Vàng 'phi SJC' sẽ ra sao?

Vàng 'phi SJC' sẽ ra sao?
Theo nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng vừa được Chính phủ ban hành, không chỉ vàng miếng SJC mà các thương hiệu vàng khác người dân vẫn được sở hữu, tức được mua bán, cho, tặng, gửi...

Vàng 'phi SJC' sẽ ra sao?

> Tiệm vàng sẽ đóng cửa hàng loạt 

Theo nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng vừa được Chính phủ ban hành, không chỉ vàng miếng SJC mà các thương hiệu vàng khác người dân vẫn được sở hữu, tức được mua bán, cho, tặng, gửi...

Tuy nhiên, việc mua bán này phải thực hiện tại những địa điểm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp phép. Từ ngày 25-5, người dân vẫn được mua bán vàng miếng nhưng không được sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán.

Người dân mua bán vàng miếng tại một cửa hàng thuộc Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) trên đường Trần Nhân Tông, Hà Nội (ảnh chụp chiều 5-4)
Người dân mua bán vàng miếng tại một cửa hàng thuộc Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) trên đường Trần Nhân Tông, Hà Nội (ảnh chụp chiều 5-4) . Ảnh: Nguyễn Khánh (Tuổi Trẻ)
 

Hạn chế doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng

Tuy nhiên, số lượng tổ chức được phép kinh doanh vàng miếng sẽ bị hạn chế. Doanh nghiệp được NHNN cấp phép mua bán vàng miếng phải đáp ứng đủ các điều kiện: có vốn điều lệ từ 100 tỉ đồng trở lên, kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh mua bán vàng từ hai năm trở lên, có số thuế đã nộp từ 500 triệu đồng/năm trở lên trong hai năm gần nhất, mạng lưới chi nhánh từ ba tỉnh thành trực thuộc trung ương trở lên.

Với tổ chức tín dụng, NHNN yêu cầu phải có vốn điều lệ từ 3.000 tỉ đồng trở lên, có đăng ký hoạt động kinh doanh vàng, có mạng lưới chi nhánh tại VN từ năm tỉnh thành trực thuộc trung ương.

Với các doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ phải đáp ứng đủ hai điều kiện: là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật, có đăng ký sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; có địa điểm, cơ sở vật chất và các trang thiết bị cần thiết phục vụ hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.

NHNN đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo thông tư hướng dẫn một số điều quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Văn bản này sẽ ban hành trước ngày 25-5.

Dự thảo thông tư cũng quy định trong thời gian sáu tháng kể từ ngày thông tư được áp dụng, các doanh nghiệp, ngân hàng đang kinh doanh mua bán vàng miếng phải làm thủ tục đăng ký kinh doanh lại với cơ quan đăng ký kinh doanh. Đồng thời, các trường hợp này cũng phải hoàn tất thủ tục xin cấp giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng với NHNN.

Chưa hướng dẫn lộ trình chuyển đổi vàng miếng “phi SJC”

Các công ty vàng cho rằng nghị định 24 và dự thảo thông tư hướng dẫn chưa đề cập việc chuyển đổi các thương hiệu vàng khác thành vàng miếng SJC khiến người dân và doanh nghiệp lo lắng.

Bà Nguyễn Ngọc Quế Chi, tổng giám đốc Công ty vàng SBJ, cho biết theo chỉ đạo của NHNN, từ tháng 9-2011 các doanh nghiệp sản xuất vàng đã ngưng sản xuất vàng miếng. Tuy nhiên, NHNN cần công bố chuyển đổi vàng miếng các thương hiệu khác thành vàng miếng SJC để ổn định tâm lý cho người dân.

Ông Nguyễn Thanh Trúc, phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng VN, cho rằng bản thân các thương hiệu vàng “phi SJC” trước đây cũng do NHNN cấp phép, do vậy NHNN phải có trách nhiệm xử lý sao cho người sở hữu các thương hiệu vàng này không bị thiệt.

Theo ông Trúc, nên cho phép những loại vàng này khi kiểm định nếu đủ trọng lượng, chất lượng thì cho chuyển đổi sang vàng miếng SJC. NHNN có thể thu một số phí nhất định, chẳng hạn mức 60.000 đồng như mức Công ty SJC thu trước đây. Hiện nay do NHNN chưa hướng dẫn nên việc chuyển đổi này bị tắc.

