Trại sáng tác - Cần hay không cần? - Bài 2:

Về đâu, những 'đứa con' sinh ra từ trại?

Bức “Chiều vàng Đại Lải” của Nguyễn Khắc Chinh (ảnh) được Hội Mỹ thuật Việt Nam đề nghị “mua” nhưng họa sĩ từ chối “bán”.
Bức “Chiều vàng Đại Lải” của Nguyễn Khắc Chinh (ảnh) được Hội Mỹ thuật Việt Nam đề nghị “mua” nhưng họa sĩ từ chối “bán”.
TP - Gần 20 ngàn tác phẩm nghệ thuật ra đời từ các trại sáng tác trong 5 năm qua. Chúng về đâu, đã đóng góp gì cho vườn hoa văn học nghệ thuật nước nhà hay tan như bong bóng xà phòng?

Điêu khắc long đong hơn tranh 

Hội Mỹ thuật Việt Nam thường tuyển chọn những “đứa con” chất lượng ra đời từ trại sáng tác để giữ lại. Qui định lưu giữ tác phẩm sau trại của hội trung ương và hội địa phương dường như có nhiều điểm khác nhau. Theo Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, ông Trần Khánh Chương, sau trại, ban thẩm định sẽ chọn tác phẩm có giá trị để lưu giữ, tuy nhiên, hoạ sĩ có thể từ chối “bán” giá rẻ cho hội nếu không muốn. Mới đây, tại trại sáng tác Đại Lải 4/2016, bức “Chiều vàng Đại Lải” của hoạ sĩ trẻ Nguyễn Khắc Chinh được hội đề nghị “mua” tính theo mét vuông, qui ra được khoảng 8,4 triệu đồng. Họa sĩ sinh năm 84 này đã từ chối với lý do muốn giữ lại cho mình, mặt khác có người đặt giá cao hơn thế rất nhiều nếu anh định bán. Anh Chinh muốn đưa bức “Hành lang” vẽ cùng đợt cho hội nhưng ban thẩm định lại không ưng.

Trại sáng tác Nha Trang 2016 của Hội Mỹ thuật TPHCM  ra qui chế: Trước trại, mỗi hoạ sĩ gửi duyệt 3 phác thảo, sau trại, mỗi người cần có 3 bức tranh hoàn thiện và hội nghiệm thu bức đẹp nhất. Họa sĩ Đặng Thu Hương bày tỏ rất hài lòng với điều kiện ăn ở của trại Nha Trang, dư tràn cảm hứng để vẽ bộ ba tranh sơn dầu “Thuyền”, nhưng chị cũng ghi nhận sức ép sản xuất 3 tranh/2 tuần đối với mỗi trại viên. Chị kể: “Một cán bộ phụ trách trại đã nói với tôi: Một nửa thành viên bơi chết thôi!”.

“Các tác phẩm ra đời ở trại sáng tác đa phần để dự các liên hoan, nói thẳng ra là để phục vụ mục đích chính trị. Chúng đều rất khó để đem ra thị trường, nói gì đến chuyện bán vé”. Có chăng, một số sẽ đến với công chúng qua con đường sân khấu truyền hình. Nhưng lý do này có lẽ cũng phải xem lại: dân mà không coi thì tuyên truyền cái gì?”.

Nhà biên kịch 

Vương Huyền Cơ

Về số phận các tác phẩm được lưu giữ sau trại, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nói: “Các trại khác kết thúc là tan biến, Hội chả được gì. Tiểu thuyết hay kịch bản vĩnh viễn thuộc sở hữu của tác giả. Còn bên chúng tôi từ 1993 đến nay giữ được hơn nghìn tác phẩm thuộc tài sản nhà nước”. Hội Mỹ thuật Việt Nam đang khuyến khích các tỉnh mở bảo tàng mỹ thuật để  san sẻ kho tranh. Nhân dịp Đà Nẵng sắp khai trương Bảo tàng Mỹ thuật, Hội đã quyết định tặng mở hàng 32 bức. Qua trang tin điện tử của Mỹ thuật Việt Nam, được biết mỗi năm hầu như các tỉnh thành đều mở trại sáng tác với đề tài Đảng, Bác Hồ, chiến tranh cách mạng, công - nông nghiệp, biển đảo… Những tranh được lưu giữ theo chủ đề cũng nằm trong bộ sưu tập nghìn bức nói trên, theo lãnh đạo Hội “để mỗi kỳ triển lãm chuyên đề cần là có ngay”. 

