Thu Bồn “thắng”

Vợ chồng Thu Bồn (nghệ sỹ Lý Bạch Huệ) và bạn bè văn chương.
Vợ chồng Thu Bồn (nghệ sỹ Lý Bạch Huệ) và bạn bè văn chương.
TP - Chiều 25/4, Bộ VH-TT&DL đã công bố danh sách hồ sơ đủ điều kiện  xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2016. Ở lĩnh vực văn học, đã có tên nhà văn Thu Bồn với tiểu thuyết “Chớp trắng”, “Vùng pháo sáng”, tập truyện ngắn “Dưới tro”. Trong khi trước đó, nhà thơ nổi tiếng này đã không qua được hội đồng của Hội Nhà văn Việt Nam chỉ vì “thiếu thủ tục”.

Vào một buổi trưa bình thường, nhà phê bình Ngô Thảo tụ vài anh em báo chí, văn nghệ sỹ trong quán nhỏ. Cũng bia bọt song Ngô Thảo không vui như mọi khi, ông tỏ ra buồn bã và bất bình, suốt buổi chỉ nói chuyện Thu Bồn  “rớt” giải Hồ Chí Minh. Ban đầu, tôi cũng không để ý nhưng nhà văn già không ngừng muộn phiền, nên tôi lắng nghe và thấy rằng… không thể im lặng. Lẽ nào lại để một nhà thơ lớn, cống hiến đời mình cho thi ca và cho cuộc trường chinh của dân tộc,  rớt giải Hồ Chí Minh chỉ vì thiếu tấm giấy ủy quyền của người con trai nhiễm chất độc màu da cam, trí tuệ thương tổn ? Sau đó,  tôi đã viết bài “Vì sao Thu Bồn lỡ giải thưởng Hồ Chí Minh?” (đăng trên TPCN, số 101, số ra ngày 10/4/2016).

Dân gian có câu: “Vợ người thì đẹp, văn mình thì hay”. Những kẻ gieo hạt trên cánh đồng câu chữ mấy khi chịu phục nhau. Nhưng khi thực hiện liên tiếp những cuộc phỏng vấn về trường hợp Thu Bồn, tôi không ngờ, những anh em đồng nghiệp, dù thân hay không thân với Thu Bồn, dù cùng hay khác thế hệ với tác giả “Bài ca chim Chơ-rao”, đều lên tiếng công nhận tài năng và ủng hộ nhà thơ Quảng Nam hết mình. Họ đều tỏ ra ngạc nhiên và không đồng tình nếu giải thưởng danh giá năm nay quên tên Thu Bồn. Có những người, như nhà văn Thái Bá Lợi, đã nói thẳng với đại ý: Thu Bồn không có tên trong danh sách xét giải Hồ Chí Minh năm nay, lỗi thuộc về người sống. Anh nêu giải pháp: “Thủ tục con người làm ra thì người sống khắc phục khó gì đâu?”.

Kết quả ngoài mong đợi, ngay sau khi bài báo ra mắt độc giả, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, đã gọi điện cho nhà phê bình Ngô Thảo. Vị Chủ tịch giải thích cho nhà văn già sự cố vừa qua và đề nghị Ngô Thảo làm đơn nói về sự việc, để Hội Nhà văn trình lên cấp trên. Và mọi thứ tiến triển tốt đẹp, hội đồng xét duyệt đã mở cuộc bỏ phiếu cho Thu Bồn, lá phiếu của mỗi thành viên được chuyển qua đường bưu điện. Nhà văn Trung Trung Đỉnh, bỏ lá phiếu của mình và lần này, ông tin chắc: Thu Bồn thắng. Bởi vì, yêu cầu khó nhất của giải thưởng chính là tài năng của tác giả thể hiện qua giá trị tác phẩm. Những thứ thuộc về thủ tục hành chính, trong những trường hợp cần thiết, có thể từ từ khắc phục.

Ngay sau khi Bộ VH-TT&DL công bố danh sách hồ sơ đủ điều kiện trình Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, nhà văn Thái Bá Lợi, đang nằm trong bệnh viện, đã gọi điện cho tôi vui mừng rối rít: “Biết tin gì chưa, Thu Bồn có tên trong danh sách xét tặng rồi”. Sau bài báo của tôi, Thái Bá Lợi không biết rằng Hội Nhà văn Việt Nam đã có động thái tích cực bảo vệ Thu Bồn, nên đã làm một việc chưa bao giờ làm: Liên lạc với tân Thủ tướng Chính phủ, để nói với tân Thủ tướng vấn đề của nhà thơ Thu Bồn. Thái Bá Lợi biết rằng, tân Thủ tướng nhận vị trí mới đang phải đương đầu với bao lo toan. Song nếu tân Thủ tướng không bỏ qua những sự việc như quán cà-phê Xin chào, thì sự việc liên quan đến một nhà thơ lớn của đất nước, một người con của đất Quảng, ông cũng nên biết. Theo Thái Bá Lợi kể lại, tân Thủ tướng đã lắng nghe và chúc nhà văn Đà Nẵng vui khỏe.

Phải đến tháng 9, giải thưởng mới chính thức được công bố, song nhà thơ Thu Bồn đã đi qua cửa ải thủ tục để tiến sâu vào vòng trong,  là niềm vui lớn với những người bạn của cố thi sĩ. Hi vọng lần này Thu Bồn sẽ không lỡ làng với giải thưởng danh giá như câu thơ nổi tiếng của thi sĩ về một tình yêu không thành:  “Nón rất Huế mà đời không phải thế”.

MỚI - NÓNG