Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, Việt Nam sẽ có khoảng 100 triệu liều vắc-xin phòng COVID-19. Đây là tín hiệu đáng mừng. Theo ông, chúng ta có thể nới lỏng các biện pháp phòng dịch không?
Theo tính toán, để phòng bệnh cho một cộng đồng thì cộng đồng đó phải đạt được miễn dịch khoảng 60-70% dân số trở lên. Như vậy, chúng ta phải có ít nhất 60-70% dân số được tiêm vắc-xin ngừa COVID-19. Như vậy, Việt Nam cần từ 100-150 triệu liều vắc-xin phòng COVID-19. Trong khi việc tiêm vắc-xin chưa hẳn đã có miễn dịch ngay sau khi tiêm, kháng thể chống virus tồn tại trong cơ thể con người là bao lâu, một số vắc-xin mới đánh giá được tác dụng giảm triệu chứng nặng của bệnh, chưa xác định được chính xác hiệu quả của việc giảm sự lây truyền bệnh ở mức nào hoặc đề phòng sự biến thể của virus không có tác dụng với vắc-xin vừa được tiêm.
Do vậy, chúng ta vẫn phải áp dụng biện pháp phòng bệnh có hiệu quả như thực hiện nguyên tắc 5K. Một minh chứng cụ thể là Israel đã tiêm vắc-xin được 50% dân số, nhưng chính phủ vẫn khuyến cáo người dân đeo khẩu trang, khử khuẩn...
Chúng ta có thể trông chờ vắc-xin từ những nguồn nào, theo ông?
Theo tôi được biết, hiện nay, ngoài vắc-xin AstraZeneca, Việt Nam có thể đàm phán để có được vắc-xin khác như của hãng Pfizer, Moderna, Sputnik V và Việt Nam cũng đang sản xuất vắc-xin Nano Covax, Covivac... Chúng ta mong muốn có đủ vắc-xin tiêm cho người dân Việt Nam trên cơ sở có các loại vắc-xin khác nhau. Tất nhiên, vắc-xin phải đạt hiệu quả phòng bệnh và an toàn.
Ông nhìn nhận thế nào về AstraZeneca?
Đối với vắc-xin COVID-19 mà Việt Nam nhập khẩu của hãng AstraZeneca sáng 24/2 thì hiệu quả bảo vệ khoảng 60-70% và thực tế hiện nay người ta cũng chưa biết miễn dịch kéo dài được bao lâu. Nhưng theo tôi, với việc đáp ứng miễn dịch như vậy, việc bảo quản vắc-xin này không đòi hỏi ở nhiệt độ âm 70 độ C (chỉ cần ở nhiệt độ 2-8 độ C) cũng như giá thành thấp là phù hợp với Việt Nam.
Theo ông, việc Tổ chức Y tế Thế giới cho phép lưu hành khẩn cấp vắc-xin mới có gì lợi và hại?
Thông thường, 1 vắc-xin từ khi nghiên cứu đến khi thành phẩm là cả quá trình lâu dài và phức tạp, ít nhất 4-5 năm. Sau đó, khi nhập sang các nước khác phải có thử nghiệm lâm sàng bài bản. Tuy nhiên, chỉ trong một năm, thế giới đã cho ra đời vắc-xin ngừa COVID-19. Cùng với đó, Việt Nam cũng đang gấp rút thử nghiệm, sản xuất vắc-xin này trong thời gian ngắn hơn nhiều so với tiền lệ. Đây là điều chưa từng xảy ra trên thế giới. Tuy nhiên, nhanh không có nghĩa là không đảm bảo an toàn. Tất cả các vắc-xin đang lưu hành đã được cho phép của Tổ chức Y tế Thế giới. Tại Việt Nam, việc nhập khẩu khẩn cấp vắc-xin đã được quy định trong luật pháp. Điều này đem lại lợi ích là phục vụ chống dịch.