Số phận các tác phẩm điêu khắc sau trại long đong hơn so với tranh vì “Hội chẳng có chỗ nào để cất nếu lưu giữ”. Cơ hội bán tượng gần như không có, tác phẩm nào tốt đành chờ đến triển lãm mỹ thuật để khoe mà thôi.

Vui “liên hoan” là chính

Đó là số phận của những đứa con sinh ra từ trại sáng tác thuộc lĩnh vực sân khấu. Tác giả Vương Huyền Cơ (Chi hội Sân khấu TPHCM) nói: Những kịch bản được xét duyệt tham gia trại sáng tác nhiều nhất là những kịch bản nói về hình tượng chiến sĩ, tư tưởng Hồ Chí Minh... Chỉ cần nói về chiến tranh ở một góc hơi lạ thôi cũng khó được chấp nhận. Hoặc có thể ban thẩm định đọc cũng thích nhưng họ lại ngại va chạm, thế là bỏ qua. Vì thế, sân khấu thiếu những tác phẩm đỉnh cao, bà Cơ nhận định.

Về đâu, những 'đứa con' sinh ra từ trại? ảnh 1

Tác giả Vương Huyền Cơ (Chi hội Sân khấu TPHCM).

“Tôi vẫn cho rằng, một kịch bản thành công thì nó phải đến được với công chúng và được công chúng đón nhận bằng cách bỏ tiền ra mua vé. Người ta bỏ 1,5-3 giờ đồng hồ ngồi xem anh diễn, người ta phải thích, phải vui, buồn, cười khóc với tác phẩm. Đừng tự tô hồng cho nhau. Kịch dàn dựng, phát vé mời khán giả đến xem ngủ gật thì có ý nghĩa gì đâu”, bà nói. Để “đứa con” ra đời từ trại sáng tác sinh động hơn, bà Cơ cho rằng, muốn thay đổi, phải bắt đầu từ tầng lớp cao nhất, từ Cục Nghệ thuật biểu diễn, tiếp theo là Hội Nghệ sĩ sân khấu. Họ phải có suy nghĩ, quan điểm, cảm nhận mới, phải chấp nhận được cái mới thì các tác phẩm mới đi theo con đường mới được. Chứ cứ theo lệ trước khi dự trại phải nộp đề cương, đề cương không phù hợp tiêu chí đã bị loại rồi thì khó có đột phá.

“Ví dụ, tôi có một vở kịch ma, muốn nhờ chuyện ma nói chuyện người, nhưng khi đặt bút cũng phải đắn đo cân nhắc tới lui, rồi tự bó tay bó chân, tự kiểm duyệt mình đủ kiểu. Mà cuối cùng, kiểu kịch đó cũng không thể đưa ra sân khấu trung ương, bởi vì “nhạy cảm”. “Ma” là nhạy cảm rồi. Không duyệt. Chỉ có thể đưa cho ông bà bầu trong Nam dựng”, bà Cơ nói.

Ý kiến của nhà văn Chu Lai có khác. Ông nói xuất phát từ công việc của mình: “Trước tôi là trưởng ban sáng tác Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam (2010-2015). Năm năm chủ trì trại sáng tác, tôi đã thổi một luồng gió nghiêm túc vào sinh hoạt nghề nghiệp này. Trại không phải nơi nghỉ ngơi, dưỡng lão, mà là nơi luyện ra những tác phẩm hay. Ở Trại sân khấu, mọi người phải làm việc rất căng. Tất cả các tác phẩm được xét duyệt đều phải đem ra đọc cho thầy bà, bạn bè góp ý, có khi góp ý quyết liệt đến ứa nước mắt. Rồi sau đó tác giả chỉnh sửa, hoàn thiện. Ban đầu mọi người chưa quen phản ứng ghê lắm, họ bảo ông Chu Lai làm gì mà khó chịu thế. Nhưng quen rồi thì đều thấy tham gia Trại có lợi cho sự cọ xát, trao đổi nghề nghiệp. Cho đến nay, những tác phẩm được huy chương vàng, bạc hầu hết đều từ Trại mà ra.

Ví dụ như tác giả Xuân Đức, đầu tiên viết kịch bản “Những mặt người thấp thoáng” về những mặt trái của đời sống hôm nay, ông ấy chỉ nghĩ viết chơi thôi, ai dựng được. Nhưng sau khi được đồng nghiệp góp ý, ông chỉnh sửa thì được Nhà hát Kịch Hà Nội dàn dựng, được huy chương vàng Liên hoan Sân khấu kịch chuyên nghiệp toàn quốc năm 2014”.

Muốn đăng đâu thì đăng

Theo nhà văn Phạm Hoa, Phó chủ tịch Hội đồng văn xuôi, Hội Nhà văn Việt Nam, xuất xứ trại sáng tác từ trong quân đội khoảng những năm 56, 57, 58, khi đó quân đội mở trại viết kỷ niệm sâu sắc trong đời bộ đội. Đến nay, hàng trăm trại sáng tác kiểu đó đã ra đời, viết về kỷ niệm trong 2 cuộc kháng chiến. Mô hình trại sáng tác trong quân đội đã lan tỏa ra ngoài. Ngày trước, người ta có thể bắt gặp những tác phẩm nổi tiếng có dính dáng đến trại sáng tác như “Tiễn biệt những ngày buồn” của Trung Trung Đỉnh, “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của Nguyễn Khắc Trường… Những năm trở lại đây, khó tìm thấy những tác phẩm gây tiếng vang ra đời từ trại sáng tác.

Nhà văn Phạm Hoa nói: “Tôi chấm giải tiểu thuyết vẫn hơn chục cuốn được giải nhưng không có cuốn đặc sắc. Cuộc sống đang chuyển dịch, ngổn ngang như một công trường, bảo nhà văn tập trung để viết theo chủ đề như trước đây thì khó. Nhà văn bây giờ thích dùng văn khẩu ngữ, thông tấn, rất ít trang miêu tả đến nao lòng”. Khác với mảng hội họa hay sân khấu, nhà văn được tự do lựa chọn cách sống cho “đứa con” sinh ra từ trại. Nhà văn Phạm Hoa hay nhà văn Trung Trung Đỉnh đều công nhận, không có hội đồng đánh giá chất lượng tác phẩm ra đời ở trại sáng tác, không có khen thưởng hay bồi dưỡng thêm cho những tác giả có tác phẩm hay. Phó chủ tịch hội đồng văn xuôi nói: “Cứ thả thế thôi, nhà văn muốn đăng sách hay đăng đâu thì đăng”. Cũng theo nhà văn Phạm Hoa, trại sáng tác nên kỷ luật hơn với anh em, “để duy trì trại phải có thẩm định, có nghiệm thu, gần đây các trại của ta cứ thả lỏng”.

Nhà thơ Phan Hoàng, Phó chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, cho biết: “Một năm ở TPHCM, các hội thường tổ chức 2 chuyến đi thực tế sáng tác, kinh phí do thành phố tài trợ. Ngoài ra, các chuyến đi còn do các hội tự thân vận động bằng hình thức xã hội hóa”. Ở Hội Nhà văn TPHCM, những “đứa con” ra đời từ trại được lo lắng chu đáo hơn. Nhà thơ Phan Hoàng nói: “Các tác phẩm của trại sáng tác thường được tập hợp để in sách”.

Tạm biệt “du họa”

ham gia trại sáng tác tại Trung tâm Mỹ thuật Đương đại tại Hà Nội cách đây 10 năm, hoạ sĩ Đỗ Hoàng Tường từng có hai bức thể loại “có hình thể” (biểu hiện) được đánh giá cao và lưu giữ lại trong bộ sưu tập của Hội. Hoạ sĩ hài lòng với kỳ “du họa” đó nhưng không tham gia “vẽ tập trung” thêm lần nào nữa. “Tôi thấy đa số mọi người đến trại để giao lưu là chính và thường vẽ với thái độ hời hợt thiếu nghiêm túc”, họa sĩ Tường nói. Theo ông, nếu trại đem lại hứng khởi sáng tạo thực sự thì “đầu tư bao nhiêu cũng không nên tiếc, nhưng trại chỉ để vui thì chia đều nhỏ giọt vẫn lãng phí”. 

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".