Dịch giả Quang Chiến:

Tìm “thuốc an thần” cho đời mình

Tranh: Nguyễn Văn Hổ
Tranh: Nguyễn Văn Hổ
TP - Sinh thời thi sĩ Phùng Quán tâm sự:  “Có những phút ngã lòng/Tôi vịn câu thơ và đứng dậy”. Hỏi dịch giả Quang Chiến được gì, khi suốt đời làm “người thợ” chở văn học Đức về Việt Nam? Ông chỉ cười: “Tôi  tìm được thuốc an thần khi cuộc đời xô lệch”.

Quang Chiến tên thật là Ngô Quang Phục. Bút danh chính là tên con trai của ông, đứa con sinh dưới hầm trong thời kỳ chiến tranh khốc liệt. Ông là một trong những lớp người Việt Nam đầu tiên được đào tạo bài bản tại CHDC Đức. Năm 13 tuổi, cậu bé Ngô Quang Phục đã được sang CHDC Đức học ở trường thiếu nhi đặc biệt. Học xong, chàng trai trở về nước làm việc và thời gian sau trở lại CHDC Đức học đại học, để trở thành kỹ sư chế tạo máy. Thế  rồi, cả đời Ngô Quang Phục chẳng chế tạo được chiếc máy nào, cũng không dịch một cuốn sách kỹ thuật nào. Ông cũng từng công tác ít năm trong ngành liên quan đến kỹ thuật tính toán rồi đam mê văn chương lại cuốn ông đi, đến hết đời.

Khi còn học ở Đức trong trường thiếu nhi đặc biệt, cậu bé Ngô Quang Phục đã từng gửi thơ về nước tham gia cuộc thi “Mỗi ngày thêm tiếng, thêm vui” và giành giải nhất. “Đó là năm 1957”, ông nhớ lại. Sau khi về nước, vừa làm kỹ thuật, Ngô Quang Phục vừa bắt đầu gửi một số bản dịch thơ đến báo Văn Nghệ, hồi những năm 1973, 1974. Cũng từ đây, người ta biết đến thơ Bertolt Brecht qua dịch giả có tên Quang Chiến: “Hồi đó, tôi dịch thơ vì thích chứ chẳng có ai đề nghị tôi làm việc đó cả”. Một số bài thơ dịch được đăng báo Văn Nghệ, thời đó rất danh giá, đã khích lệ tình yêu văn học trong người kỹ sư chế tạo máy. Khi NXB Tác Phẩm Mới được thành lập, nhờ sự giới thiệu của nhà thơ Bằng Việt, năm 1977, Ngô Quang Phục đã “li dị” với kỹ thuật, chuyển hẳn sang địa hạt văn học, chuyên thú làm biên tập sách văn chương và chính thức đi vào công việc của “người thợ thầm lặng”: Dịch sách.

Lữ khách hành hương qua trái đất

Đang trong tâm trạng buồn, suy nghĩ, bỗng nhiên tôi gặp được câu rất hay trong cuốn sách “Nỗi đau của chàng Werther” đang dịch: “Vâng, tôi chỉ là lữ khách hành hương qua trái đất, các ngươi có hơn gì tôi đâu”. Nỗi buồn bay biến, tôi nghĩ, đã là “lữ khách hành hương qua trái đất”, thì có gì phải lo âu cứ vui vẻ mà sống đi”.

Dịch giả Quang Chiến

Như bao trí thức  trong thời kỳ đất nước còn nhiều khó khăn, dịch giả Quang Chiến cũng từng loay hoay với nỗi “áo cơm ghì sát đất”. Cuốn sách dịch thành công nhất của Quang Chiến về số lần tái bản, chính là “Nỗi đau của chàng Werther”, tái bản 6 lần. Giải thích về sự hâm mộ của độc giả Việt với “Nỗi đau của chàng Werther”, ông cho rằng: “Vì đó là cuốn dễ tiếp nhận, Napoleon đã đọc nó 5,7 lần và mang cả tác phẩm ấy đi chinh phạt Ai Cập. Tác phẩm này cũng được bình chọn là một trong bốn chuyện tình nổi tiếng thế giới”. (Tuyệt nhiên dịch giả không nhắc đến công của người dịch). Con đường “Nỗi đau của chàng Werther” đến với độc giả Việt suôn sẻ và thành công như vậy nhưng hoàn cảnh  dịch tác phẩm này của tác giả lại gặp không ít chông gai: “Những năm 1981, 1982, đời sống cực kỳ khó khăn. Gia đình tôi ở trong căn nhà lập xập, còn nuôi lợn để sống, chính lúc đó tôi dịch “Nỗi đau của chàng Werther”. Đang trong tâm trạng buồn, suy nghĩ về người này, người khác, bỗng nhiên tôi gặp được câu rất hay trong cuốn sách này: “Vâng, tôi chỉ là lữ khách hành hương qua trái đất, các ngươi có hơn gì tôi đâu”. Nỗi buồn về cảnh nghèo khổ bay biến, tôi nghĩ, đã là “lữ khách hành hương qua trái đất”, thì có gì phải lo âu cứ vui vẻ mà sống đi”.

