Son vàng một thuở

TP - Trăn trở với nguồn mạch văn hóa truyền thống và văn hóa hiện đại, tiếp sau triển lãm “Sự đối lập” (2012) kết hợp nhiều thể loại: phim tài liệu, hội họa, body painting… gây tiếng vang, họa sỹ trẻ Nguyễn Minh Nam tiếp tục khơi lại nguồn mạch này trong triển lãm cá nhân thứ hai, với tên gọi “Son vàng một thuở”. Lần này thông điệp của tác giả được truyền tải bằng thứ ngôn ngữ duy nhất: Tranh.

25 bức tranh sẽ giới thiệu trong triển lãm là quá trình lao động miệt mài và cảm hứng của Nguyễn Minh Nam (sinh năm 1978)  trong hơn một năm qua, trên ý tưởng đã ủ rất lâu. Như lâu nay đã từng say mê “phái đẹp” lần này tranh Nguyễn Minh Nam lại tiếp tục khai thác “chị em” trên hai luồng văn hóa: Truyền thống và hiện đại.

Nguồn mạch văn hóa truyền thống và văn hóa hiện đại từng là nỗi ám ánh không chỉ riêng Nguyễn Minh Nam. Nguyễn Bính từng đau khổ vì “hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”. Nguyễn Minh Nam thì khác, anh chỉ muốn thể hiện hiện thực bằng tranh, không có ý định phê bình, lên án, bênh vực truyền thống hay hiện đại, bởi lẽ hiện đại rồi cũng thành quá khứ, tất cả sẽ là “son vàng một thuở” mà thôi.

Một điều riêng tư ít ai biết, họa sỹ trẻ còn là một thợ làm tóc. Gia đình anh có cửa hiệu làm tóc, Nguyễn Minh Nam vẫn thường phụ vợ những khi đông khách, anh có thể thực hiện tất cả những gì “thượng đế” mong muốn. Đây chính là “tư liệu sống” để anh tiệm cận tốt hơn với một đối tượng chăm chú làm đẹp: Giới trẻ. Xem tranh Nguyễn Minh Nam đừng ngạc nhiên khi thấy hiện thực về người trẻ hôm nay hiện lên ngồn ngộn: Họ thời trang, họ sành điệu, họ có gương mặt đẹp nhờ son phấn, lạnh lùng như son phấn… Đối lập với họ là “những người muôn năm cũ” với kiểu cách cũ, đồ vật cũ… Tùy độc giả tự nghĩ. Thực ra, đụng vào nguồn mạch văn hóa có nhiều cách thể hiện nhưng chọn con người để nói về văn hóa là cách thông minh, bởi con người lúc nào chẳng là đối tượng trung tâm của mọi vấn đề?

Son vàng một thuở ảnh 1
Son vàng một thuở ảnh 2

Hai tác phẩm trong triển lãm "Son vàng một thuở" của Nguyễn Minh Nam.

Tuy nhiên để “đóng khung” Nguyễn Minh Nam trong thời điểm này có lẽ  hơi vội, chặng đường sáng tạo của nghệ sỹ còn dài và còn nhiều biến chuyển. Ai biết mai sau Nguyễn Minh Nam sẽ sống sao và nghĩ sao, bởi dù gì anh vẫn còn trẻ, mới tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật vài năm.

Tuyên ngôn nghệ thuật của cố nhà văn Nam Cao thích hợp cho tất cả những người làm nghệ thuật: “Khơi những nguồn chưa ai khơi, sáng tạo những gì chưa có”. Nguyễn Minh Nam luôn trăn trở đi tìm cái mới. Anh tích cực cập nhật thông tin trên mạng, tích cực chơi facebook kết nối với anh em cùng nghề để biết những gì đã được khơi, tránh đụng vào, tìm những cảm hứng mới. 25 bức tranh của Nguyễn Minh Nam sẽ trình làng sắp tới, chắc chắn sẽ gây hiệu ứng cao về mặt thị giác, trước hết là thế. Cái tư duy về “hiện thực hư cấu” vẫn đeo bám anh, khiến người thưởng lãm tranh anh rơi vào trạng thái hư hư thực thực. Anh vẫn không thoát được thuyết “âm dương” hòa hợp của phương Đông nhưng lại đưa ra triết lí mới: Đặc- Rỗng tương xứng. Những gương mặt phụ nữ trong tranh anh luôn luôn thực, thực từ làn môi son đỏ mọng, từ đường mày của thiếu nữ sành điệu hôm nay, những đồ vật xuất hiện trong tranh cũng thực… Anh gọi những thứ nhìn thấy mồn một này là: Đặc. Còn Rỗng lại được thể hiện rất mới, rất riêng. Tranh Nguyễn Minh Nam có thứ gọi là xuyên thấu, đối tượng phản ánh biến thành thủy tinh, khiến người ngắm nó có thể nhìn thấy những gì sau nó. Sự xuyên thấu có tên gọi: Rỗng.  Thí dụ, trên cơ thể một phụ nữ truyền thống lại thấy lấp ló hình ảnh váy áo của những phụ nữ hiện đại phía sau. Đặc - Rỗng kết hợp với nhau trước hết khiến người xem cân bằng về thị giác, khiến tranh của anh có vẻ đẹp thực- ảo. Sự phát hiện “rỗng” chứng tỏ Nguyễn Minh Nam  là một họa sỹ giỏi tưởng tượng và chắc đường nét.

Nói về 25 đứa con tinh thần sắp ra mắt, họa sỹ cho biết: “Ngôn ngữ trong tranh của tôi là đường nét và tổ chức đường nét. Vẽ tranh khó nhất là đường nét, nó thử thách các họa sỹ”. Về bút pháp trong tranh Nguyễn Minh Nam cũng có thể nhận thấy sự đối lập: Hiển nhiên có chất Pop art khi anh đề cập đến những cô gái ăn chơi thời công nghiệp. Người ta cũng dễ nhận ra ảnh hưởng của thư pháp trong tranh của Minh Nam. Cũng như thỏi nam châm, sự “trái dấu” trong khi chắt lọc bút pháp hội họa  phương Tây và phương Đông nhưng cái tài của người họa sỹ là làm cho chúng hút nhau, hòa hợp.

Người xem thấy gì qua hai tuyến nhân vật thống trị hầu hết 25 tác phẩm của họa sỹ: Tuyến truyền thống, nhân vật thường là những người nông dân, mộc mạc, giản dị được Nguyễn Minh Nam thể hiện chủ yếu bằng hai màu đen, trắng. Tuyến hiện đại với các cô gái trẻ lòe loẹt trong gương mặt, sành điệu trong phong cách… Tuy tác giả không định bênh vực hay lên án tuyến nhân vật nào nhưng thực ra người xem vẫn thấy sự hoài cổ của anh về  những gì đã và đang dần mất đi trong xã hội hiện đại khi đời sống công nghiệp bon chen khắp nơi, những nét nhuần nhụy, duyên dáng, kín đáo càng ngày càng tắt dần theo quá khứ. “Đừng để đời sống chỉ như sự tồn tại. Hãy thay đổi quan điểm sống, cải thiện đời sống để đỡ lãng phí đi sự được sinh ra ở cuộc đời này”, đó là bức thông điệp Nguyễn Minh Nam muốn gửi tới những người thưởng thức “Son vàng một thuở”.

MỚI - NÓNG