Vất vả đời phim Việt

Vất vả đời phim Việt
7 phim của đạo diễn Việt Linh được mang tới giới thiệu Australia nhân một Liên hoan Nghệ thuật, nhưng thật trớ trêu, 4 bản phim của chị phải mua lại từ các hãng của nước ngoài.
Vất vả đời phim Việt ảnh 1
Đạo diễn Việt Linh

Nhận lời mời từ The 5th Asia - Pacific Triennial of Contem-porary Art (Tam niên nghệ thuật cận đại châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 5), năm nay, người ta muốn giới thiệu tại Australia tất cả những phim của nữ đạo diễn Việt Linh.

Ban tổ chức sẵn sàng bỏ tiền để làm lại 7 phim chị đã thực hiện, bao gồm cả phim video Cuộc đời bị đánh cắp sản xuất năm 1989.

Nhưng cuối cùng, chỉ có 4 phim đuợc mang đi, và việc cả 4 bản phim đều được mua lại từ các nước khác (Gánh xiếc rong mua lại từ Thụy Sĩ, Dấu ấn của quỷChung cư mua lại từ Nhật, Mê Thảo - Thời vang bóng mua lại từ Mỹ) đã khiến không ít người quan tâm đến điện ảnh nước nhà phải giật mình: Tại sao phim của ta mà ta phải đi mua lại từ nước ngoài?

Khó khăn từ sản xuất đến lưu trữ

Theo lời đạo diễn Đặng Nhật Minh, hầu hết những phim Việt Nam trước đây là phim Nhà nước, nên sau khi ra đời "bộ phim không còn nằm trong tay người đạo diễn sinh ra nó nữa". Ngay cả các viện lưu trữ nước ngoài muốn xin một bản, họ cũng chỉ làm việc trực tiếp với ban giám đốc hãng phim.

Hiện nay, trung tâm Fukuoka (Nhật Bản), một trung tâm lưu trữ phim nổi tiếng trên thế giới và là nơi đạo diễn Việt Linh vừa mua lại 2 phim của mình, đang có khoảng 30 phim Việt Nam.

Những bộ phim được lưu trữ tại đây trong một điều kiện hoàn hảo từ nhiệt độ đến độ ẩm. Ngay cả thao tác lấy phim ra/vào chăm sóc hàng năm cũng được quan tâm chi tiết.

Bên ngoài kho lạnh lưu trữ, người ta tổ chức 2 phòng trung gian, và mỗi phim khi mang ra/vào đều phải nằm lại một thời gian nhất định ở 2 phòng trung gian này, nhằm tránh sự thay đổi đột ngột, cũng là một lý do làm ảnh hưởng đến chất lượng phim.

Tại Việt Nam, hiện có 2 trung tâm lưu trữ phim cho toàn quốc (Một tại Hà Nội và một tại TP.HCM). Mặc dù phòng lạnh được hứa thiết kế đúng tiêu chuẩn là nhiệt độ 4-10 độ C cho phim màu, 15-20 độ C cho phim trắng đen, và độ ẩm khoảng 40%, nhưng hầu hết các chủ hãng phim tư nhân không tin tưởng vào quy trình đảo phim bảo dưỡng, nên chưa có hãng phim tư nhân nào gửi phim vào đây lưu trữ.

Theo quy định dành cho các hãng phim nhà nước, 9 tháng sau khi bộ phim hoàn tất, bộ phim cần phải được gửi đến viện lưu trữ. Nhưng thường sau khi bộ phim đã được khai thác hết tại các cụm rạp, cũng như các hình thức kinh doanh băng đĩa khác, bộ phim mới được gửi vào viện.

Và trong thời gian lưu tại hãng đó, không có gì đảm bảo là bộ phim được giữ trong điều kiện đúng chuẩn nhiệt khí hậu.