Quang Chiến hứng thú khi nói đến những “liều thuốc an thần” ông tìm thấy trong quá trình dịch văn chương tiếng Đức. Cách đây vài năm, ông cho ra mắt cuốn “Ánh sáng và tro tàn”, giới thiệu tiếng thơ Karl Lubomirski, một nhà thơ người Áo, hiện đang sống ở Italia, một cây bút đương đại độc đáo trong văn chương Đức ngữ. Dịch giả tâm sự về cuốn “Ánh sáng và tro tàn”: “Karl Lubomirski là một người được đào tạo về kỹ thuật nhưng lại làm thơ, một giọng thơ lạ với những bài thơ cực ngắn. Khi “bắt” được thơ ông, tôi thích thú, quyết định dịch ra tiếng Việt, nên đã liên lạc với Karl Lubomirski để ông chuyển sách sang Việt Nam, cho tôi tuyển chọn. Thơ Karl Lunomirski đã được dịch ra trên 20 thứ tiếng”. Quang Chiến đặc biệt tâm đắc những câu thơ rất thơ mà rất sắc của nhà thơ người Áo: “Trên nấc thang hoài niệm/ Ta đi vào lãng quên” hay cách ví von lạ của nhà thơ, “Em” giống như “căn phòng không có các bức tường”, ấm cúng đấy nhưng mênh mang quá. Hay những câu rất “nịnh” chị em: “Bên em, anh chết dễ dàng hơn”…
Tìm “thuốc an thần” cho đời mình ảnh 1 Dịch giả Quang Chiến.

Quang Chiến dịch nhiều thơ Đức như: H. Heine, B. Brecht… nhưng tập thơ dịch khiến ông hãnh diện hơn cả chính là “Và Việt Nam và…” (tuyển thơ E. Fried). Lí do thật đơn giản: “Tôi coi đây là đóng góp của tôi. Trong những năm Việt Nam đang chiến đấu chống ngoại xâm, hầu như chưa có nhà thơ nước ngoài nào có cả tập thơ về Việt Nam nhưng chính E. Fried đã có hẳn tập thơ “Và Việt Nam và…” – một tập thơ ủng hộ Việt Nam từng gây tranh cãi rất nhiều trong cộng đồng nói tiếng Đức. E.Fried đã cùng với sinh viên và trí thức của Đức biểu tình chống chiến tranh ở Việt Nam, song ở Việt Nam bao nhiêu năm không ai nói đến ông. Một con người vì Việt Nam, có hẳn tập thơ như thế, tôi được giới thiệu, tôi rất mừng. E.Fried là một trong những nhà thơ lớn nhất của nền văn học tiếng Đức”.

Vươn lên trong lầm lạc

Hiện nay, văn học dịch ở ta đang là vấn đề nóng và nhức. Khá nhiều cuốn sách của những dịch giả được cho là uy tín lâu nay bỗng dưng bị phát hiện có quá nhiều “sạn”. Thậm chí có những dịch giả trẻ vừa mới nổi, được tụng ca lên mây, cũng một ngày kia, bị phát hiện dịch những câu… không thể thương nổi: Lắp căn bệnh hiểm nghèo đặc trưng của chị em sang nam giới. Chuyện “ném đá” văn học dịch từ dư luận, kể ra cũng không hoàn toàn sai. Đem chuyện này hỏi Quang Chiến, ông cười: “Tôi chưa thấy ai “ném đá” mình” song cũng có thể “ném đá” sau lưng mà ông không biết? Hoặc tiếng Đức không nhiều người thông thạo, nên nguy cơ “ném đá” sẽ không cao như những tác phẩm được dịch từ tiếng Anh, tiếng Nga… Cho dù thế nào thì việc “ném đá” Quang Chiến, nếu có, cũng không làm dịch giả này tổn thương sâu sắc. Ông có cách nghĩ rất… Đức: “Trong tiếng Đức có câu gần như tục ngữ: Lầm lạc là thuộc tính con người. Trong tác phẩm “Faust” có câu rất hay: Chừng nào con người còn vươn lên thì còn lầm lạc. Con người trưởng thành trong bi kịch, trong sự lầm lạc, để cuối cùng nhận ra giá trị cuộc sống là sống vì cộng đồng, vì người khác. Ai bảo tôi dịch sai, cũng không vấn đề gì, bởi tôi là con người vươn lên trong lầm lạc”.

