Thu Bồn thi sĩ

Thu Bồn thi sĩ
Người ta đã nói nhiều, viết nhiều về chất thi sĩ của Thu Bồn. Ở bài viết này, tôi chỉ xin viết về một số tình tiết, cá tính trong đời thường của anh.

Thu Bồn thi sĩ

> Thu Bồn: Tráng sĩ hề... dâu bể!
> Hấp dẫn Thu Bồn trong mắt bạn bè

Người ta đã nói nhiều, viết nhiều về chất thi sĩ của Thu Bồn. Ở bài viết này, tôi chỉ xin viết về một số tình tiết, cá tính trong đời thường của anh.

Thu Bồn thi sĩ ảnh 1

Ngôi nhà số 4 Lý Nam Đế, một địa chỉ văn học quen thuộc đã mấy chục năm. Các nhà văn lớp này rồi lớp khác đến và đi. Có khi đi thẳng vào chiến trường không trở lại, hy sinh như nhà văn Nguyễn Thi. Căn buồng ông ở gần như vẫn nguyên vẹn.

Vẫn lò sưởi tăm tắp từng viên gạch ám lửa nhìn chếch ra vòm cửa sổ phía trước nơi hai cây đại già không quản xuân hạ thu đông đều đặn buông hoa trắng xuống thềm gạch cũ.

Cũng khá lâu không ai củi lửa gì nơi lò sưởi nhưng thường chúng tôi vẫn để đó, tuyệt nhiên không che chắn bàn ghế vật dụng gì. Chiếc lò sưởi ống khói thông vượt khuôn mái vòm cong cổ kính hẳn nhiên là một nét đặc thù của nhà số 4.

Thời cuộc đổi thay nhưng ngôi nhà dường như không thay đổi. Có lẽ chuyển động dễ nhận ra nhất là những chuyển động từ bên trong, từ những thế hệ văn nghệ sĩ đến rồi đi. Đến rồi đi nhưng ai cũng để lại dấu vết mà thời gian chỉ càng thêm hằn rõ.

Một trong những người tôi hay nghĩ đến là thi sĩ Thu Bồn.

Từ khi chuyển nhà tới Long Biên, thường sáng sáng tôi đi qua cây cầu lịch sử. Đi nhiều mới thấy rất rõ một liên tưởng, luôn cồn cào. Cầu Long Biên cũng như nhà số 4, là những địa điểm lịch sử một cách tự nhiên. Lịch sử rất công bằng. Những gì cố thành lịch sử thời gian sẽ dễ dàng xóa đi. Thi sĩ cũng vậy. Mong đừng có ai cố công làm thi sĩ. Thi sĩ phải là bẩm sinh. Thu Bồn là một ví dụ điển hình.

Cũng đừng nghĩ hễ là thi sĩ thì phải sống toàn bộ cuộc đời mình một cách mây gió, dị biệt, chẳng giống ai. Thi sĩ cũng có những phút giây, những hành động hết sức đời thường, thậm chí sâu sắc mà những người bình thường trong hoàn cảnh ấy có khi không làm được.

Người ta đã nói nhiều, viết nhiều về chất thi sĩ của Thu Bồn. Ở bài viết này, tôi chỉ xin viết về một số tình tiết, cá tính trong đời thường của anh.

Năm 1980, một điều rất ít ai nghĩ tới, thậm chí như không phải sự thật, những nhà văn, nhà thơ Văn nghệ Quân đội được điều lên nông trường Mỏ Chén để tăng gia sản xuất. Những năm ấy cả nước đói. Văn nghệ sĩ lại càng đói. Khi đói thường cũng không nghĩ được xa xôi, chỉ nghĩ đơn giản là tăng gia chăn nuôi để chống đói. Thơ văn để đấy tính sau.

Các nhà văn quân đội hành quân lên đường. Không hiểu thế nào cấp trên cắt cử Thu Bồn làm tổ trưởng tổ sản xuất, dẫn các nhà văn nhà thơ trong đó không ít người trói gà không chặt lên nông trường.

Thu Bồn phấn khởi lắm. Dù gì cũng là chức tổ trưởng hẳn hoi. Nhiệm vụ được giao là: Làm cỏ lúa nước, giã gạo bằng chày theo kiểu Sóc Bom Bo, chăn bò, dọn chuồng heo, đắp đập ngăn mương lấy nước.

Anh cán bộ nông trường mặt lúc nào cũng nghiêm trọng dặn đi dặn lại Thu Bồn: “Các anh các chị phải hoàn thành bằng được chỉ tiêu đã ký kết. Đói mấy cũng phải bấm bụng. Không được nhổ trộm sắn của nông trường. Anh nào nhổ trộm ban đêm cảnh vệ bắn, chết phải chịu”.