Tuy nhiên, chính vì thời gian ngắn, gấp rút nên những nghiên cứu chưa được đầy đủ như cho thấy giảm tỷ lệ nặng, giảm tử vong nhưng có giảm được lây nhiễm ở mức độ nào, kháng thể tồn tại trong cơ thể người được tiêm trong bao lâu thì cũng chưa thật rõ ràng. Kể cả các đối tượng cũng chưa đánh giá được hết như đối tượng trên 65 tuổi, người dưới 18 tuổi hoặc một số đối tượng đặc thù… Thực tế cần đánh giá thực địa nhưng do làm khẩn cấp nên không đảm bảo được các dữ liệu này.
Ông kỳ vọng thế nào về vắc-xin do Việt Nam sản xuất?
Việt Nam hiện có 4 đơn vị trong nước, gồm Nanogen, IVAC, Vabiotech và Polyvac đang nghiên cứu, thử nghiệm vắc-xin ngừa COVID-19. Nanogen bước vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng 2. Báo cáo cho thấy vắc-xin này an toàn và hiệu quả. Ngoài ra, hai loại vắc-xin COVID-19 khác cũng chuẩn bị vào thử giai đoạn lâm sàng đầu tiên sau khi thử nghiệm trên động vật cho hiệu quả tốt. Trong đó, vắc-xin Covivac của IVAC có kinh nghiệm và đã áp dụng công nghệ sản xuất vắc-xin cúm. Tôi hy vọng, với sự chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Y tế, dù khẩn cấp, Việt Nam vẫn cho ra đời vắc-xin tự nghiên cứu, sản xuất đảm bảo tiêu chí an toàn và hiệu quả. Tôi cho rằng, chúng ta sẽ đảm bảo an ninh vắc-xin với giá thành hợp lý. Dự kiến cuối năm 2021, đầu 2022, chúng ta có vắc-xin “Made in Việt Nam”.
Tiêm vắc-xin có đảm bảo sẽ không nhiễm SARS-CoV-2 hay không?
Trên thế giới, vấn đề này hiện chưa được làm rõ. Thực tế qua việc tiêm vắc-xin COVID-19 trên thế giới cho thấy có sự giảm triệu chứng khi mắc bệnh rõ rệt, giảm hẳn nguy cơ tử vong. Việc giảm nguy cơ lây bệnh, kháng thể có thể tồn tại trong cơ thể bao lâu thì vẫn chưa có kết luận rõ ràng, điều này còn tùy vào loại vắc-xin. Chưa kể đến nay, các báo cáo của các hãng sản xuất vắc-xin cũng khác nhau. Bởi các vắc-xin đều được sản xuất dưới dạng khẩn cấp nên chưa có đủ thời gian để thử nghiệm và thẩm định kỹ càng. Tuy nhiên, về cơ bản, các báo cáo vẫn cho thấy vắc-xin ngừa COVID-19 có tác dụng nên chúng vẫn được tiêm.
Cảm ơn ông.
Sẽ tiếp nhận 60 triệu liều
Chiều 10/3, Tổ công tác liên bộ gồm đại diện lãnh đạo các Bộ Y tế, Tài chính, KH&ĐT, Ngoại giao, Công an họp thảo luận về việc tiếp nhận 60 triệu liều vắc-xin phòng COVID-19. Số vắc-xin này gồm 30 triệu liều mà Công ty Cổ phần Vắc-xin Việt Nam (VNVC) đặt mua của AstraZeneca để cung ứng cho Việt Nam và 30 triệu liều từ COVAX Facility.
Tổ công tác liên bộ thống nhất trình Thủ tướng xem xét và quyết định tiếp nhận toàn bộ 30 triệu liều VNVC đặt mua theo nguyên tắc phi lợi nhuận, giá chuyển nhượng ngang bằng với giá mà VNVC mua của AstraZeneca cùng các chi phí khác như thuế VAT, bảo hiểm, vận chuyển, tiếp nhận, bảo quản… Toàn bộ chi phí đã phát sinh trước thời điểm chuyển giao do VNVC tự chi trả. Đối với 30 triệu liều do COVAX Facility, theo thông báo của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc, ngày 25/3, lô vắc-xin đầu tiên với 1,37 triệu liều của AstraZeneca sẽ về đến Việt Nam.