Tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn

Tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn
Rất nhiều cách làm hay, sáng tạo được các địa phương thực hiện để triển khai Chương trình phối hợp số 526/CTPH-CP-HNDVN-HLHPNVN về “Tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng giai đoạn 2017 - 2020” của Chính phủ, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Ngày khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 367/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực hiện chương trình phối hợp số 526 - CTPH/CP- HND-HLHPN các địa phương đã cụ thể hóa tại cơ sở. Tại Đắk Lắk, năm 2018, các cấp Hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã tập trung thực hiện Chương trình phối hợp 526 và chủ đề Năm thi đua “Phụ nữ đồng hành với thực phẩm an toàn” đạt nhiều kết quả tích cực.

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã nghiên cứu, thiết kế 10 cam kết vàng về an toàn thực phẩm; phối hợp với các cấp, các ngành liên quan mở 28 lớp tập huấn vệ sinh an toàn thực phẩm cho trên 2.200 cán bộ, hội viên phụ nữ là chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh; thành lập 23 hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất thực phẩm an toàn; xây dựng và ra mắt 234 mô hình “Phụ nữ thực hiện an toàn thực phẩm”; tạo điều kiện cho 805 hội viên vay trên 12 tỷ đồng để xây dựng các mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh về sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; hướng dẫn, hỗ trợ cho 178 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, dịch vụ ăn uống do phụ nữ làm chủ được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, để hỗ trợ, kết nối tiêu thụ sản phẩm do phụ nữ sản xuất, chế biến, các cấp Hội đã tổ chức nhiều diễn đàn, hội nghị, hội thảo, lễ phát động gắn với trưng bày các gian hàng, quầy hàng của chị em nhằm giới thiệu, quảng bá, kết nối sản phẩm, thực phẩm an toàn. Trong năm 2018, Hội đã vận động được 118 doanh nghiệp, siêu thị, nhà hàng, khách sạn… ký cam kết thường xuyên tiêu thụ sản phẩm của 119 mô hình do hội viên phụ nữ sản xuất.

Phát huy những kết quả đã đạt được, trong năm 2019, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đắk Lắk tiếp tục tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ thực hiện tốt 10 cam kết vàng về an toàn thực phẩm; hướng dẫn, hỗ trợ hội viên, phụ nữ tiếp cận với các chương trình chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ theo quy trình sản xuất an toàn, hiệu quả; xây dựng và duy trì mô hình về an toàn thực phẩm; nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm, bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng; đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn nhằm nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác an toàn thực phẩm tại cơ sở.

Tại Hà Nội, thông qua cuộc vận động “Người nông dân Hà Nội chỉ sản xuất, chế biến, tiêu dùng và bán ra thị trường các sản phẩm nông nghiệp an toàn”, đã có nhiều loại nông sản an toàn do nông dân Hà Nội sản xuất khẳng định được thương hiệu như: gạo hữu cơ Đồng Phú, rau an toàn Chúc Sơn, nhãn chín muộn Đại Thành... đem lại giá trị gia tăng gấp nhiều lần so với sản xuất truyền thống.

Cơ quan chức năng trên địa bàn thành phố đã hỗ trợ tiêu thụ nông sản an toàn, tạo dựng thương hiệu được 115 mô hình liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ. Về phía Hội Nông dân thành phố Hà Nội, đã xây dựng được 538 mô hình với 14.671 hộ tham gia.

Tuy nhiên, theo đông đảo nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp tham dự diễn đàn khẳng định, việc kết nối sản xuất tiêu thụ nông sản an toàn vẫn gặp nhiều khó khăn do người tiêu dùng thiếu niềm tin vào sản phẩm nông sản an toàn, kênh phân phối sản phẩm nông sản an toàn còn mỏng, yếu, thiếu sức cạnh tranh, số lượng nông dân theo đuổi sản xuất an toàn còn ít; cơ sở hạ tầng từ sản xuất đến sơ chế còn thiếu…

Các hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ dân mong muốn hội nông dân các cấp, Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn cho nông dân sản xuất nông sản an toàn; tổ chức, hỗ trợ các kênh phân phối nông sản để nông dân, hợp tác xã gặp được doanh nghiệp cung ứng chuyên nghiệp..., qua đó thúc đẩy thị trường tiêu thụ nông sản an toàn ngày một lớn mạnh, tác động tích cực đến các vùng sản xuất nông sản an toàn. Mặt khác, hoàn thiện các chính sách sản xuất tiêu thụ theo chuỗi, lấy doanh nghiệp làm nòng cốt trong tiêu thụ nông sản an toàn.

Tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn ảnh 1
 

Xóa bỏ “rau hai luống, lợn hai chuồng”

Mục đích của Chương trình phối hợp nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn; đấu tranh, ngăn chặn việc sản xuất nông sản thực phẩm không an toàn, sớm xóa bỏ hiện tượng sản xuất để ăn phân biệt với để bán như “rau hai luống, lợn hai chuồng”.

Đồng thời, thúc đẩy việc áp dụng và nhân rộng các mô hình, quy trình sản xuất tiên tiến, bảo đảm ATTP; phát triển sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn theo chuỗi; ngăn chặn tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng, hóa chất, kháng sinh và chất cấm trong sản xuất nông sản thực phẩm, làm sạch và bảo đảm vệ sinh môi trường.

Thúc đẩy việc áp dụng và nhân rộng các mô hình, quy trình sản xuất tiên tiến, bảo đảm an toàn thực phẩm; phát triển sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn theo chuỗi; ngăn chặn tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng, hóa chất, kháng sinh và chất cấm trong sản xuất nông sản thực phẩm, làm sạch và bảo đảm vệ sinh môi trường

 Theo phân công trong Chương trình, Bộ Nông nghiệp và PTNT là đơn vị đầu mối thực hiện Chương trình phối hợp với các bộ, ngành, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và các địa phương để tổ chức triển khai. Bộ Nông nghiệp và PTNT giao cho Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và thủy sản là cơ quan thường trực của Bộ triển khai nội dung này.

Dự kiến trong tháng 1/2019 sẽ tổ chức sơ kết đánh giá kết quả triển khai trong năm 2018 và thống nhất nội dung Kế hoạch triển khai trong năm 2019. Hy vọng, với kết quả triển khai trong năm 2018 vừa qua sẽ là tiền đề để triển khai nhân rộng ở tại các địa phương trong năm 2019.

Chương trình thực hiện với sự phối hợp của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

MỚI - NÓNG