Tác phẩm giành giải tri ân 27/7: Xôm tụ và lăn tăn

Trao giải cuộc thi.
Trao giải cuộc thi.
TP - Lễ trao giải thưởng cho 42 tác phẩm tham gia “Cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật về đề tài thương binh liệt sĩ và người có công nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh liệt sĩ vừa diễn ra, đã lại ì xèo.

Lễ trao giải thưởng cho 42 tác phẩm tham gia “Cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật về đề tài thương binh liệt sĩ và người có công nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2017)”  do Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức, vừa diễn ra, đã lại ì xèo. Một số thắc mắc: Cuộc vận động sáng tác tại sao lại trao giải cho một tác giả có công… biên soạn? Tác phẩm của người đã khuất vẫn dự thi và giành giải, liệu đã “đúng qui trình”?... 

Một điều cũng khiến người ta thoáng băn khoăn: Chẳng biết cuộc vận động sáng tác về đề tài thương binh liệt sĩ - người có công lôi kéo được bao nhiêu cây bút trẻ tham gia? Bởi cuối cùng nghe đâu cũng chỉ một tác giả sinh năm 1980 “ẵm” giải thưởng về thơ. Như quan niệm nhà văn Bảo Ninh, không nên phân biệt cây bút già, cây bút trẻ, cốt yếu chỉ là vấn đề hay hoặc không hay. Song với đề tài thương binh liệt sĩ, người ta vẫn mong muốn được biết người trẻ nghĩ gì về những hi sinh, mất mát của thế hệ đi trước? Muốn biết họ sẽ tri ân ra sao với quá khứ đau thương và hào hùng của dân tộc?

Cuộc vận động sáng tác về đề tài thương binh, liệt sĩ chỉ diễn ra vỏn vẹn 6 tháng. Nhà văn Phạm Hoa thừa nhận: “Quá ngắn”. Cuộc thi được chính thức phát động từ đầu tháng 2/2017 đến chiều 17/7/2017 đã tổng kết và trao giải thưởng. Theo nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, tuy thời gian ngắn nhưng đã thu hút được trên 800 tác phẩm gửi về, chứng tỏ “đề tài đền ơn đáp nghĩa luôn thường trực trong các nhà văn”. Sẽ có người đặt câu hỏi: Tại sao 6 tháng ngắn ngủi các tác giả lại kịp sinh sôi nảy nở “đàn con” khổng lồ đến vậy?  Đáp án là: 800 “đứa con” ấy đã được ra đời rải rác trong biên độ thời gian 70 năm,  từ năm 1947 đến năm 2017. 

Đội chiếc mũ “cuộc vận động sáng tác” song sáng tác mới toe trong 6 tháng đầu năm 2017 chắc chắn không nhiều. Ai xoay xỏa kịp, nhất là các cây bút chuyên dòng tiểu thuyết? Cho nên, nhà văn Phạm Hoa mới thổ lộ: Ông từng nói với Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam nên chăng đưa cả “Dáng đứng Việt Nam” tham dự giải. Đó không phải ý tưởng tồi,  vì “Dáng đứng Việt Nam” của Lê Anh Xuân lấy thực tế từ cuộc tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân của quân và dân miền nam, tức là thời gian sáng tác nằm trong khoảng thời gian cho phép của cuộc vận động, từ 1947-2017. Vậy có cần thiết lấy tên “Cuộc vận động sáng tác”? Sao không gọi đúng bản chất vấn đề: Giải thưởng văn học nghệ thuật về đề tài thương binh liệt sỹ, người có công (1947-2017)?  Đã gọi là “ cuộc vận động sáng tác” thì “người đã khuất” làm sao sống dậy tham gia được?

Tác phẩm giành giải tri ân 27/7: Xôm tụ và lăn tăn ảnh 1 Tập thơ có 6 tác phẩm đã đoạt giải văn chương chuyên ngành.

Giấy ủy quyền, có hay không?

Còn nhớ hành trình gian truân đến với giải thưởng Hồ Chí Minh của cố nhà thơ Thu Bồn. Gian truân ấy xuất phát từ tấm giấy ủy quyền, khi Thu Bồn đã khuất. Trở lại câu chuyện “vận động sáng tác” về đề tài thương binh liệt sĩ, ở mảng văn xuôi, tác giả Triệu Bôn “ẵm” giải nhì với tác phẩm: “Nhật ký đi B”.

