Thầy giáo dạy 16 năm làm đơn xin ra khỏi biên chế: Vì nghề bạc bẽo quá?

Phòng trọ khi thầy Đoàn Hùng Cường còn công tác tại Trường THPT Nội trú huyện Bình Liêu - Ảnh: Infonet
Phòng trọ khi thầy Đoàn Hùng Cường còn công tác tại Trường THPT Nội trú huyện Bình Liêu - Ảnh: Infonet
TPO - “Nghề này bạc bẽo quá, sự tôn trọng đối với nghề chẳng còn nữa nên tôi xin ra khỏi biên chế giáo dục không chút nuối tiếc. Tôi nghĩ rằng, nếu mình là người có năng lực, chẳng việc gì phải bám lấy hai từ "biên chế" mà đày đọa bản thân". Đó là tâm sự của thầy Đoàn Hùng Cường- thạc sĩ Lý luận văn học, giáo viên ngữ văn Trường PTDT Nội trú huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh có thâm niên 16 năm dạy học.

“Đến tháng 8 vừa qua tôi đã viết đơn xin ra khỏi biên chế ngành giáo dục. 16 năm đứng trên bục giảng tôi đã chứng kiến quá nhiều bất cập của ngành, khao khát thay đổi nhưng lực bất tòng tâm.”- thầy Cường viết. 

Thầy Cường cũng chia sẻ: Yêu nghề ư? Tất nhiên là yêu chứ. Thế nhưng làm sao có thể yêu mãi được khi đồng lương chỉ vẻn vẹn vài triệu, vợ con nheo nhóc, bố mẹ già thì khổ sở. Tôi dạy cách xa nhà gần 130 km, tuần nào cũng phải đi đi về về thăm con và bố mẹ. Tôi có hai đứa con, một đứa 3 tuổi, một đứa 5 tuổi, vợ không nghề nghiệp, bố mẹ lại già. Bản thân lại bị bệnh hen, bị khó thở…nhiều đêm không thở được nhưng một mình vẫn phải vật lộn. Tôi mong muốn được chuyển công tác về gần nhà nhưng xin mãi không được.

“Nghề này bạc bẽo quá, sự tôn trọng đối với nghề chẳng còn nữa nên tôi xin ra khỏi biên chế giáo dục không chút nuối tiếc. Tôi nghĩ rằng, nếu mình là người có năng lực, chẳng việc gì phải bám lấy hai từ "biên chế" mà đày đọa bản thân"- Thầy Cường chia sẻ. 

Nói nghề giáo “bạc bẽo” là không chuẩn?

Ông Nguyễn Quốc Vương, Nghiên cứu sinh ngành giáo dục lịch sử, Đại học Kanazawa (Nhật Bản) cho rằng, thầy làm đơn nói "nghề này bạc bẽo" là không chuẩn.

“Thầy phải nói cơ chế-chính sách đối với một số nhà giáo hiện tại chưa đảm bảo sự công bằng“- ông Vương nhấn mạnh.

Ông Vương cũng cho rằng, trường hợp như thầy giáo này không phải cá biệt. Ở địa phương nào cũng sẽ có những thầy giáo gặp hoàn cảnh khó khăn như thế, bị đối xử như thế, thậm chí tệ hơn.

“Có điều dũng cảm dám từ bỏ nghề khi không cảm thấy hài lòng và dám nói ra thẳng thắn như thầy thì không phải ai cũng làm được”- Ông Vương quan điểm.

Cơ chế hiện tại làm cho giáo viên có lương tâm buồn bã, mỏi mệt.

Ông Vương cho rằng, thầy giáo này lương có thể thấp nhưng là giáo viên trong biên chế. Khi trong biên chế ngày lễ, tết thầy nghỉ vẫn có lương. Ốm đau có bảo hiểm. Đi họp vẫn có “vai). vế”. Khổ nhất phải là các giáo viên “ngoài biên chế” đó là giáo viên hợp đồng. Các giáo viên này hưởng thù lao theo kiểu “dạy tiết nào ăn tiết ấy”. Mỗi tiết dạy có thể chỉ 50-60 ngàn đồng mà số lượng không nhiều.

Cũng theo ông Vương, thầy giáo này dạy môn Văn, môn học được cả xã hội coi là “môn chính” nên vị thế của thầy ít nhiều còn có chứ nếu thầy cô dạy “Sử”, “Địa”, “Thể dục”, “mĩ thuật”… thì sẽ khổ nữa về mặt tinh thần. Giáo viên nào vừa là giáo viên “môn phụ” vừa có thân phận “giáo viên hợp đồng” thì khổ lắm! Khổ cả vật chất lẫn khổ tâm. Những nỗi khổ mà người ngoài ít người hiểu. Đi họp đến cả ngồi cũng phải rón rén!

"Chế độ đãi ngộ với nhà giáo có tác động lớn đối với cái nhìn của xã hội với nghề. Nhưng đừng nên hiểu đãi ngộ tốt đơn giản là lương cao"- ông Vương nói.

“Quan trọng hơn và quan trọng đầu tiên là phải công bằng. Phải có cơ chế tuyển dụng minh bạch, công bằng. Cần phải trả lương đúng năng lực, trình độ, phẩm chất, uy tín của giáo viên thay vì “cá mè một lứa” hay giao phó sự đánh giá đó cho vài người. Công bằng, minh bạch sẽ thúc đẩy sáng tạo cũng như sự lương thiện và ngược lại”- ông Vương nhấn mạnh.

Ông Vương phân tích, cơ chế hiện tại làm cho giáo viên có lương tâm buồn bã và giáo viên trẻ dễ cảm thấy mỏi mệt. Cơ chế ấy đã khiến cho giáo viên phải làm đủ nghề để sống nếu như muốn đảm bảo cuộc sống và giữ cho mình lương thiện ở mức tối thiểu có thể.

Một số thầy cô dạy một số môn như Toán, Văn, Anh… vẫn có thể có thu nhập tốt từ dạy thêm. Dạy thêm chẳng có gì xấu và nhiều thầy cô rất giỏi nên có thể sống đàng hoàng. Nhưng không phải thầy cô nào cũng may mắn thế. Một số giáo viên lâu năm cũng có thể sống được bằng lương. Tuy nhiên, đấy chi là đáp số cho “các bài toán cá nhân”, vấn đề đặt ra là cơ chế-chính sách cho toàn bộ giáo viên. 

“Hiện thực đó làm học sinh e ngại vì thế nhiều em giỏi không thi vào nghề sư phạm”- Ông Vương khẳng định.

“Tôi có cảm giác trường học ở Việt Nam đang lạm phát thạc sĩ, tiến sĩ vì nhầm lẫn giữa bằng cấp và năng lực nghề nghiệp của giáo viên. Trong giới giáo viên, bằng cấp cao chưa chắc nói lên người đó có năng lực chuyên môn giỏi cho dù để hành nghề, giáo viên cần phải có bằng cấp tương ứng nhất định theo quy định”- Ông Nguyễn Quốc Vương, Nghiên cứu sinh ngành giáo dục lịch sử, Đại học Kanazawa (Nhật Bản)

MỚI - NÓNG