'Vạ miệng'

'Vạ miệng'
TP - Lẽ thường mỗi lần họp Quốc hội người dân luôn trông đợi vào buổi đăng đàn trả lời chất vấn của các vị bộ trưởng. Dễ hiểu, bởi bao nhiêu bức xúc bấy lâu được trút ra và nhận lại là những chia sẻ, những cam kết đầy trách nhiệm và đôi khi chỉ là những lời hứa.

Bài học của cuộc sống thì muôn hình vạn trạng, đòi hỏi các bộ trưởng không chỉ nghiền ngẫm “thuộc bài” mà còn phải biết cách “trả bài”. Với nhiều bộ trưởng lâu nay luôn đứng ở vai “giám khảo” đầy quyền lực, nhưng khi đến diễn đàn Quốc hội họ chỉ là “thí sinh”. Ban Giám khảo trực tiếp là gần 500 vị ĐBQH và có đến hàng triệu giám thị - cử tri! Run! Chuyện thường. Lịch sử các phiên chất vấn gần đây chứng kiến có vị bộ trưởng khi bị truy quá về dịch tả đã đổ vấy tại... “mắm tôm”. Đang ở thế mắm môi mắm lợi, nhiều ĐBQH đã bật cười. Không khí thay đổi. Hay có vị bộ trưởng, sau khi trả bài làu làu, đến đoạn phải trích dẫn số liệu bỗng đứng ngây. “Xin lỗi, tôi quên không mang theo tài liệu”- một sự hồn nhiên khiến ai nấy đều bấm bụng…Nhưng suy cho cùng, bộ trưởng cũng là con người bằng da, bằng thịt.

Tại phiên chất vấn vừa qua, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng khi nêu thực trạng công tác phòng chống hàng lậu, hàng giả đã viện dẫn khó khăn thiếu trang thiết bị, nên nhiều nơi khi xác định phân bón, cán bộ Quản lý thị trường khi kiểm tra phải thử bằng miệng. Nghe thông tin này dù quặn lòng, nhưng nhiều ĐBQH khó có thể thông cảm. Cách “trả bài” như Bộ trưởng Hoàng lộ một điều ông chưa hẳn đã “thuộc bài”! Theo quy định, Bộ Công Thương quản lý thị trường phân bón vô cơ, Bộ Nông nghiệp và PTNT quản lý thị trường phân hữu cơ. Với kiến thức tối thiểu, ai cũng hiểu phân bón vô cơ là đạm, là kali, là phân lân, là đất đèn là các loại phân kích thích tăng trưởng hoa màu, tóm lại chúng là các loại phân bón hóa học. Vậy ai đó có thể dùng miệng để “kiểm tra”? Và không ngạc nhiên, khi ĐBQH Nguyễn Thị Khá truy tiếp “vậy với thuốc trừ sâu thì sao”?

Không chỉ Bộ Công Thương mà nhiều bộ, ngành địa phương cũng gặp phải tình trạng khó khăn về trang thiết bị để kiểm định các sản phẩm, dịch vụ chuyên ngành. Ví như Bộ Y tế gặp khó khi kiểm định dịch bệnh, virus, vi khuẩn, thuốc chữa bệnh, thịt thối, thịt bẩn; Bộ Xây dựng trong kiểm định chất lượng sắt thép, xi măng, sơn, kính; Bộ Công an với ma túy, chất gây nghiện… Và chắc rằng các vị đứng đầu các ngành này không thể biện minh vì khó khăn nên công chức của mình phải dùng miệng kiểm định sản phẩm.

Như đã đề cập ở trên, chốn quan trường không thể là nơi nói cho qua chuyện. Tầm chính khách lại càng cẩn trọng khi phát ngôn. Việc nhầm lẫn, sai sót là điều khó tránh khỏi. Nhưng điều đáng trân trọng hơn cả là biết nhầm, biết sai để sửa. Câu nói “lỡ lời” của Bộ trưởng Công Thương mà cử tri xôn xao có thể coi là “vạ miệng” chăng?.

MỚI - NÓNG