Theo ông Trần Thanh Hải - tổng giám đốc Công ty Đầu tư và kinh doanh vàng VN (VGB), hiện vàng SJC chiếm đa số trên thị trường. Nghị định 24 giao NHNN độc quyền sản xuất vàng miếng, như vậy các thương hiệu vàng miếng “phi SJC” sẽ không còn được sản xuất nữa.

Điều này sẽ làm một số tổ chức và cá nhân hiện đang giữ vàng miếng “phi SJC” gặp bất lợi khi trao đổi, hoán chuyển sang vàng SJC, sau này là SBV. Nên chăng NHNN cho thống kê, đăng ký, kiểm tra chất lượng, thu phí gia công lại và cho chuyển đổi hết trong một lộ trình sáu tháng.

Chênh lệch giá vàng trong nước - thế giới có giảm?

Ông Trúc cũng cho rằng từ ngày 25-5, khi những quy định về quản lý thị trường vàng chính thức được áp dụng thì hoạt động kinh doanh vàng miếng sẽ được quản lý chặt chẽ hơn.

Số lượng vàng miếng lưu thông trên thị trường cũng sẽ giảm đi, nguồn ngoại tệ để nhập khẩu vàng cũng sẽ giảm. Đó là mặt tích cực. Nhưng xét về mặt thị trường, hoạt động kinh doanh vàng miếng sẽ trầm lắng.

“Nhưng cái lớn nhất mà người dân quan tâm hiện nay là liệu khi Nhà nước siết chặt hoạt động kinh doanh vàng miếng thì giá vàng trong nước có sát với giá thế giới? Thời gian qua, chuyện chênh lệch 1-3 triệu đồng/lượng vẫn xảy ra. Thị trường chỉ có thể thông suốt khi cơ chế quản lý tuân theo đúng quy luật của thị trường” - ông Trúc nhận định.

Người sở hữu vàng miếng các thương hiệu khác lo lắng

Sau khi nghị định quản lý hoạt động kinh doanh vàng được công bố, nhiều người còn sở hữu vàng miếng không phải của SJC đã đem bán. Tuy nhiên, nhiều thương hiệu cũng hạn chế bằng cách niêm yết giá mua vào thấp.

Chị Thanh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết phải bán dưới giá niêm yết khoảng 1 triệu đồng/lượng, dù trước đây giá bán các loại vàng này ngang ngửa với giá bán vàng SJC.

Chị Quỳnh Hoa (Q.Gò Vấp) cho rằng có tình trạng nhiều thương hiệu vàng lợi dụng ép giá người bán. Chị kiến nghị NHNN nên sớm công bố lộ trình chuyển đổi vàng miếng các thương hiệu khác sang vàng SJC để người dân khỏi bị thiệt.

Ghi nhận của phóng viên chiều 5-4, nhiều công ty vàng khác đã hạ giá mua bán xuống thấp hơn giá vàng SJC 1-2 triệu đồng/lượng.

Lúc 15g30, giá vàng Bảo Tín Minh Châu bán ra 41,8 triệu đồng/lượng, mua vào còn 41,5 triệu đồng/lượng, thấp hơn 1,8 triệu đồng/lượng so với giá niêm yết của Công ty SJC. Giá vàng miếng AAA của Ngân hàng Agribank bán ra thấp hơn 1,6 triệu đồng/lượng so với giá vàng SJC cùng thời điểm.

Vẫn có thời gian chuyển tiếp

Dự thảo thông tư của NHNN quy định trong thời hạn sáu tháng kể từ ngày thông tư này có hiệu lực, các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng đang kinh doanh mua bán vàng miếng được tiếp tục kinh doanh mua bán vàng miếng nhưng phải hoàn tất thủ tục đăng ký kinh doanh lại với cơ quan đăng ký kinh doanh và hoàn tất thủ tục xin cấp giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng với NHNN.

Với các tổ chức đang hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ, lộ trình chuyển đổi là 12 tháng kể từ ngày nghị định có hiệu lực. NHNN chi nhánh tỉnh thành sẽ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.

Giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng, giấy phép xuất nhập khẩu vàng, cấp hạn ngạch nhập khẩu vàng nguyên liệu do Vụ Quản lý ngoại hối, NHNN thực hiện.

 

Theo Ánh Hồng – Lê Thanh
Tuổi Trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG