 
MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.