Tuyển sinh đại học năm 2024: Nỗi lo học phí

0:00 / 0:00
0:00
TP - Năm học 2024 - 2025 là năm thứ 2 áp dụng mức học phí theo Nghị định 97 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lí học phí. Học phí trở thành nỗi lo của thí sinh khi tham gia xét tuyển sinh năm nay, nhất là nhóm trường Y Dược gần như đã tự chủ.

Học phí nhóm ngành Y- Dược ở mức cao nhất

Với trường ĐH chưa tự chủ, mức thu thấp nhất ở khối ngành Nghệ thuật với 13,5 triệu đồng/năm (tăng 1,5 triệu đồng so với năm học trước đó). Khối ngành Y - Dược có mức tăng mạnh nhất với khoảng 3,1 triệu đồng lên mức 27,6 triệu đồng/năm. Với các trường ĐH công lập tự chủ mức 1, học phí được xác định tối đa bằng 2 lần mức trần học phí các trường chưa tự chủ tương ứng với từng khối ngành và từng năm học. Đối với cơ sở giáo dục ĐH công lập tự chủ mức 2, học phí được xác định tối đa bằng 2,5 lần mức trần học phí của các trường ĐH chưa tự chủ tương ứng với từng khối ngành và từng năm học...

Tuyển sinh đại học năm 2024: Nỗi lo học phí ảnh 1

Thí sinh bắt đầu tìm hiểu thông tin tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ Ảnh: Diệp An

Áp theo quy định, khối ngành Sức khỏe, Y dược có mức học phí cao nhất trong 7 nhóm ngành đào tạo hiện nay.

Trường ĐH Y Dược Buôn Ma Thuột thông báo học phí năm học 2024 - 2025 dao động từ 20 - 60 triệu đồng/năm. Trong đó ngành Y khoa có mức học phí cao nhất là 60 triệu đồng/năm/sinh viên, ngành Dược là 35 triệu đồng/năm/sinh viên. Tại Khoa Y dược, ĐH Quốc gia TPHCM, năm học 2024 - 2025, các ngành Y khoa, Dược học, Răng - Hàm - Mặt, Y học cổ truyền dự kiến thu học phí 62,2 triệu đồng/năm học/sinh viên; ngành Điều dưỡng của khoa này thu học phí dự kiến là 47,2 triệu đồng/năm. Các trường thuộc nhóm ngành Y Dược lớn như Trường ĐH Y Hà Nội, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Trường ĐH Y Dược TPHCM chưa thông báo thông tin tuyển sinh nên thí sinh chưa biết được mức học phí cụ thể.

Tuy nhiên, năm vừa qua, học phí của những trường này thuộc top cao trong các nhóm ngành đào tạo. Ví dụ từ năm 2023, Trường ĐH Y Dược TPHCM quy định mức học phí từ khóa nhập học năm 2020 ngành Răng - Hàm - Mặt là 77 triệu đồng/năm; ngành Y khoa là 74,8 triệu đồng/năm; Dược học 55 triệu đồng/năm… Với Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, học phí 3 ngành Y khoa, Răng - Hàm - Mặt, Dược học có mức học phí cao nhất 55,2 triệu đồng/năm; các ngành cử nhân về khoa học sức khỏe khoảng 31,6 triệu đồng/năm.

Khối ngành Y - Dược tại các trường ĐH tư thục cũng ở mức rất cao. Học phí chương trình đại trà thuộc nhóm ngành Sức khỏe, Y dược theo năm học của Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng như ngành Răng - Hàm - Mặt và Y khoa là 210 triệu đồng/sinh viên. Các ngành khác dao động từ 55 triệu đồng/sinh viên đến 90 triệu đồng/sinh viên. Chương trình đào tạo bằng tiếng Anh có mức học phí cao hơn 4 - 50 triệu đồng/năm học, tùy ngành.

Trường Đại học Phenikaa thông báo, năm 2024 học phí trung bình ngành Y khoa là 150 triệu đồng/năm, ngành Răng - Hàm - Mặt là 160 triệu đồng/năm. Nhưng trường này có chính sách cho sinh viên nhập học năm 2024 là năm đầu tiên được ưu đãi 40%; năm thứ 2,3 được ưu đãi 30%; năm thứ 4,5,6 được ưu đãi giảm 20% học phí. Như vậy, sau khi tính mức ưu đãi, học phí trung bình của sinh viên ngành Y đa khoa là 90 triệu đồng/năm; học phí ngành Răng - Hàm - Mặt là 96 triệu đồng/năm.

