'Lạm phát' cấp phó: Lãng phí chẳng kém tham nhũng?

TP - TS Ngô Thành Can, Phó trưởng khoa Tổ chức và Quản lý nhân sự (Học viện Hành chính Quốc gia), lý giải về tình trạng “lạm phát” cấp phó hiện nay, đồng thời đề xuất giải pháp.
'Lạm phát' cấp phó: Lãng phí chẳng kém tham nhũng? ảnh 1

TS Ngô Thành Can.

TS Ngô Thành Can cho rằng, nếu lực lượng cán bộ lãnh đạo cấp phó tương xứng với chất lượng phục vụ người dân và trình độ phát triển của địa phương, ngành thì còn có thể lý giải. Cho nên, việc phải chi nhiều tiền để nuôi một bộ máy làm việc kém hiệu quả rõ ràng là một lãng phí lớn, thậm chí lãng phí nghiêm trọng chẳng kém gì tham nhũng, ông Can nói.

Ông đánh giá thế nào về tình trạng “lạm phát” cấp phó diễn ra trong nhiều năm, nhưng chưa xử lý được?

Khi nói đến số lượng biên chế, đặc biệt sử dụng hữu ích những người giữ chức lãnh đạo, thông thường, các đơn vị, các ngành đều có quy định cụ thể. Chẳng hạn, Nghị định 36 của Thủ tướng Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cơ cấu của các bộ nói chung, trong đó có quy định bộ có bộ trưởng và các thứ trưởng không quá 4 thứ trưởng.

Ở các cơ quan, đơn vị cũng có quy định hướng dẫn như việc chỉ 1 trưởng, 2 phó chẳng hạn... Thế nhưng, thực tế một số cơ quan có quá nhiều cấp phó. Trước đây có bộ có đến 8 hay 9 thứ trưởng, bây giờ cũng có 5 đến 6 người. Nhiều nơi cấp phó rất nhiều, nên người ta mới đặt ra vấn đề “lạm phát” cấp phó là vậy.

Việc có nhiều cấp phó đôi khi khó điều hành, dù có những vấn đề phải phân vai, nhưng vẫn có sự chồng chéo nhất định. Đặc biệt là tạo nên sự lãng phí khi không sử dụng hết năng lực cấp phó và thực tế công việc có cần thiết phải cần nhiều thế không? Đây là câu hỏi cũng cần phải làm rõ, bởi đã quy định rõ số lượng thì tại sao lại thêm nhiều thế?

Khi nói vấn đề này, nhiều nơi người ta biện minh cho việc mỗi một mảng có 1-2 người phụ trách thì tốt hơn. Có những đơn vị thì bảo là cấp phó nhưng kiêm trưởng phòng phụ trách gì đó nhỏ hơn. Cuối cùng, nó cũng cho chúng ta thấy cách bố trí công việc, người ta đưa lên cấp lãnh đạo là để tập trung đầu mối, chứ không phải phân chia đầu mối.

Nhiều ý kiến cho rằng, phải làm rõ việc bổ nhiệm nhiều cấp phó, chứ không thể cứ đưa nhau lên để hưởng cái nọ cái kia. Có nhiều ông cấp phó nói vui “tôi thì đi cắt băng khánh thành hay đọc phát biểu, chứ làm gì đâu”.

Ông có đề xuất gì?

Chúng ta phải ban hành văn bản hạn chế ngay tình trạng nhiều cấp phó. Chẳng hạn, cần thống nhất một đầu mối quản lý từ Trung ương xuống địa phương. Khi đã thống nhất đầu mối quản lý, cần rà soát, xem xét lại toàn bộ các quy định về tổ chức và quản lý đội ngũ cán bộ, công chức các cấp. Xây dựng một cơ cấu mới, hệ thống vị trí công việc mới, trên cơ sở mô tả công việc cụ thể, chi tiết, hiệu quả. Để hạn chế việc này, cấp trên phải làm gương, không có ngoại lệ để cấp dưới bắt chước.

MỚI - NÓNG