Tỷ giá USD 'loạn nhịp' - Có đáng lo?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Từ đầu tuần đến nay, tỷ giá VND/USD tăng giảm trái chiều, thậm chí, có thời điểm, tỷ giá trung tâm của Ngân hàng Nhà nước lên trên 24.000 đồng/USD. Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với tình hình thị trường trong và ngoài nước, thực hiện can thiệp thị trường linh hoạt nhằm giữ ổn định thị trường ngoại tệ.

Từ giữa tháng 6 đến nay, tỷ giá trung tâm USD lại biến động ngay trong ngày như 2 ngày vừa qua. Thậm chí, tỷ giá trung tâm còn lên trên mốc 24.000 đồng/USD cao nhất lịch sử. Tỷ giá liên tục tăng giảm trái chiều. Vào lúc 7h30 sáng 13/9, tỷ giá USD bất ngờ giảm 24 đồng/USD so với cùng thời điểm hôm qua. Thế nhưng sau 9h, tỷ giá lại tăng lên mức 23.995 đồng/USD. Tỷ giá USD tham khảo tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.400 - 25.144 đồng/USD (mua - bán), đi ngang chiều mua và tăng 14 đồng chiều bán so với đầu giờ sáng.

Tỷ giá USD 'loạn nhịp' - Có đáng lo? ảnh 1

Cùng với diễn biến của tỷ giá trung tâm, theo khảo sát của PV Tiền Phong, trên thị trường tự do, giá USD ở mức 24.100 - 24.180 đồng/USD mua vào - bán ra. Điều đáng nói, tỷ giá USD niêm yết của ngân hàng cao hơn thị trường chợ đen. Vietcombank niêm yết giá mua - bán USD ở mức 23.900 - 24.270 đồng/USD, tăng mạnh 30 đồng/USD chiều mua và chiều bán so với hôm qua. BIDV niêm yết giá mua - bán USD ở mức 23.945 - 24.245 đồng/USD, tăng mạnh 30 đồng/USD cả chiều.

"Việc ổn định được tỷ giá trong biên độ phù hợp sẽ giảm thiểu được tác động tiêu cực và nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu của Việt Nam. Chúng tôi tin rằng mức giảm giá vừa phải của VND so với USD, dưới 3%, sẽ thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam".

Ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích của Công ty Chứng khoán VNDirect

Ghi nhận thực tế cho thấy, hiện giá bán USD tại các ngân hàng đang cao hơn thị trường chợ đen 30 - 60 đồng/USD, trong khi giá mua thấp hơn khoảng 200 - 300 đồng. Đồng thời chênh lệch giữa giá mua và giá bán tại các ngân hàng hiện duy trì ở mức khá cao, từ 350 - 400 đồng/USD. Sau giai đoạn tương đối ổn định trong nửa đầu năm, tỷ giá USD đã có những biến động đáng chú ý trong thời gian gần đây.

Ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích của Công ty Chứng khoán VNDirect thời gian tới Ngân hàng Nhà nước vẫn hỗ trợ để ổn định tỷ giá trong năm nay do thặng dư thương mại ở mức cao, dòng vốn FDI và kiều hối ổn định, nguồn cung ngoại tệ bổ sung từ thoái vốn cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài.

"Việc ổn định được tỷ giá trong biên độ phù hợp sẽ giảm thiểu được tác động tiêu cực và nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu của Việt Nam. Chúng tôi tin rằng mức giảm giá vừa phải của VND so với USD, dưới 3%, sẽ thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam", ông Hinh nói.

Theo Ngân hàng Nhà nước, từ giữa tháng 11/2022, áp lực thị trường tài chính quốc tế giảm bớt. Trong 6 tháng đầu năm nay, tỷ giá giao dịch USD/VND trên thị trường có xu hướng giảm. Tuy nhiên, từ giữa tháng 6/2023, khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ và duy trì lãi suất ở mức cao trong khi lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước và lãi suất thị trường trong nước giảm, tạo áp lực khiến tỷ giá USD/VND trong nước có dấu hiệu tăng trở lại. Dù vậy, tính đến thời điểm hiện tại, cân đối cung cầu ngoại tệ tương đối ổn định, được cải thiện so với năm 2022.

Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước cho biết, sẽ bám sát diễn biến thực tế để vừa kiểm soát lạm phát, vừa cân đối với mục tiêu giảm lãi suất; tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với tình hình thị trường trong và ngoài nước, thực hiện can thiệp thị trường linh hoạt nhằm giữ ổn định thị trường ngoại tệ, phối hợp đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ để bình ổn thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều giải pháp, điều hành tỷ giá linh hoạt. Theo đó, từ đầu năm 2023 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã mua lượng lớn ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối (trên 6 tỷ USD). Đồng thời, hủy thực hiện bán ngoại tệ theo các giao dịch kỳ hạn cho các tổ chức tín dụng với tổng giá trị lên đến 2,24 tỷ USD.

MỚI - NÓNG