Không có thói quen “chào hàng”?
Để có bản dịch của một cuốn tiểu thuyết chừng dưới 400 trang, người ta phải bỏ ra bao nhiêu tiền? Một người am hiểu vấn đề cung cấp thông tin: Chừng 20.000 USD, tính theo tỷ giá hiện giờ, trên 400 triệu đồng. Vẫn nghe các dịch giả than công lao bèo bọt, tại sao giá dịch một cuốn tiểu thuyết có độ dày vừa phải lại mắc vậy? Câu trả lời đơn giản là: Bạn muốn có sản phẩm chất lượng ra sao? Lấy ví dụ, tập thơ “Những người đàn bà gánh nước sông” (Bản tiếng Anh The women carry water, do University of Massachusetts Press xuất bản năm 1997), được lọt vào vòng chung khảo những sách dịch hay nhất nước Mỹ năm 1998, do Nguyễn Quang Thiều tự dịch ra tiếng Anh, sau đó ông cùng một nhà thơ Mỹ làm “nhuận sắc” trên bản dịch này. Khi bài thơ “Những người đàn bà gánh nước sông” được đăng trên tạp chí văn học Nga và được bạn đọc bình chọn là bài thơ dịch hay nhất năm 2011, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên ngoài khen bài thơ còn nói: Một bài thơ được dịch ra nước ngoài để độc giả nước họ cảm được thơ và yêu thích nó thì cần cảm ơn công người dịch. Trường hợp bản dịch “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” ra tiếng Romania cũng tương tự. Tác giả bản dịch là Phạm Viết Đào, người từng có thời gian học tập tại Romania, người giúp đỡ và hoàn thiện bản dịch chính là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Romania tại Việt Nam (2000-2004), nhà văn Constantin Lupeanu, cũng chính là người đã dịch “Nhật ký trong tù” sang tiếng Romania. Nghĩa là, để có một bản dịch một tác phẩm văn học Việt “ra hồn” thường kinh qua 2 bước: Bước 1, một người Việt giỏi ngoại ngữ, am hiểu văn chương chuyển ngữ. Bước 2, một dịch giả “ngoại”, cũng phải am hiểu văn chương, văn hóa Việt, làm lại trên bản dịch của người Việt.
Cho nên băn khoăn của một số người: Có hay không chuyện nhà văn Việt chủ động “chào hàng” tác phẩm của mình ra nước ngoài? Chắc là không nhiều. Bởi muốn mang chào hàng, phải có sẵn bản dịch tốt. Mà muốn có bản dịch tốt phải có cơ may hoặc phải bỏ ra một số tiền không nhỏ.
Con đường tiểu ngạch
Có thể điểm một vài tên tuổi của văn chương Việt từng “có con xuất ngoại”: Hồ Anh Thái, Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp, Ý Nhi… Trong số đó, Bảo Ninh là cái tên đáng chú ý nhất. Một người trong giới nhận xét: “Hầu như 100 người nước ngoài quan tâm văn học Việt Nam thì 100 người ấy đều biết Bảo Ninh”. Con đường đưa văn chương xuất ngoại của Bảo Ninh, có lẽ cũng là điểm chung cho những nhà văn khác: Theo con đường “tiểu ngạch”, do được “người ta” để ý và tự tìm đến rồi làm tất cả các khâu: Tổ chức dịch thuật, in ấn, phát hành. Tất nhiên để được “để ý” thường là tác phẩm ấy cũng đã tạo ấn tượng nhất định ở trong nước. “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh từng là tác phẩm đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, tạo dư luận nhiều chiều. Truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp cũng đã làm nên “thương hiệu” của tác giả này…
Chính vì “xuất ngoại” chủ yếu qua con đường “tiểu ngạch” nên số phận văn chương Việt khi đã ra khỏi bờ cõi khá long đong. Dịch giả Lê Quang cho biết: “Hầu như không có, không thể tìm thấy ở một hiệu sách Đức nào có tác phẩm Việt Nam, trừ một số ít sách hướng dẫn du lịch và sách nấu ăn (không do người Việt Nam viết). Trên mạng thì dễ mua hơn, trong đó khoảng 10% tên tuổi nhà văn Việt Nam trong nước, 90% là nhà văn hải ngoại được dịch ra tiếng Đức”. Khi chúng tôi hỏi: “Văn học Việt có để lại chút ấn tượng nào với người Đức không?”, dịch giả Lê Quang thành thật: “Người đọc Đức, tất nhiên xét về số đông, không biết gì về văn học Việt Nam”. Anh nói thêm: “Họ không dịch nhiều từ tiếng Việt, trừ Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp, Đặng Thùy Trâm, mỗi người một tác phẩm, nhưng chủ yếu qua ngôn ngữ thứ ba nên chất lượng hạn chế. Hồi Đông Đức có lẻ tẻ Tô Hoài, Nam Cao, Tố Hữu, Nguyên Ngọc… nhưng chìm nghỉm”. Có nhiều lí do khiến văn chương Việt không được để ý tại Đức, trong đó có nguyên nhân thực tế: “Văn học Việt Nam chưa có tác phẩm nào đủ sức thuyết phục trong tiếng Đức. “Truyện Kiều” được người Đức dịch nghĩa chứ không phải văn vần – chưa nói dịch thơ, và nhận xét một cách nương nhẹ là thảm họa. Người Đức sau Thế Chiến II hoàn toàn tê liệt trước nỗi sợ chiến tranh, nên các tác phẩm về chiến tranh thường bị gạt ngay (“Nỗi buồn chiến tranh” họ dạm mua bản quyền, nhưng dịch xong bỏ, mất hai chục năm mới được vài người đọc, chủ yếu qua bản tiếng Anh. “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, theo tôi nhớ, cũng không dịch từ tiếng Đức nên khá nhiều lỗi”, dịch giả Lê Quang chia sẻ.
Hy vọng gì từ “tiếng hạc, tiếng đàn tiêu dao”?
Vậy, Hội Nhà văn Việt Nam đứng ở đâu trong công cuộc quảng bá văn chương Việt ra thế giới? Có hi vọng gì ở một số giải thưởng mang tầm khu vực mà Việt Nam tích cực tham gia, như giải thưởng Mê Kông, giải Asean? Một vị trong giới nói rõ ngọn ngành như sau: “Giải thưởng Asean là giải thưởng của Thái Lan, một giải mang tính ngoại giao để người Thái quảng cáo về hoàng tộc, về đất nước họ. Bởi đó là giải thưởng của hoàng tử, tác phẩm được trao giải không cần dịch, chỉ cần anh đề cử một người. Tức là mục đích của giải thưởng là muốn mọi người nhìn thấy rõ hơn giải thưởng của hoàng tộc, hoàng gia Thái. Nó không có ý nghĩa về mặt quảng bá hình ảnh văn học cho đất nước chúng ta. Còn giải Mê Kông để nói về tình hữu nghị. Mỗi nước đề cử 2 hoặc 3 giải cũng không cần dịch ra. Nước này không biết tác phẩm nước kia thì quảng bá văn học cái gì?”. Nhà văn xin giấu tên này cho biết thêm: “Hội nhà văn vẫn “xuất ngoại” tuyển tập nhiều tác giả, chứ ít giới thiệu một tác giả trọn vẹn”. Lý do ít giới thiệu một tác giả trọn vẹn được vị này giải thích: “Chúng ta chưa dám mạnh dạn. Cũng có thể là một miếng bánh còn phải chia nhiều phần. Giống như giải thưởng văn chương vậy, chúng ta đang đánh mất niềm tin của độc giả vì sự lựa chọn không công bằng, nó không dám vì một cuốn sách hay, một tác giả hay mà vẫn là “mặt trận” chia đều”.
Hội Nhà văn Việt Nam cũng có một Trung tâm dịch thuật, nhằm quảng bá văn chương Việt, song nhiều người phàn nàn trung tâm này hoạt động èo uột, do khó khăn về tài chính. Ngoài ra, Hội Nhà văn Việt Nam vài năm một lần có tổ chức một hội nghị quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài. Sắp tới, nghe nói sẽ tiếp tục diễn ra hội nghị quảng bá văn học Việt Nam lần thứ 4. Tại Hội nghị Quốc tế Quảng bá Văn học Việt lần thứ 3, năm 2015 với sự tham dự của 41 đoàn đại biểu quốc tế, người đứng đầu Hội Nhà văn Việt Nam phát biểu: Người Việt có nền văn học lâu đời, nhiều thành tựu nhưng lượng tác phẩm dịch ra nước ngoài quá thấp so với nhập vào. Ông bày tỏ mong muốn: “Chúng tôi không muốn là thị trường tiêu thụ văn hóa thế giới, mà muốn giao lưu bình đẳng, lành mạnh. Trong hướng đi đó, hội nghị này là một việc làm cụ thể”. Nhưng không ít người trong giới nhận định: Trống dong cờ mở thế thôi. Vẫn là hội nghị “ để đấy”. Một nhà thơ nói: “Các nhà văn nước ngoài chỉ nghe các nhà văn Việt Nam nói về một nền văn học của mình. Trong hội nghị, các tác giả cụ thể nào cần kêu gọi nước ngoài dịch thì lại không thấy nhắc đến, cứ chung chung vậy, để sau hội nghị, khách quốc tế quên ngay. Không có sứ mệnh nào được thực hiện”. Ngay từ năm 2010, Hội nghị quảng bá văn học Việt đã bị kêu: “5 ngày Hội nghị thì chỉ làm việc thực sự có 1 ngày rưỡi, 3 ngày rưỡi còn lại “vui là chính”, theo đúng tinh thần của câu Kiều: “Cầm đường ngày tháng thanh nhàn/Sớm khuya tiếng hạc tiếng đàn tiêu dao”.
