Món nợ văn chương thời tạm chiếm

Cuốn sách của nhà văn Lê Văn Ba.
Cuốn sách của nhà văn Lê Văn Ba.
TP - Tư liệu về văn nghệ Hà Nội những năm 1947-1954, thời tạm chiếm, đến nay vẫn giống như một lỗ hổng. Cuốn hồi ức, biên khảo của nhà văn Lê Văn Ba là một nỗ lực trong việc “làm đầy” phần trống này.

Giáo sư Trần Hữu Tá từng viết: “Chúng ta mắc một “món nợ” lớn, đó là ghi nhận, đánh giá những hoạt động văn học nghệ thuật của văn nghệ sĩ Hà Nội thời kỳ bị tạm chiếm 1947-1954. “Món nợ” càng khó trả khi năm tháng càng lùi xa, tài liệu ngày càng mai một và nhân chứng lịch sử ngày càng thưa vắng”.

Món nợ văn chương thời tạm chiếm ảnh 1 Cuốn sách của nhà văn Lê Văn Ba.

Một nhà nghiên cứu văn học cho rằng: “Đây là một khoảng mờ tối, trống vắng xuất phát từ định kiến chính trị của một giai đoạn lịch sử nên đã bỏ đi một giai đoạn văn chương ngặt nghèo và quả cảm của Hà Nội”.

Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật kết luận: “Chúng ta không chỉ nợ văn chương mà còn nợ một sự chiêu tuyết đối với cả một phong trào, một đội ngũ”.

Văn nghệ Hà Nội thời tạm chiếm có thể chia làm hai phần: Văn nghệ công khai, hợp pháp và Văn nghệ chống đối, bí mật. Hai bộ phận này rất khác nhau nhưng lại thống nhất nội dung, kết hợp, gắn bó chặt chẽ với nhau tạo thành một tổng thể.

Còn một mảng độc đáo góp phần làm nên diện mạo văn nghệ Hà Nội tạm chiếm là dòng văn học nhà tù trại giam. Trong những năm tạm chiếm, Hà Nội có tới 20 nhà tù (chính thức có Hỏa Lò, Nhà Tiền, Thanh Liệt… được đánh số từ 1-13, chưa kể những “nhà tù lẻ”). Những tác phẩm độc đáo này theo những người tù (hết thời hạn giam giữ) tỏa đi khắp nơi.

Một đoạn hồi ức về báo Tiền Phong khá thú vị: những ngày tháng đầu năm 1954, Thạch Anh (Lê Văn Ba) đôn đáo háo hức làm số báo Tiền Phong  đặc biệt chào mừng ngày giải phóng Thủ đô. Nhà tư sản Lê Cường đồng ý cho các anh lấy hẳn kíp thợ in các trang ruột trong một đêm. Bìa bốn màu in ở một cơ sở khác, lồng ghép tại nhiều hiệu sách, cửa hàng văn phòng phẩm khác để rồi từ đây lực lượng phát hành đưa đi khắp nơi.

Văn nghệ sĩ Hà Nội thời tạm chiếm đều nghèo, cuộc sống rất khó khăn. Giá gạo lúc này là 300 đồng/tạ, Nguyễn Bắc, Hoài Việt, Hoàng Công Khanh đều sống bằng nghề dạy thêm, thu nhập mỗi tháng 300-600 đồng.

Để bớt chật vật, các nhà văn thường kiêm luôn chủ nhà xuất bản, chủ hiệu sách (vợ đứng tên môn bài) kiêm tổng phát hành. Ngọc Giao, Giang Quân, Phạm Cao Củng… đều “đa tài” như thế.

Khó khăn như vậy, bị kiểm duyệt khắp nơi, nhưng gia tài văn chương thời tạm chiếm đến nay, số “lộ ra ánh sáng” đều đã khẳng định được giá trị của mình. “Miếng ngon Hà Nội” của Vũ Bằng tái bản đến hai chục lần. Truyện ngắn “Tiếng khóc” của Băng Hồ được tuyển vào chương trình giảng dạy trung học phổ thông. Ca khúc “Hướng về Hà Nội” (Hoàng Dương) vang khắp trong các chương trình văn nghệ lớn nhỏ trong và ngoài nước...

Cuốn “Văn nghệ Hà Nội những năm 1947-1954” còn có một phần phụ lục quý báu, trong đó tác giả sưu tầm, giới thiệu truyện ngắn hay nhất, thiên phóng sự đặc sắc nhất, bức tranh đẹp nhất, bài hát hay nhất, và cả những bức ảnh lịch sử đặc biệt của thời kỳ này.

Tác giả Lê Văn Ba tên thật là Trần Khắc Cần, sinh năm 1934, đã sống, viết trong giai đoạn lịch sử này từng là phóng viên báo Tiền Phong.

MỚI - NÓNG