Trao đổi với phu nhân cố tác giả Triệu Bôn, nhà thơ Hoàng Việt Hằng trải lòng: Giải thưởng đáng bao nhiêu đâu, vài triệu đồng. Xưa nay Hoàng Việt Hằng cũng không màng vật chất đến từ “gia tài văn học” Triệu Bôn, Giải thưởng Nhà nước của ông cũng được bà mang chia hết. Bà Hoàng Việt Hằng khẳng định, tham dự cuộc vận động không phải vì giải thưởng mà vì “Nhật ký đi B” là một tác phẩm giá trị, thấm hi sinh của người đã khuất. Tất nhiên, chẳng ai nỡ trách Hoàng Việt Hằng, bởi tình yêu của bà dành cho chồng, cũng như những “đứa con tinh thần” do người ấy sinh ra.

Nhưng khi vấn đề quyền tác giả ngày càng được đặt ra gay gắt trên nhiều lĩnh vực văn nghệ thì việc người khác thắc mắc về tấm giấy ủy quyền trong trường hợp của cố nhà văn Triệu Bôn cũng không có gì lạ. Người ta cũng có quyền lập luận: Chắc gì Triệu Bôn đã thích công khai “Nhật ký”? Nếu có ý muốn công bố, tại sao khi còn sống ông không làm hoặc để lại ủy quyền cho những người ở lại? Còn nếu ông không thích công khai thì ý tốt của người thân, sự ghi nhận của ban giám khảo chẳng phải đã khiến ông phiền lòng hay sao?

“Mãi mãi tuổi 20” vinh danh ai?

Nếu chỉ nhắc đến “Mãi mãi tuổi 20” thì ai cũng biết đây là cuốn nhật ký thời chiến Việt Nam, của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc. Cuốn sách này được NXB Thanh Niên phát hành năm 2005, nhanh chóng trở thành hiện tượng trong đời sống chính trị, xã hội của năm, được tái bản nhiều lần với số lượng kỷ lục. Không phải nghi ngờ gì về giá trị “Mãi mãi tuổi 20” mang lại.

Trong cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật về đề tài thương binh liệt sĩ và người có công, “Mãi mãi tuổi 20” đã giành giải tôn vinh. Người được tôn vinh chính là Đặng Vương Hưng. Đành rằng Đặng Vương Hưng có công biên soạn cuốn sách này và giới thiệu đến bạn đọc nhưng ở giải vận động sáng tác bỗng dưng lọt vào gương mặt không liên quan sáng tác cũng là điều lạ. Những người “cầm cân nảy mực” nói gì?

Nhà văn Phạm Hoa bày tỏ quan điểm: “Đây là giải thưởng cho những người có công với đề tài, không thể không có Đặng Vương Hưng được”. Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam lí giải, nguyên văn như sau: “Đây là cuộc vận động sáng tác nhưng không chỉ có mảng sáng tác mà trong đó có cả phần biên soạn nữa. “Mãi mãi tuổi 20” là cụm tác phẩm, công của Đặng Vương Hưng rất lớn trong việc sưu tầm những bức thư thời chiến trong đó có nhiều tư liệu cực kỳ hay”. Nhà thơ Đặng Vương Hưng cũng khẳng định giải thưởng tôn vinh “Mãi mãi tuổi 20” là tôn vinh cụm công trình, chính xác là “Tủ sách Mãi mãi tuổi 20”.  “Tủ sách Mãi mãi tuổi 20” gây tiếng vang ra sao, có lẽ nhiều người còn nhớ. Nhưng “cuộc vận động sáng tác” lại  tôn vinh người biên soạn?

Liệu đã đến lúc mở riêng một cuộc thi chỉ để tôn vinh những người có công đưa tác phẩm có giá trị ra ngoài ánh sáng?

Tác phẩm giành giải tri ân 27/7: Xôm tụ và lăn tăn ảnh 2 Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Không trao giải cho các tác phẩm đã được “giải trung ương”.

Không chấp “giải chuyên ngành”

Ở mảng thơ ca, cuộc vận động lần này không tìm ra giải nhất, chỉ có giải nhì, một trong hai cái tên được xướng lên chính là nhà thơ Nguyễn Hữu Quý với tác phẩm “Những hồi chuông màu đỏ”. Tập sách gồm 28 bài thơ và hai trường ca. Nhưng khi giải thưởng vừa được công bố, một số người trong nghề đã kịp làm thống kê trong “Những hồi chuông màu đỏ” có nhiều bài thơ đã giành giải thưởng văn chương ở các cuộc thi khác nhau: “Bông huệ trắng” (Tặng thưởng thơ hay nhất Văn nghệ quân đội 1995); “Khát vọng Trường Sơn” (Giải nhì, không có giải nhất cuộc thi thơ Văn nghệ quân đội 1996); “Cơn mưa rừng chiều nay” (Giải nhì, không có giải nhất cuộc thi thơ Tạp chí Cửa Việt năm 1997); “Có một Hà Nội ở Trường Sơn” (Giải ba cuộc thi thơ báo Người Hà Nội 2005-2006); Trường ca “Sinh ở cuối dòng sông” (Giải thưởng Văn học Bộ quốc phòng 1999-2004).

