Luật sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam:

Tránh lạm dụng phong hàm cấp tướng

Quân đội cần cơ chế để trẻ hóa cán bộ cấp tướng. ảnh minh họa: hồng vĩnh
Quân đội cần cơ chế để trẻ hóa cán bộ cấp tướng. ảnh minh họa: hồng vĩnh
TP - Sáng 16/4, góp ý vào dự thảo Luật Sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam (sửa đổi), đa số ý kiến tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất phạm vi sửa đổi, bổ sung tại dự thảo. Một số ý kiến cho rằng, cần quy định cụ thể, tránh lạm dụng trong phong hàm cấp tướng.

Doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công sẽ không có tướng

Về điều kiện phong hàm cấp tướng, một số đại biểu đề nghị cần cụ thể hóa điều kiện xét thăng quân hàm, đặc biệt là đối với cấp tướng. Thẩm tra Dự án Luật, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho rằng cần phải làm rõ vị trí có nhu cầu cấp tướng (đối với cơ quan phải có vị trí tham mưu chiến lược và chỉ đạo toàn quân, đối với đơn vị phải là lãnh đạo, chỉ huy của đơn vị cấp chiến dịch, chiến lược…). 

Theo đó cần xem xét một số đơn vị chưa đáp ứng được yêu cầu thì không quy định có nhu cầu cấp tướng như các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công.

Tại Tờ trình Chính phủ, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cho biết: Dự thảo Luật đã bỏ quy định cấp bậc quân hàm cao nhất là thiếu tướng đối với các chức vụ: Tổng Giám đốc Tổng công ty loại 1;

“Chúng ta không có bộ máy nào mà cấp phó bằng cấp trưởng. Hôm qua thảo luận Luật Công an, tôi cũng nói rõ để cấp phó bằng cấp trưởng là không ổn, Tổng cục phó mang hàm trung tướng, Tổng cục trưởng cũng hàm trung tướng, Thứ trưởng bằng Bộ trưởng”.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng

Tham mưu trưởng quân khu, quân chủng, Bộ đội Biên phòng, Tổng cục, vì theo tổ chức Quân đội từ cấp trung đoàn đến quân khu, quân chủng, Bộ đội Biên phòng, Tổng cục Hậu cần, Tổng cục Kỹ thuật, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, Tổng cục II thì một đồng chí Phó chỉ huy trưởng hoặc Phó chủ nhiệm Tổng cục kiêm Tham mưu trưởng. Theo dự thảo Luật, số lượng cấp tướng so với nhu cầu cấp tướng của các văn bản pháp luật đang thực hiện giảm khoảng 3,1%.

Cơ quan thẩm tra cũng cho rằng, Luật cần phải bảo đảm nguyên tắc cấp trên cao hơn cấp dưới, cấp trưởng phải cao hơn cấp phó, chức vụ tương đương thì có quân hàm tương đương, đơn vị chiến đấu và trực tiếp phục vụ chiến đấu phải cao hơn các đơn vị khác để tránh những quy định không phù hợp, gây tâm lý so sánh, thắc mắc không đồng thuận. 

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, “đây là chủ trương đúng để bảo đảm thứ bậc trong lãnh đạo, chỉ huy; vừa đảm bảo cơ cấu đội ngũ sỹ quan cấp tướng, tránh lạm dụng phong cấp hàm trong lực lượng vũ trang”.

“Chúng ta không có bộ máy nào mà cấp phó bằng cấp trưởng. Hôm qua thảo luận Luật Công an, tôi cũng nói rõ để cấp phó bằng cấp trưởng là không ổn, Tổng cục phó mang hàm trung tướng, Tổng cục trưởng cũng hàm trung tướng, Thứ trưởng bằng Bộ trưởng. Luật về công an và quân đội đều phải thống nhất, không thể tồn tại chế độ đồng Bộ trưởng, đồng Tổng cục trưởng” – Chủ tịch Quốc hội nói.

Trẻ hóa cán bộ cấp tướng

Dự thảo Luật lần này bổ sung thời hạn xét thăng quân hàm từ đại tá lên thiếu tướng là 4 năm. Tuy nhiên không quy định thời hạn thăng quân hàm trong mỗi cấp tướng. 

Chính phủ cho rằng, sĩ quan cấp tướng là bộ phận chủ chốt trong đội ngũ cán bộ Quân đội, được đào tạo công phu, đảm nhiệm những cương vị lãnh đạo, chỉ huy đơn vị và nhiệm vụ trọng yếu của Quân đội, nếu quy định cứng về thời hạn thì độ tuổi cấp tướng sẽ rất cao, khó cho việc quy hoạch nguồn cán bộ cấp chiến dịch, chiến lược và việc bố trí sử dụng cán bộ khi có nhu cầu giao nhiệm vụ cao hơn.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần có cơ chế để trẻ hóa đội ngũ sĩ quan. Niên hạn phải có, nhưng phải có quy định mở hơn. “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì phải phong trước niên hạn. Tư lệnh Quân khu toàn 55-57 thì làm sao vào được Trung ương? Các đồng chí mở ra một chút để bồi dưỡng cán bộ” – Chủ tịch Quốc hội nói.

Một số đại biểu nhất trí quy định đổi mới chính sách tiền lương theo hướng tách lương khỏi quân hàm, bảo đảm tiền lương được xác định theo vị trí việc làm và chức danh, để việc phong, thăng quân hàm trong lực lượng vũ trang đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

MỚI - NÓNG
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
TPO - Vào tối 17/4, trên địa bàn huyện Sìn Hồ (Lai Châu), do ảnh hưởng của mưa lớn kèm gió lốc lật thuyền, hai người mất tích. Mưa lớn kèm gió lốc cũng gây thiệt hại hơn 1 tỷ đồng đến tài sản của Nhà nước và nhân dân.