Đề xuất quân đội có 3 đại tướng
Theo dự thảo luật sửa đổi, Tổng Tham mưu trưởng và Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị có trần quân hàm Đại tướng, bằng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Như vậy, quân đội sẽ có tối đa 3 vị trí được phong cấp hàm đại tướng. Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ QH do Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH Nguyễn Kim Khoa trình bày nhất trí với đề xuất nêu trên, vì Tổng Tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị là người đứng đầu cơ quan chỉ huy, lãnh đạo Quân đội nhân dân Việt Nam, có vai trò, vị trí rất quan trọng được quy định trong Hiến pháp, do Chủ tịch nước bổ nhiệm.
Quy định này cũng phù hợp với tổ chức của Quân đội nhân dân Việt Nam hiện hành. Đối với TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh do đều có vị trí chính trị, quốc phòng, an ninh rất quan trọng, Ủy ban Thường vụ QH đề nghị quy định trần quân hàm đối với Tư lệnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và Tư lệnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh TP HCM có trần quân hàm cao nhất là Trung tướng. Chỉ huy trưởng, Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự các tỉnh, thành phố khác là Đại tá.
Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn cho biết, theo dự thảo, tổng số cấp tướng không giảm mà tiếp tục tăng một số trần quân hàm cấp tướng và nâng quân hàm ở một số cấp tướng cao hơn. “Mong muốn giảm số lượng tướng xuống nhưng đề nghị lại tiếp tục tăng lên. Tuy nhiên, Bộ Chính trị khống chế cấp tướng Bộ Quốc phòng không quá 415, nếu tiếp tục nâng sẽ phá vỡ các vị trí khác. Vấn đề này sẽ có nghiên cứu, tiếp thu trước khi thông qua”, ông Sơn phát biểu.
Giảng dạy, làm kinh tế có cần phong tướng?
Góp ý về việc phong tướng trong các nhà trường, ĐB Huỳnh Thành (Gia Lai) nhấn mạnh: Đối với các học viện, quan trọng là học hàm, học vị, giáo sư, tiến sĩ chứ không phải là hàm cấp tướng. “Hàm cấp tướng cũng cần nhưng không phải tuyệt đối. Nếu chúng ta làm theo cách này thì Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia HCM phải là Ủy viên Bộ Chính trị bởi vì toàn dạy Ủy viên Bộ Chính trị”, ĐB Thành lập luận. Theo ĐB này, không nhất thiết quy định người dạy cũng phải cấp tướng, các trường cần những người có kiến thức cao về an ninh, quốc phòng, có kỹ năng sư phạm tốt. Điều người ta tôn trọng anh là trên cương vị anh là giáo sư giảng dạy vấn đề đó.
“Hàm cấp tướng cũng cần nhưng không phải tuyệt đối. Nếu chúng ta làm theo cách này thì Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia HCM phải là Ủy viên Bộ Chính trị bởi vì toàn dạy Ủy viên Bộ Chính trị”
ĐB Thành lập luận
Đối với các đơn vị kinh tế trong quân đội, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) góp ý: Nếu vẫn phong tướng thì không ổn lắm, có thể phong người đứng đầu cấp đại tá thì phù hợp hơn. “Tướng là do nhu cầu tác chiến chứ không phải sản xuất kinh doanh, cần cân nhắc để hạn chế phong tướng”, ông Thuyền nêu ý kiến. ĐB Thuyền cũng bày tỏ, việc phong tướng nhiều thời gian qua cũng khiến không ít cử tri, đại biểu thắc mắc và hỏi vì sao mà phong tướng nhiều thế!? Chia sẻ với những ý kiến trên, ĐB Võ Thị Dung (TPHCM) nhận xét, đất nước có nhiều tướng quá, nhưng vấn đề là làm sao cán bộ, sỹ quan phải thực sự gương mẫu, xứng đáng là những tượng đài của Quân đội nhân dân Việt Nam.
ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề nghị, cần có chế độ chính sách đối với trường hợp được luân chuyển được điều động đến công tác những địa bàn khó khăn, địa bàn chiến lược quan trọng, tham gia chiến đấu bảo vệ biển đảo. Theo đó, bản thân gia đình của sỹ quan đó được xét phụ cấp hỗ trợ về nhà ở.
Giáng cấp sỹ quan không hoàn thành nhiệm vụ
Thảo luận về dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi), ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) kiến nghị, có quy định thăng cấp thì cũng phải quy định giáng cấp sỹ quan không hoàn thành nhiệm vụ, đồng thời người đứng đầu bị xem xét trách nhiệm khi địa bàn phụ trách nổi lên nhiều vụ vi phạm pháp luật.
Dẫn chứng hàng lậu tràn qua biên giới Việt - Trung, lực lượng của Bộ phải về phá án, vậy trách nhiệm lãnh đạo công an, biên phòng tại địa phương ra sao? Về việc phong cấp hàm, ông Nam cho rằng đảm bảo công bằng, không để chênh cấp hàm xa quá. “Trưởng công an một quận của Hà Nội có hàm đại tá vậy mà giám đốc công an một thành phố như Hải Phòng cũng đại tá thì có hợp lý không”, ông Nam nói.
Theo ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng), việc phong tướng cho lực lượng công an là cần thiết, tuy nhiên cần hạn chế phong tướng quá nhiều. Nếu phong Trung tướng cho Giám đốc công an Hà Nội, TPHCM mà để các tỉnh khác là đại tá thì không hợp lý, phải nâng lên thiếu tướng. “Cục trưởng thì nên là thiếu tướng thôi, chứ không nên phong lên trung tướng. Không thể cục trưởng một số cục là trung tướng mà phó tổng cục trưởng là thiếu tướng. Luật cần có quy định chuyển tiếp, không hồi tố những cấp hàm hiện nay chứ nếu thực hiện theo luật mới thì nhiều sỹ quan phải từ tướng xuống cấp tá nếu muốn giữ chức vị hiện tại”, ông Thuyền góp ý.