Phản cảm
Việc “giang hồ mạng” Phú Lê ăn mặc như vua chúa nhảy múa, hát hò trong chương trình trao quà Trung thu tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Làng Nhì (huyện Trạm Tấu, Yên Bái) khiến dư luận dậy sóng. Trong video lan truyền trên mạng xã hội, người đàn ông có biệt danh Phú Lê (Lê Văn Phú) xuất hiện trong bộ trang phục áo dài vàng có hoa văn, đầu đội mũ giống vua chúa nhà Thanh (Trung Quốc), say sưa ca hát trên sân khấu. Phía dưới là các em thiếu nhi mặc trang phục đồng bào dân tộc. Đại diện Ban giám hiệu nhà trường cũng xuất hiện trong màn biểu diễn của Phú Lê. Hình ảnh Phú Lê nhảy nhót phản cảm trong môi trường sư phạm khiến nhiều người bức xúc. Trước đó, người này cùng một nhóm tham gia hoạt động trao quà cho học sinh tại trường.
Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu Lê Chung Anh gửi công văn chỉ đạo Phòng GD&ĐT huyện, nhà trường báo cáo, giải trình về chương trình Trung thu này. Phòng GD&ĐT huyện Trạm Tấu cũng yêu cầu Trường Tiểu học và THCS Làng Nhì nghiêm túc rút kinh nghiệm, có ý kiến với đoàn thiện nguyện trao quà Trung thu để gỡ bài và không đăng tải lên các trang mạng xã hội những hình ảnh, clip đã được chụp và quay trong chương trình.
Nhân vật “giang hồ mạng” Phú Lê xuất hiện trong trang phục vua chúa nước ngoài |
Nhà nghiên cứu, TS Trần Hữu Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian ứng dụng, khẳng định, Phú Lê mặc trang phục giống hoàng đế Trung Quốc hoàn toàn không phù hợp với sự kiện trao tặng quà Trung thu cho trẻ em. Đây là biểu hiện của lòng tự tôn dân tộc thấp. “Lựa chọn trang phục là quyền cá nhân, tuy nhiên, hoạt động phát quà cho trẻ trong dịp Trung thu yêu cầu ăn mặc chỉn chu, lời ăn, tiếng nói theo đúng chuẩn mực. Việc mặc trang phục giống hoàng đế Trung Hoa có do ảnh hưởng của phim ảnh, văn hóa nước bạn, phần còn lại có thể xuất phát từ tư tưởng ban ơn, ban phước của người trao quà”, TS Sơn phân tích. Ông cho rằng cần xây dựng quy tắc, chuẩn mực chung đối với toàn xã hội để tránh những sai sót, lệch chuẩn không đáng có như vụ việc của Phú Lê.
Phú Lê là nhân vật nổi tiếng nhờ mạng xã hội, từng đóng phim Chạm mặt giang hồ, tham gia diễn xuất nghiệp dư với nhiều bài hát, phim ca nhạc khác nói về đề tài “xã hội đen” với nhiều cảnh quay bạo lực, phản cảm. Tháng 8/2020, Phú Lê bị Công an TP Hà Nội bắt giữ để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích, do có liên quan đến vụ hành hung hai người phụ nữ lớn tuổi xảy ra tại Hà Nội.
TS Nguyễn Tuấn Anh, Viện Nghiên cứu Thanh niên, cho rằng, hành động của Phú Lê làm ảnh hưởng xấu đến suy nghĩ, lối sống của học sinh. “Các bạn chưa đủ chín chắn, nhận thức để phân biệt những hành động phản cảm, trái ngược thuần phong mỹ tục. Khi tiếp xúc hình ảnh, lời nói mang tính chất lệch chuẩn của những người như Phú Lê, nếp nghĩ và hành vi của học sinh cũng bị ảnh hưởng”, TS Tuấn Anh nói.
Lệch lạc
Những năm gần đây, những “giang hồ mạng” như Phú Lê được một bộ phận giới trẻ tung hô như một dạng thần tượng kiểu mới. Nhiều sản phẩm phim ảnh trên mạng về đề tài “giang hồ” như Chạm mặt giang hồ, Bố già đường biên, Dòng máu giang hồ, Luật lệ giang hồ, Tỷ phú đè đại gia… hút cả chục triệu lượt xem.
Những nhân vật này sở hữu lượng người theo dõi “khủng”, như kênh của Phú Lê (2,2 triệu đăng ký, 171 triệu lượt xem), Ngân “trọc” (gần 200.000 lượt đăng ký, 22,6 triệu lượt xem)… Dựa vào sự nổi tiếng trên mạng, nhiều người thường xuyên livestream (phát trực tiếp) trên mạng xã hội để bán hàng online, thu hút hàng nghìn người xem, bình luận và đặt mua sản phẩm.
Khá Bảnh (trái), Huấn Hoa Hồng có nhiều video phản cảm |
Trước khi bị bắt, Khá Bảnh (Ngô Bá Khá) ngồi nhà livestream bán hàng cho các cửa hàng online. Kênh YouTube của Khá Bảnh kiếm từ vài trăm triệu đồng đến cả tỷ đồng/tháng, được tặng Nút vàng. Nhân vật này thường xuyên đăng tải video đập phá đồ đạc, dàn hàng trên đường phố gây ách tắc giao thông. Thông qua phim ảnh, video ca nhạc có lời lẽ phản cảm, bạo lực, các “giang hồ mạng” cũng tiêm nhiễm vào giới trẻ phát ngôn lệch lạc, xuyên tạc như cần cù thì bù siêng năng… (viết đúng cần cù bù thông minh).
Lý giải về văn hóa thần tượng lệch lạc, TS Tuấn Anh cho rằng, những đối tượng này đánh đúng vào tâm lý người trẻ - thích mới mẻ, giật gân, ưa thể hiện bản thân. Những sản phẩm họ tạo ra, câu chuyện họ đưa lên xoáy vào thị hiếu người trẻ thích “nổi máu anh hùng”, sống bất cần. Điều này đặc biệt nguy hiểm đối với công chúng ở lứa tuổi học sinh, sinh viên đang trong giai đoạn phát triển, muốn thể hiện với xã hội.
“Nhìn vào những giang hồ mạng, các em học sinh có thể nghĩ rằng trong xã hội có những người không cần học hành, tu dưỡng vẫn dễ dàng nổi tiếng nên học theo. Giang hồ mạng làm không ít bạn trẻ có quan niệm sai lệch về văn hóa thần tượng”, TS Tuấn Anh nêu. Ông cho biết, người trẻ, người dùng mạng xã hội cần tiếp cận, chia sẻ thông tin một cách có trách nhiệm. Gia đình, nhà trường có vai trò dạy con trẻ cách sử dụng mạng xã hội an toàn, hiệu quả, có sự chọn lọc thông tin. Người lớn góp phần quan trọng giúp trẻ em có tấm lá chắn bảo vệ, đề kháng trước những sản phẩm xấu.
Các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần tăng cường quản lý các sản phẩm đăng tải trên mạng xã hội và đưa ra chế tài xử phạt đủ sức răn đe. “Mức phạt 15-20 triệu đồng không đáng là bao so với số tiền mà các nhân vật này thu được từ quảng cáo, lượt xem trên mạng xã hội”, TS Tuấn Anh nhận định.