Chưa cần người ta bảo ông dịch sai, ông cũng đã tự nhận ra mình sai: “Khi tôi dịch, tôi say mê kinh khủng, có những lỗi ở châu Âu gọi là lỗi quỉ, nó xuất hiện mà mình không nhận ra, rất tinh vi. Thí dụ như trong tác phẩm “Nỗi đau của chàng Werther”, tôi phát hiện ra một số chỗ, đáng ra phải chuyển ngữ theo cách khác, thậm chí tôi dịch sai, sai một từ thôi. Tôi đã sửa trong lần tái bản sau. Có phải bạn đọc “bới” được đâu? Chẳng có ai hoàn hảo cả, con người đang vươn lên thì phải lầm lỗi thôi, song xác định bản chất của con người là vươn lên”. Tác phẩm “Faust”, được tặng giải B, giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2002 được Quang Chiến dịch trong suốt 10 năm. Trong quá trình dịch, ông trở đi trở lại nước Đức nhiều lần, gặp gỡ các nhà nghiên cứu, nhà ngôn ngữ, đi vào các trung tâm ngôn ngữ tìm những cuốn từ điển bên ngoài không có, để tham khảo. Quang Chiến “bật mí” trong tác phẩm này, có cả những khái niệm mà bây giờ không còn tồn tại: “Có câu tác giả nói đến những con chim mùa hè, thực ra phải hiểu là những con bướm mùa hè, hoặc như tác giả nói đến những con thằn lằn bò trên tường, nhưng nếu dịch nguyên vậy thì bạn đọc không thể biết tác giả muốn nói đến những cô gái làm tiền”. Ông vẫn đang tiếp tục sửa bản dịch “Faust” nhưng cũng chỉ là “được đến đâu hay đến đó”: “Tác phẩm rất khó hiểu ngay cả với người Đức, nó đòi hỏi tầng văn hóa cao, vì trong đó có rất nhiều khái niệm triết học. Có câu: Nghệ thuật thì dài nhưng đời người lại ngắn. Nếu còn thời gian thì tôi tiếp tục sửa bản dịch tác phẩm này nhưng tôi e không còn thời gian nữa đâu, để lại cho thế hệ sau tiếp tục”.

Chọn văn học Đức để dịch đã là làm khó mình. Bởi nước Đức sản sinh ra nhiều triết gia, tư tưởng triết học thường ngấm trong sáng tạo văn chương. Hiện nay có thể đếm trên đầu ngón tay người làm công tác dịch thuật văn học tiếng Đức: Lê Chu Cầu, Lê Quang, rồi dịch giả trẻ Thu Phương với thơ H. Heine và một số truyện cổ tích… Nhưng Quang Chiến không so mình với những dịch giả khác: “Mỗi người có mảng riêng, tôi chủ yếu đi vào văn học cổ điển mất thời gian vì thế”. Đã chọn văn học Đức, còn chọn mảng cổ điển, thì khó khăn gấp đôi trong dịch thuật đã đành, trong khâu tiếp nhận của độc giả cũng nhiều hạn chế: “Có những cái không thể không giới thiệu cho các thế hệ được, thí dụ, có những tác phẩm cổ điển của Đức nằm trong kho tàng văn học thế giới. Nhắc đến Nga là nhắc đến Pushkin, nhắc đến Anh là nhắc đến Shakespeare, nhắc đến Đức không thể không nhắc đến “Faust” của J.W.Goethe… Giống như nói đến Việt Nam là nói đến Kiều của Nguyễn Du, cho dù Kiều rất khó hiểu với bạn đọc thời nay, nhưng người ta vẫn phải tìm cách giới thiệu truyện Kiều ra thế giới”. 

Tìm “thuốc an thần” cho đời mình ảnh 2

Công dịch không hơn người lau nhà

"Để chuyên nghề dịch không sống được, bên châu Âu cũng thế thôi, vì nhuận bút trả cho tác phẩm dịch bao giờ cũng thấp. Số phận của những người dịch văn học không những ở Việt Nam mà cả ở châu Âu không… sang”, Quang Chiến tâm sự. Ông cởi mở: “Khi sang Đức tôi gặp nhiều người dịch cũng rất khốn khổ. Một anh bạn nói đùa: Dịch giả là những con ngựa ghẻ, còm nhom của một nền văn hóa. Đúng như thế thật. Có một dịch giả cực kỳ nổi tiếng ở Đức, ông còn là một nhà văn, đã nói về thu nhập từ cuốn sách lớn ông vừa dịch xong: Thu nhập của tôi không bằng người lau nhà”.

Thu nhập của dịch giả Quang Chiến được ông tự thú: “Tôi cũng không hơn người lau nhà. Dịch chỉ là niềm vui thôi. Hầu như những người làm công tác văn học phải có gì đó để sống”. Quang Chiến từng tham gia giảng dạy tiếng Đức và lịch sử văn học Đức ở Khoa tiếng Đức, ở Trường ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH dân lập Phương Đông. Đến nay, ông đã nghỉ nhưng vẫn kèm học sinh có nhu cầu học tiếng Đức tại nhà. Bao nhiêu năm mòn mỏi dạy tiếng Đức, ông thú nhận: “Chưa có một học sinh nào muốn theo nghề dịch thuật. Các em chỉ muốn học tiếng Đức để sang Đức du học hoặc làm ở một công ty nào đó”. 

MỚI - NÓNG