Mang sách đặt vào tay “thượng đế” ngoại?
Có người nhìn sang văn học Hàn Quốc và so sánh: Nền văn học của ta có kém gì nền văn học của “đất nước củ sâm”? Nhưng vì sao hiện nay văn học Hàn hiện hữu nhiều hơn ở ta, trong khi văn học ta vẫn mờ mịt xứ người? Trong Hội thảo “Dịch thuật văn học Hàn Quốc tại Việt Nam” mới diễn ra đã lí giải vì sao những năm gần đây, văn học Hàn Quốc được dịch, xuất bản, giới thiệu tại Việt Nam ngày càng tăng lên về số lượng và chất lượng: Phần hỗ trợ quan trọng chính là từ chính phủ Hàn Quốc với quyết tâm thúc đẩy sự hiện diện của văn hóa và ngôn ngữ Hàn Quốc trên phạm vi châu Á và Thế giới. Một nhà văn kêu gọi: Đã đến lúc chúng ta cần có quỹ dịch thuật, phải có tiền để người ta dịch tác phẩm của mình, đừng trông chờ vào tiếng vang, người ta chỉ lướt qua Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp một cách nhọc nhằn, muốn người khác hiểu về Việt Nam phải mang sách đặt vào tay họ.
Ở Đức, dịch giả Lê Quang cho biết: “Văn học Đức xuất ngoại nhờ “hữu xạ tự nhiên hương”. Tuy nhiên, không phải không có sự kích cầu nào: Đức có truyền thống là các tập đoàn kinh tế lớn cho đến các quỹ chính trị, hội đoàn phi văn chương đều có một quỹ hỗ trợ văn hóa, trong đó văn học dịch cũng hưởng lợi. Họ hỗ trợ dịch tác phẩm Đức (chủ yếu là tác phẩm đương đại) ra tiếng nước ngoài bằng tiền mặt, học bổng, hội thảo cho dịch giả, mời nhà xuất bản đi hội chợ sách, trang trải đến 100% chi phí đi lại và lưu trú 1-3 tháng chỉ để qua Đức (cả Áo, Thụy Sĩ) ngồi ăn chơi và dịch cho họ một cuốn, tạo điều kiện cho dịch giả gặp gỡ tác giả online hay trực tiếp…”.
Tuy nhiên, Lê Quang không đồng tình khi ai đó nói văn chương Việt xuất ngoại khó khăn vì thiếu quĩ hỗ trợ: “Nói thế chả khác gì bảo nhà văn Việt Nam chưa được giải Nobel vì nhà lắm ruồi, chưa có điều kiện viết… hay”. Nhưng ông công nhận có quĩ hỗ trợ vẫn tốt hơn không có song không có bột thì khó gột nên hồ: “Dù sao vẫn cần quảng bá và hỗ trợ, nghĩa là cần tiền, rất nhiều tiền, vì văn chương và nghệ thuật nói chung là các khoản chi không bao giờ có lãi - mà vẫn phải làm. Phải có một quĩ thường xuyên với tầm nhìn vài thập kỷ, với chỉ tiêu dịch bao nhiêu mỗi năm, ra những ngôn ngữ chính nào, chứ không chỉ vài bữa lại làm một Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài, tốn tiền mời một loạt dịch giả không biết tiếng Việt đến đàm đạo qua quýt rồi đi xem vịnh Hạ Long”. Có người nói: Các nhà xuất bản ở ta cũng có trách nhiệm quảng bá văn chương Việt ra thế giới. Đúng là vậy, song hiện trạng ai cũng rõ, nhiều nhà xuất bản đang thoi thóp, họ lo tồn tại đã mệt, sức đâu quảng bá văn chương, trừ phi có đầu tư cụ thể, vấn đề “đầu tiên” được giải quyết.