PGS.TS Vũ Duy Hải, Trưởng Ban Tuyển sinh - Hướng nghiệp, ĐH Bách khoa Hà Nội cho hay năm nay, nhóm lọc ảo khu vực phía Bắc vẫn do ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì. Số trường tham gia là 60 trường. Dữ liệu nguyện vọng của thí sinh được Bộ GD&ĐT chuyển về cho 2 nhóm lọc ảo miền Nam, miền Bắc để làm sạch. Do đó, tổng số lần lọc ảo ở nhóm miền Bắc là 20 lần.
Từ ngày 13/8, các nhóm lọc ảo Nam - Bắc sẽ chạy song song với quá trình lọc ảo của Bộ GD&ĐT. Theo ông Hải dự kiến, khoảng 15h-16h ngày 17/8, quá trình lọc ảo tại nhóm trường miền Bắc kết thúc. ĐH Bách khoa Hà Nội chuyển dữ liệu cho các trường trong nhóm. ĐH Bách khoa Hà Nội công bố điểm chuẩn vào chiều tối ngày 17/8.
Ông Hải thông tin, năm nay, số lượng nguyện vọng đăng kí xét tuyển vào ĐH Bách khoa Hà Nội là 90 nghìn nguyện vọng. Nhưng ở một số ngành nóng có tăng theo xu hướng chung, giống như ở phương thức xét tuyển tài năng gồm 5 ngành: IT1 (Khoa học máy tính), IT2 (Kĩ thuật máy tính), EE2 (Kĩ thuật điều khiển và Tự động hóa), ET1 (Kĩ thuật Điện tử Viễn thông) và MS2 (Kĩ thuật vi điện tử và công nghệ nano).
Ở phương thức xét tuyển tài năng, đây là những ngành có tỉ lệ thí sinh lựa chọn ở mức 300-500%. Tuy nhiên, về điểm chuẩn, ông Hải dự báo những ngành nóng này có tăng nhưng không đột biến vì tỉ lệ giữa các phương thức đã công khai để thí sinh biết lựa chọn đăng kí.
| |
Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh năm 2024. Ảnh: Nghiêm Huê |
Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Trường ĐH Ngoại thương cũng dự kiến công bố điểm chuẩn ngay sau khi Bộ GD&ĐT trả kết quả lọc ảo cuối cùng.
Những ngành được đăng kí nhiều nhất
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho hay theo số liệu đăng kí tuyển sinh đã công bố, năm nay, tỉ lệ thí sinh đăng kí nguyện vọng xét tuyển ĐH tăng so với năm 2023 (từ 64% lên trên 68%). Lĩnh vực Khoa học tự nhiên tăng 61%, An ninh, quốc phòng tăng 46,5%, những ngành liên quan đến vi mạch, bán dẫn tăng 30%...
Đặc biệt, nhóm ngành sư phạm có số lượng nguyện vọng tăng mạnh nhất, 85% (khoảng 200.000 nguyện vọng) và trở thành một trong 4 khối ngành tập trung nhiều nguyện vọng xét tuyển nhất năm nay (cùng với kinh doanh và quản lí, kĩ thuật và công nghệ, máy tính). Do đó, dự báo điểm chuẩn ngành này sẽ tăng.
“Sự lựa chọn của người học có thay đổi do được tư vấn kĩ về đặc điểm, cơ hội nghề nghiệp và ngành học. Thông tin thị trường lao động cũng sát, nên xu hướng lựa chọn ngành học, chương trình học thể hiện nguyện vọng và tâm lí của các em cho thấy sự tích cực”, ông Sơn đánh giá.
Một số lĩnh vực giảm như kinh doanh quản lí giảm 3%, giảm 24.000 nguyện vọng; lĩnh vực Máy tính và Công nghệ thông tin giảm do chững lại ở một số ngành liên quan, mức giảm gần 5%, tương đương 15.000 nguyện vọng; dịch vụ vận tải giảm 20%, tương đương 77.000 nguyện vọng.
Với các ngành thuộc lĩnh vực STEM (Khoa học, Kĩ thuật, Công nghệ và Toán), tỉ lệ đăng kí nguyện vọng chiếm 30%, vẫn giữ mức độ tốt về nhu cầu học. Trong những năm qua, đây vẫn là những ngành luôn duy trì tăng trưởng khá. Năm nay tổng số nguyện vọng tăng 11%.
Ngành liên quan đến vi mạch bán dẫn đã có mức tăng trưởng đáng kể, theo ông Sơn đánh giá điều đó cho thấy, thí sinh rất nhạy bén và nắm bắt được xu hướng phát triển. Đây là những tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, để có những số liệu chính xác hơn, còn phụ thuộc vào kết quả xét tuyển đào tạo, khi mà thí sinh xác nhận nhập học và đi học.
Năm 2024, các trường ĐH của Việt Nam vẫn có khoảng 400 ngành đào tạo, chia thành 24 lĩnh vực. Theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, có những lĩnh vực rất nhiều ngành và nhu cầu thực tế lớn nên nếu so sánh con số tuyệt đối hay cơ cấu giữa các lĩnh vực thì đôi khi có những đánh giá chưa hoàn toàn đúng.