Thu Bồn gãi đầu gãi tai trước mớ nhiệm vụ và những lời căn dặn. Thi sĩ ậm ừ cho xong rồi hùng dũng dẫn anh em tiến ra nông trường. Ai cũng tưởng bở nhưng động chân động tay vào công việc mới thấy không phải chuyện đùa. Những Phạm Ngọc Cảnh, Lê Lựu, Ngô Thảo, Duy Khán, Nguyễn Đức Mậu, Nguyễn Thị Như Trang… có tài giời cũng không thể biến thành công nhân nông trường ngày một ngày hai được. Nữ sĩ Như Trang nhìn thấy đỉa từ xa đã la hét ầm ĩ.

Thi sĩ Duy Khán cầm cây cỏ lắc bên này nghiêng bên kia, xem xem ngó ngó như người trên giời. Đến như Lê Lựu, nguyên nông dân phủ Khoái loại một mà khi giao cho dượt đàn bò thả hoang mặt mũi cũng tái nhợt, chân bước không vững.

Chỉ tiêu được giao ngày càng xa vời. Hãi nhất là đàn bò thỉnh thoảng chạy rông vượt qua đỉnh núi Ba Vành. Mọi người lo phát sốt bởi anh cán bộ nông trường đã đe mất phải đền. Lần đầu tiên trong đời chỉ huy, Thu Bồn đứng ngồi không yên.

Thu Bồn (bên phải) cùng bạn bè văn nghệ ở nhà của thi sĩ Phùng Quán. Ảnh: Nguyễn Đình Toán
Thu Bồn (bên phải) cùng bạn bè văn nghệ ở nhà của thi sĩ Phùng Quán. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.

Thu Bồn vốn người sức vóc, ăn nhiều uống lắm. Lại thêm mấy ông thần trùng lao động thì kém nhưng không hiểu sao chưa tối bụng dạ đã réo ầm ầm. Một tối đói quá, Ngô Thảo khều Thu Bồn rủ đi nhổ trộm sắn của nông trường. Hai người thì thào như đi buôn bạc giả. Mấy tổ viên còn lại biết tỏng nhưng cứ giả vờ nằm im. Đến gần nửa đêm, khi mùi sắn chín bốc lên, ai nấy bò ra đống lửa lặng lẽ ngồi ăn.

Trong đêm tối, than tro đen nhẻm mặt mũi. Bỗng một ai đó nhắc: “Sịt soạt khẽ thôi, không cảnh vệ biết mất mặt lắm, chúng mình là nhà văn”. Thu Bồn không nhịn được, buột miệng: “Đen thủi đen thui hết cả mặt làm gì còn mà mất”. Cả tổ phá lên cười. Ngoài trời sương núi Ba Vành rơi rét căm căm.

Rồi bằng tài năng của Thu Bồn, mọi chỉ tiêu của đoàn quân số 4 Lý Nam Đế không những hoàn thành mà còn vượt. Điều này đến bây giờ cũng đang còn là bí mật. Không biết Thu Bồn đã làm gì để vượt chỉ tiêu? Có lẽ chỉ các cô gái nông trường ngày ấy mới có câu trả lời chính xác?

Hôm tổ lao động chuẩn bị lên đường trở về nhà số 4, Thiếu tướng Lê Hai đến khen ngợi các nhà văn nhà thơ đã lao động và chấp hành kỷ luật tốt, nhất là tổ trưởng Thu Bồn. Vị Thiếu tướng vốn rất yêu anh em văn nghệ sĩ, ông tặng cho các thành viên trong tổ mỗi người một cây bút bi và một chiếc khăn bông của Nhà máy Dệt mùng 8-3, một món quà rất có giá trị lúc bấy giờ.

Phản ứng rất nhanh, Thu Bồn thay mặt anh em phát biểu cảm tưởng đâu ra đấy. Thi sĩ kết thúc bằng một đoạn thơ như sau:

Các cô nông trường cười chế giễu
Nhà thơ cũng biết chăn bò
Tôi cười đáp lại
Tôi không chăn bò đâu
Tôi chăn đôi sừng nhọn của tôi
Những tiềm lực của đất đai và sữa…

Mọi người lúc ấy ai nấy cười sảng khoái. Mấy cô gái nông trường đấm nhau thình thịch chỉ trỏ Thu Bồn. Thu Bồn thì dường như có vẻ luyến tiếc vùng đất nhiều sỏi đá và đỉa muỗi.

Thu Bồn là người rất nhạy cảm, nhưng cũng ít ai biết giấu nỗi đau một cách phi thường như anh. Anh từng cõng đứa con trai từ chiến trường ra bằng chiếc ba lô đục thủng hai lỗ để cậu con thò hai chân ra cho đỡ mỏi. Những năm tháng ấy, từng đoàn thanh niên xung phong, bộ đội cõng súng ống, đạn dược, thóc gạo, nhu yếu phẩm kìn kìn vượt dãy Trường Sơn cũng là lúc Thu Bồn cõng con từ mặt trận Tây Nguyên ra Bắc.

