Ukraine truy nã tổng thống bị phế truất

Tưởng niệm người biểu tình thiệt mạng tại Quảng trường Độc lập ở Kiev. Ảnh: AP
Tưởng niệm người biểu tình thiệt mạng tại Quảng trường Độc lập ở Kiev. Ảnh: AP
TP - Ukraine hôm qua phát lệnh truy nã Tổng thống bị hạ bệ Viktor Yanukovych với cáo buộc “giết người hàng loạt”. Trong khi đó, khu vực ông này đang trú ẩn được coi là điểm nóng mới có nguy cơ chứng kiến sự đối đầu quân sự giữa Nga và phương Tây.

Bộ trưởng Nội vụ Arsen Avakov thông báo trên Facebook rằng, ông Yanukovych và một số quan chức khác bị cáo buộc “giết người trên diện rộng đối với các công dân hòa bình”.

Những cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình vừa qua khiến 88 người thiệt mạng. Theo thông báo của Bộ trưởng Avakov, ông Yanukovych được trông thấy gần đây nhất là ở khu vực Balaklava thuộc bán đảo Crimea, nhưng sau đó rời đi bằng ô tô cùng trợ lý theo hướng chưa xác định được.

Dù bất kỳ phe nào lên lãnh đạo Ukraine lúc này cũng phải đối mặt thách thức to lớn trong việc thỏa mãn sự kỳ vọng của người dân và giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế. Bộ trưởng Tài chính lâm thời Yuriy Kolobov vừa nói rằng, Ukraine cần khoản trợ cấp 35 tỷ USD từ nước ngoài và kêu gọi tổ chức hội nghị các nhà tài trợ quốc tế.

Bán đảo Crimea từng là một phần của đế quốc Nga hùng mạnh hồi thế kỷ 18, nhưng đến năm 1954 thì được chuyển cho Ukraine dưới thời của nhà lãnh đạo người Ukraine Nikita Khrushchev. Khi tách khỏi Liên Xô năm 1991, Ukraine mang theo Crimea. Từ đó, Mátxcơva phải thuê căn cứ hải quân có tầm quan trọng chiến lược này. Trong một cuộc thăm dò dư luận gần đây, 56% người Nga nói họ coi Crimea là một phần lãnh thổ của Nga.

Lo ngại Nga có thể đưa quân vào Ukraine, Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne nói rằng, Anh sẽ sẵn sàng giúp đỡ Ukraine tái thiết. Bà Catherine Ashton, quan chức ngoại giao hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU), sẽ bay tới Ukraine đầu tuần sau để thảo luận với chính phủ lâm thời nước này về các biện pháp hồi phục kinh tế.

Các lãnh đạo lâm thời của Ukraine vừa cam kết sẽ đưa đất nước trở lại tiến trình hội nhập châu Âu mà ông Yanukovych đã từ chối. Tổng thống tạm quyền Oleksandr Turchynov hôm 23/2 nói rằng, các lãnh đạo mới của Ukraine muốn đưa quan hệ với Nga trở thành quan hệ “láng giềng tốt kiểu mới và bình đẳng, trong đó thừa nhận và tính đến lựa chọn châu Âu của Ukraine”.

Ngày 24/2, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev nói rằng, sau khi ông Yanukovych bị phế truất, Nga vô cùng nghi ngờ về tính hợp pháp của chính phủ lâm thời Ukraine, đồng thời cho rằng việc một số nước công nhận chính quyền này là “sai lầm”.

Mátxcơva gần đây đồng ý cung cấp 15 tỷ USD để hỗ trợ kinh tế Ukraine, sau khi ông Yanukovych từ chối thỏa thuận thương mại với EU. Nhưng nhiều người tin rằng, Nga sẽ rút lại khoản viện trợ này. Ukraine đang đối mặt khoản nợ công 73 tỷ USD, trong đó 6 tỷ USD cần phải trả trong năm nay.

Nga sẽ can thiệp quân sự?

Ukraine đang bị chia rẽ sâu sắc giữa các vùng phía đông với phần đông dân số ủng hộ thân Nga và vùng phía tây gồm đa số người phản đối ông Yanukovych. Tâm điểm chú ý ở Ukraine giờ đã chuyển sang bán đảo Crimea ở miền đông nam đất nước. Khu vực giờ được coi là điểm nóng chính trị mà ông Yanukovych đang trú ẩn này giữ vai trò quan trọng chiến lược đối với Mátxcơva và Nga đang duy trì Hạm đội Biển Đen ở đây, giúp quân đội Nga tiếp cận Địa Trung Hải một cách dễ dàng.

Theo chuyên gia Nga Lilit Gevorgyan làm việc cho nhà cung cấp thông tin toàn cầu IHS Jane’s, nếu hỗn loạn xảy ra và phải bàn đến việc chia cắt Ukraine, người Nga sẽ rất muốn bảo vệ khu vực phía đông cũng như Crimea. Những chính trị gia thân Nga ở Crimea đang tổ chức các nhóm biểu tình đòi độc lập với Kiev.

Nhà Trắng tối 23/2 cảnh báo, Nga không nên đưa quân đội vào Ukraine, trong bối cảnh nhiều người lo ngại Mátxcơva có thể can thiệp bằng quân đội sau khi nhà lãnh đạo thân Nga bị hạ bệ. Lên án việc các nghị sĩ Ukraine bỏ phiếu phế truất ông Yanukovych, Nga đã triệu hồi đại sứ về nước để tham vấn. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cáo buộc phe đối lập Ukraine đã vi phạm thỏa thuận do các ngoại trưởng châu Âu làm trung gian cuối tuần qua.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice nói rằng, sẽ là “sai lầm nghiêm trọng” nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa quân vào Ukraine để khôi phục chính phủ thân với mình. Bà Rice nói rằng, không ai được lợi nếu Ukraine bị chia rẽ.

Ngày 24/2, Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố chỉ trích phát biểu của bà Rice. Theo tuyên bố này, phát biểu của bà Rice xuất phát từ thực tế Mỹ can thiệp quân sự vào các nước trên thế giới; phát biểu này chỉ phù hợp với lãnh đạo Mỹ khi họ muốn can thiệp vào các nước khác, không phải với Nga trong trường hợp Ukraine.

Khi được hỏi liệu Nga có thể “đưa xe tăng” vào bảo vệ lợi ích của mình ở khu vực phía đông và trên bán đảo Crimea, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Philip Hammond nói rằng “sẽ không phải là lợi ích thực sự của Nga khi làm như vậy”. Trước đó, một phụ tá của điện Kremlin cảnh báo Nga có thể can thiệp.

Theo các nhà phân tích, khó có khả năng Mỹ và các đồng minh NATO sẽ mạo hiểm đối đầu quân sự với Nga, nhưng những diễn biến phản ánh bản chất của thời Chiến tranh Lạnh cho thấy nguy cơ cao ở Ukraine, nơi 46 triệu dân và lãnh thổ của họ đang bị giằng co trong cuộc chiến địa chính trị.

MỚI - NÓNG