Tiếp tục theo đuổi hay “quay xe”?

Anh Hoàng Văn Hà ở Hưng Yên cho biết con đang học lớp 12 tại Trường THPT chuyên Hưng Yên mong muốn đăng kí xét tuyển vào ngành Y khoa của các trường ĐH Y dược. Nhưng khi tìm hiểu, gia đình khuyên con cân nhắc, có thể chọn lựa ngành khác vì thời gian học ngành Y gấp đôi, gấp 3 so với các ngành khác, trong khi học phí lại cao, gia đình khó có thể đảm bảo được tài chính. Vì vậy, gia đình anh Hà đang tư vấn cho con lựa chọn ngành khác mà vẫn phát huy được thế mạnh như Công nghệ Sinh học hoặc Công nghệ môi trường.

Thông báo mới nhất của Bộ GD&ĐT tính tới thời điểm hiện tại đã có hơn 1.600 ngành học đạt kiểm định chất lượng trong nước và quốc tế. Các trường ĐH cũng đang bước vào chu kì 2 kiểm định chất lượng. Đây là những căn cứ để các trường được tự xác định học phí theo quy định của Chính phủ mà không phải áp theo mức trần. Do vậy, học phí đại học trong thời gian tới thực sự là gánh nặng đối với nhiều phụ huynh không thực sự có điều kiện về kinh tế và thí sinh.

Theo TS Nguyễn Thị Cúc Phương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội, năm học 2024-2025, học phí một số ngành học sẽ tăng. Để theo học được ngành yêu thích, bà Phương khuyên thí sinh có thể cân nhắc một số điểm như: chọn ngành học ở một trường có học phí vừa phải với khả năng chi trả của gia đình. Một số trường ĐH chưa tự chủ toàn phần kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư có thể có mức học phí thấp hơn các trường đã tự chủ hoàn toàn.

Bên cạnh đó người học có thể vừa đi học, vừa đi làm thêm bắt đầu từ năm thứ 2 để trang trải một phần học phí hoặc phí sinh hoạt.

Thí sinh cũng nên hỏi thông tin về việc vay tiền với lãi suất ưu đãi tại các ngân hàng có uy tín để đi học ĐH. Đầu tư để đi học ĐH là xu hướng của tương lai vì khi ra trường, có việc làm, sinh viên có thể trả khá nhanh các khoản nợ ngân hàng.

Đặc biệt theo TS Phương, người học cần cố gắng học tốt để được cấp học bổng khuyến khích học tập. Nếu sinh viên có học lực từ khá trở lên là đã có cơ hội nhận học bổng. Các mức học bổng có thể dao động từ 100-120% mức học phí.

Với sinh viên có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nên áp dụng cùng lúc nhiều biện pháp tiết kiệm chi tiêu như ở ký túc xá, thuê nhà chung với nhiều bạn, chỉ chi tiêu những gì thực sự cần thiết, tự nấu ăn để tiết kiệm chi tiêu, sử dụng phương tiện giao thông công cộng…

Theo quy định của Chính phủ hiện nay, học phí của trường ĐH có 4 căn cứ để quy định. Trong đó, trường công lập chưa tự chủ, trường tự chủ mức 1, trường tự chủ mức 2 áp theo mức trần học phí được Chính phủ đưa ra. Còn trường, chương trình đào tạo đã được kiểm định sẽ do trường ĐH tự xác định học phí trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật do cơ sở giáo dục ban hành.

Thông báo mới nhất của Bộ GD&ĐT tính tới thời điểm hiện tại đã có hơn 1.600 ngành học đạt kiểm định chất lượng trong nước và quốc tế. Các trường ĐH cũng đang bước vào chu kì 2 kiểm định chất lượng. Đây là những căn cứ để các trường được tự xác định học phí theo quy định của Chính phủ mà không phải áp theo mức trần. Do vậy, học phí đại học trong thời gian tới là gánh nặng đối với nhiều phụ huynh không thực sự có điều kiện về kinh tế và thí sinh.

MỚI - NÓNG
Chính sách vượt trội của Phú Yên
Chính sách vượt trội của Phú Yên
TPO - Hiệp hội Xúc tiến Phát triển Điện ảnh Việt Nam công bố kết quả thực hiện chỉ số thu hút đoàn làm phim. Tỉnh Phú Yên dẫn đầu cả nước ở bộ chỉ số thu hút đoàn làm phim (PAI). Danh sách Top 10 còn có nhiều địa phương hấp dẫn như TPHCM, Đà Nẵng, Ninh Bình.