Đặt câu hỏi với Phó Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam: “Phải chăng lựa chọn một cuốn sách tập hợp nhiều giải thưởng trong một, là giải pháp an toàn của ban giám khảo?”. Nhà thơ Trần Đăng Khoa khẳng định: Không phải. Ông cẩn thận giải thích: “Có một tiêu chí là không trao giải cho những tác phẩm đã giành giải trung ương: Giải thưởng Nhà nước, Giải Hồ Chí Minh, Giải của Hội nhà văn. Chứ còn rất nhiều người viết về liệt sĩ, viết về thương binh cực kỳ hay luôn. Ngay như bản thân tôi có đến hàng chục tác phẩm ấy chứ, mà hiệu quả lắm, in đi in lại. Nhiều tác giả khác cũng thế, Hữu Thỉnh có “Phan Thiết có anh tôi”… Nhiều lắm. Nhưng những tác phẩm nào đã được trao giải Nhà nước, giải Hồ Chí Minh, giải Hội nhà văn thì không trao nữa”.

Thế nên đương nhiên trường hợp Nguyễn Hữu Quý được giải là hợp lí: “Giải Nguyễn Hữu Quý là giải chuyên ngành. Giải của tạp chí Văn nghệ Quân đội, tạp chí Cửa Việt… đều là giải chuyên ngành. Tập thơ của Quý có 30 tác phẩm, chỉ có 6 tác phẩm được giải (chuyên ngành-pv) thôi, 6/24 thì tác phẩm chưa đoạt giải vẫn còn nhiều hơn. Trong đó có rất nhiều tác phẩm anh ấy viết rất cảm động về các liệt sĩ, thí dụ “Những hồi chuông màu đỏ”, “Tấm vé tàu Thống Nhất dành cho cha”… Chính vì thế những tác phẩm ấy hoàn toàn xứng đáng để trao giải này, mặc dù không có giải nhất, nghĩa là nó chưa phải tác phẩm như mình mong đợi nhưng vẫn là tác phẩm khá”. Nhà thơ Trần Đăng Khoa còn cho biết thêm: Ở giải thơ, có những tác giả nổi tiếng như Vương Trọng cũng chỉ được trao giải ba, mặc dù ở ngoài đời, tác phẩm “Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc” của Vương Trọng còn được khắc vào bia đá ở nghĩa trang Đồng Lộc.

Đến đây, lại nảy sinh thêm thắc mắc: Nên xếp loại thế nào cho giải thưởng từ cuộc vận động sáng tác về đề tài thương binh liệt sĩ, người có công do Hội nhà văn Việt Nam kết hợp với Bộ Lao động Thương binh & Xã hội tổ chức? Giải mang tầm trung ương hay chỉ là… giải chuyên ngành? Nếu là giải chuyên ngành thì những tác giả đoạt giải còn có cơ hội đưa “những đứa con” của mình đi thi tiếp, giống như các mỹ nhân có bề dày lăn lộn ở đấu trường sắc đẹp vậy?

Nghệ thuật và đậm đặc

Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý, tác giả “Những hồi chuông màu đỏ” bức xúc: “Quyển sách này chưa hề được một tổ chức nào trao giải. Cho dù đây là một tập sách có chất lượng, tôi là tác giả, tôi tự nhận thế. Một tập sách viết tâm huyết về đề tài thương binh, liệt sĩ. Hiếm có tác phẩm nào sau chiến tranh viết về thương binh, liệt sĩ lại nghệ thuật và đậm đặc thế. Cho nên ban giám khảo căn cứ vào đó để trao giải thưởng cho tập sách, chứ không trao cho tác phẩm lẻ nào”. Trao đổi ngoài lề, Nguyễn Hữu Quý phàn nàn: “Ở đời thiếu gì kẻ ghen ăn, tức ở. Có nhiều nhà văn viết rất kém nhưng chuyên soi mói những chuyện rất dở, đâm chọc vào những giải thưởng”. 

MỚI - NÓNG
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
TPO - Chiều 4/11, Cục Tổ chức cán bộ, Bộ Công an đã công bố quyết định điều động, bổ nhiệm Đại tá Đinh Việt Dũng, Phó Cục trưởng Cục An ninh nội địa, Bộ Công an làm Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình, kể từ ngày 6/11.