Cậu bé Hà Thảo Nguyên - con của Thu Bồn bị nhiễm độc ốm yếu là vậy đã sớm trên lưng bố vượt bao đèo dốc hai ngả Đông - Tây Trường Sơn ra Hà Nội chữa bệnh. Nhà thơ đi bất kể ngày đêm, vượt U Bò, Ba Rền, Long Đại, Sông Gianh, Linh Cảm, Thanh Hóa… Hẳn trong thời khắc ấy, anh đã có những tâm tư không dễ giãi bày.

Ra tới Hà Nội, Thu Bồn đưa con về ở một căn phòng nhỏ trong nhà số 4. Bệnh của Hà Thảo Nguyên ngày một nặng nên Thu Bồn thường xuyên phải đưa con đến bệnh viện. Có những đêm, Thu Bồn lặng lẽ ngồi bên con đến khi trời sáng không nói một câu nào. Cơ quan ai cũng thương cảm, san sẻ với cha con Thu Bồn. Một đêm tháng chạp giá buốt, Hà Thảo Nguyên đã trút hơi thở cuối cùng.

Trong một đoạn hồi ức về chuyện này, Thu Bồn viết: “… Nhiều năm hai cha con tôi ở một căn phòng nhỏ cạnh phòng Nguyễn Đức Mậu, Lê Lựu. Cháu bị nhiễm chất độc màu da cam nên phải đi bệnh viện. Một đêm tháng 12 rét như dao cắt, cháu đã trút hơi thở cuối cùng tại giường bệnh 108.

Anh Hồ tìm chìa khóa mở cổng lớn, không có, hai chúng tôi tìm cách mở được cổng nhỏ đưa xe honda ra. Hai đứa phóng ra Ô Quan Chưởng để ra bờ sông đi cho nhanh. Đến bờ đê, xe chết máy, hai anh em đạp đẩy kiểu gì xe cũng không nhúc nhích, đành đẩy xe bộ đến 108. Hai chiếc áo bông của tôi và anh Hồ ướt đẫm mồ hôi.

Tôi vuốt mắt con, ôm cái thân xác lạnh ngắt đau đớn đi từng bước một xuống cầu thang nhà xác. Tôi mượn một cái lồng bàn úp lên thi thể của con.

Sáng hôm sau, tôi và Ngô Thảo đi Quán Thánh mua quan tài và cắt hộ khẩu cho con (cắt hộ khẩu báo tử mới mua được quan tài), Duy Khán đi tìm hai khúc chuối để thắp nhang, chị Định cho những đồng tiền để bỏ vào mồm cháu… Cả cơ quan đưa tiễn cháu…”.

Những phút giây như thế quả không dễ dàng gì vượt qua với bất kỳ người đàn ông nào.

Trong những khoảnh khắc đời thường, Thu Bồn luôn sống rất thật. Rất thật với mình, rất thật với anh em để rồi rất thật với thơ. Xưa nay, người đời viết về anh thường ưa thích khai thác những mảng như là giăng gió, cá tính hoang sơ thiên bẩm của thi sĩ mà ít nhắc đến những khoảnh khắc đời thường. Vẫn có một Thu Bồn khác chứ. Một Thu Bồn đục thủng ba lô vác con dọc dãy Trường Sơn ra Bắc.

Một Thu Bồn nhổ trộm sắn sì sụp nướng cùng anh em ở nông trường giữa đêm đông. Một Thu Bồn còng lưng vác đất đào đắp sông Tô Lịch cùng các đàn anh Thanh Tịnh, Vũ Cao, Từ Bích Hoàng…

Một Thu Bồn mười mấy năm giáp tết ở nhà số 4 ra đê sông Hồng đoạn gần cầu Long Biên mua mấy chú nai đồng quê về thui rơm nức mùi riềng sả. Đặc biệt nữa, Thu Bồn, một hôm cứ tưởng chiến tranh đã kết thúc, ai ngờ phía Bắc rộ lên tiếng súng. Nhà số 4 lại mỗi người một ba lô, sổ sách, tài liệu chuẩn bị hành quân.

Những đêm báo động ấy, Thu Bồn nai nịt gọn gàng, ba lô túi rết rầm rập chạy hướng cửa Đông, cửa Bắc. Khi dừng lại điểm danh kiểm tra trang bị phải dậm chân tại chỗ, mọi người không nhịn được cười khi ở chiếc ba lô của Thanh Tịnh bát đũa cứ loảng xoảng va nhau. Thu Bồn hăng hái viết quyết tâm thư, sẵn sàng ở lại quyết tử bảo vệ thủ đô. Anh còn đánh tiếng nếu ngã xuống cũng là trở về với đất cát sông Hồng.

Thu Bồn là thế. Cuộc sống đời thường của anh cũng như bao nhà văn nhà thơ nhà số 4 khác, đầy cay đắng, ngọt bùi, có lúc chỉ biết bầu bạn cùng sự im lặng. Năm tháng thời gian đi qua, từng khúc đời thường, những chuyện ít người biết của các bác các chú, các chị các anh, như là Thu Bồn, cứ ứa lên cay mắt

Theo Phùng Văn Khai
Công An Nhân Dân

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG