Tự truyện: Được, mất

Cuốn hồi ký của diễn viên Thương Tín
Cuốn hồi ký của diễn viên Thương Tín
TP - Năm 2008, TS văn học Đoàn Cầm Thi có nói: “Văn học Việt Nam chưa có tự truyện”. Sau gần chục năm, tự truyện xứng đáng như một tác phẩm văn học có lẽ ở ta vẫn chưa có. Song tự truyện đúng theo kiểu kể chuyện đời lại trên đà thịnh vượng.

Các “ngôi sao” kể lại đời mình đã đành, những người vô danh cũng ra mắt tự truyện, hình thành cả một dòng tự truyện “vượt lên cái chết”, của những tác giả mắc bệnh hiểm nghèo… Mới đây một người cha đơn thân thế hệ 8X lại cho ra mắt cuốn tự truyện xúc động “Ba muốn nuôi con bằng sữa mẹ”, kích thích thêm cái tham vọng được nói về mình, vốn đang lên cùng với sự tiến bộ rõ ràng về ý thức cái tôi cá nhân trong xã hội.  Đúng là “chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời”, cứ tình hình này, các nhà xuất bản còn đắt hàng cấp giấy phép cho thể loại tự truyện.

Cứ nhìn thực trạng thị trường sách èo uột của ta, sách ra thì lắm, người mua thì vắng, việc ra mắt tự truyện không mang lại hiệu quả kinh tế. Như vậy, ở đây là vấn đề khác. Đó có thể là nhu cầu tự bạch sau nhiều năm tự vấn. Đó có thể là “sám hối” – nói như nghệ sỹ Thương Tín. Công chúng thích những sự thật, nhất là sự thật cuộc đời của người nổi tiếng. Nhưng có những người lại thích biết, để bình luận nhằm đề cao cái “đạo đức” của bản thân. Với những người này, dường như người viết tự truyện bị hố. Thương Tín có lúc đã thật thà: “Viết tự truyện kiếm chút tiền mua sữa cho con”. Nhưng chắc giờ này anh cũng phải ngậm ngùi vì mình mua sữa cho con với giá quá “chát”.

Còn nhớ trước đây, khi Lê Vân sau nhiều năm ở ẩn đã tung ra cuốn tự truyện “Lê Vân yêu và sống” khiến chị bỗng chốc được quan tâm chẳng kém thời hoàng kim trong nghệ thuật. Có thể chị không cần điều đó mà chỉ cần bộc bạch, giãi bày. Song cái giá phải trả là những tiết lộ về người thân đã khiến những người sống bên chị phải buồn. Thời gian qua đi, người ta cũng quên lãng Lê Vân và cuốn tự truyện của chị. Lê Vân lại ẩn như xưa đã ẩn. Nếu việc nói ra sự thật giống như một lời sám hối thì cái được duy nhất của “Lê Vân yêu và sống” là sự thanh thản của tác giả. Nhưng biết đâu sự thanh thản của người này lại là sự áy náy của người kia? Được hay mất, khó lường.

Nhìn sang nước Mỹ, tự truyện cũng là thể loại ưa thích của nhiều người nổi tiếng. Các chính trị gia của họ cũng ra mắt hồi ký, một thể loại gần gũi với tự truyện. Đời tư của các chính trị gia còn “hot” hơn nhiều so với đời tư của các ngôi sao giải trí. Hãy xem Hilary Clinton viết gì trong “Living History”, bà không mô tả cuộc sống riêng tư, đánh vào thị hiếu của độc giả. Nhưng người đọc có thể tìm thấy nhiều sự kiện về chính trường nước Mỹ, cũng như nhiều trăn trở, băn khoăn của bà. Ngay trong tháng đầu tiên, hơn một triệu ấn bản của cuốn hồi ký đã hết veo. Số tiền nhà xuất bản trả trước cho Hilary Clinton để có cuốn hồi ký này là tám triệu USD. Cũng như phu nhân của mình, Bill Clinton cũng thu về nguồn lợi tài chính không nhỏ khi tung ra tự truyện “My life”. Ông không ngại đề cập đến dấu ấn đời tư bê bối của mình trong một số trang. Và ông tổng kết mối tình giữa ông và cô thực tập sinh là “cuộc đấu trí không đáng có”…

Có lẽ có những người khôn ngoan khi viết tự truyện mà chỉ được chứ không mất gì? Có lẽ cần thêm những người đọc hiểu biết và giàu cảm thông? Nhưng có vẻ trong tình hình hiện nay, khi quyết định viết tự truyện, thì cần cân nhắc bởi lắm khi lợi bất cập hại…

MỚI - NÓNG