Khi bộ phim được sản xuất, qua quá trình dàn dựng, bản phim hoàn chỉnh đầu tiên là bản nê (Negative - Âm bản). Từ bản Nê này các hãng phim sẽ làm ra các bản pô (positive) để mang đi làm các thủ tục, nộp lưu chuyển, và trình chiếu.

Trừ những phim ăn khách như Gái nhảy được làm ra đến 15 bản pô, những phim thông thường chỉ làm ra 4-5 bản, trong số đó chỉ có 1-2 bản là để mang đi chiếu xoay vòng tại các rạp.

Chính vì vậy, sau vòng "du chiếu" khắp nơi, bản phim mang về đã bị nhiều hư hao trầy xước; khó giữ nguyên vẹn như ban đầu.

Tại nhiều nước khác, để tránh bản nê bị hư hỏng sau nhiều lần sử dụng, người ta làm những bản đúp-nê (giá thành làm mỗi bản đúp-nê đắt hơn bản nê gấp 4 lần), mỗi bản đúp-nê chỉ cho in thành 10 bản pô, rồi bỏ, dùng bản đúp-nê khác.

Tùy số lượng bản pô cần sản xuất mà người ta sẽ làm số bản đúp-nê tương ứng. Với quy trình này, những bản phim được sản xuất về sau đảm bảo không nhạt màu hay trầy xước so với bản sản xuất trước, và đồng thời lưu giữ được bản nê luôn hoàn chỉnh cho đến lúc gửi vào kho lưu trữ.

Khó khăn không chỉ riêng ai

Trở lại chuyện 4 bộ phim của đạo diễn Việt Linh. Như bao nhiêu bộ phim khác, bốn bộ phim này được viện lưu trữ giữ và tạo điều kiện sử dụng khi cần đến. Vậy nên, không như nhiều người nghĩ là đạo diễn Việt Linh bị gây khó khăn hay bị làm mất "những đứa con tinh thần".

Tuy nhiên, khi phim được mang ra trình chiếu tại nước ngoài, chúng ta cần giải quyết một số yêu cầu của nước bạn về âm thanh, phụ đề cũng như hình ảnh và ánh sáng trong phim. Với những bộ phim đã cũ, khi mang trình chiếu chúng ta cần phải định sáng lại cho từng cảnh.

Hiện nay, kỹ thuật chúng ta chưa cho phép định sáng hàng loạt, mà tại xưởng in tráng, người kỹ thuật viên phải làm thủ công từng phân cảnh một, công việc này chiếm rất nhiều thời gian.

Theo lời ông Bằng Phong, giám đốc xưởng thu thanh in tráng của Hãng phim Giải Phóng, nơi sản xuất các bộ phim của đạo diễn Việt Linh: "Trong các hãng phim Nhà nước, Hãng phim Giải Phóng là đơn vị còn dùng những máy móc lạc hậu nhất.

Có những hệ thống máy đã dùng đến 60 năm, như máy dựng phim, máy chiếu phim, máy hòa âm... Riêng máy in phim của Hãng cũng đã dùng gần 30 năm, nên để in ra một bản phim cần phải tốn thời gian gấp 4 lần thời gian trình chiếu".

Và như vậy, những trở ngại khiến đạo diễn Việt Linh chỉ giới thiệu tại Australia 4 trong số 7 phim chị đã làm (trừ 2 phim nhựa khác là Nơi bình yên chim hót (1985) và Phiên tòa cần chánh án (1987)) chỉ là những khó khăn khách quan, những khó khăn mà lâu nay chúng ta vẫn quen hoạt động sản xuất - trình chiếu - lưu trữ là vậy.

Có lẽ cũng chia sẻ ý kiến cùng ông Bằng Phong, khi nghe nhiều người bức xúc về những bộ phim tư liệu cứ bị hư hao đi dần: "Có bức xúc thì cũng chịu! Trong điều kiện như hiện nay, chúng ta đành phải thế!".

Theo Huy Trường
Thể thao Văn hóa

MỚI - NÓNG