Tuyên bố chung G7 bày tỏ quan ngại tình hình Biển Đông

0:00 / 0:00
0:00
Các lãnh đạo G7 cùng khách mời là Thủ tướng Úc và Thủ tướng Hàn Quốc trong cuộc gặp ở miền tây nam nước Anh. (Ảnh: Reuters)
Các lãnh đạo G7 cùng khách mời là Thủ tướng Úc và Thủ tướng Hàn Quốc trong cuộc gặp ở miền tây nam nước Anh. (Ảnh: Reuters)
TPO - Sau hội nghị thượng đỉnh tại miền tây nam nước Anh, các lãnh đạo G7 bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về tình biển Đông và Hoa Đông, đồng thời phản đối những nỗ lực thay đổi nguyên trạng.

Sau khi thảo luận để tìm ra quan điểm thống nhất đối với Trung Quốc, các lãnh dạo G7 ra tuyên bố chung với những lời lẽ chỉ trích gay gắt Bắc Kinh trong nhiều vấn đề nhạy cảm.

“Chúng tôi vẫn quan ngại nghiêm trọng về tình hình Biển Đông và Hoa Đông, và phản đối mạnh mẽ những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng và gia tăng căng thẳng”, tuyên bố chung nói.

G7 cũng nhấn mạnh “tầm quan trọng của của hoà bình và ổn định ở eo biển Đài Loan, và khuyến khích giải quyết hoà bình các vấn đề giữa hai bờ eo biển”.

Tuyên bố chung kêu gọi phải duy trì quyền tự trị mức độ cao cho Hong Kong, tiến hành điều tra đầy đủ và thấu đáo nguồn gốc của virus gây ra đại dịch COVID-19 ở Trung Quốc.

“Chúng tôi kêu gọi một nghiên cứu giai đoạn 2 do WHO tiến hành dựa trên phương pháp khoa học, theo cách thức kịp thời và minh bạch để làm rõ nguồn gốc COVID-19 ở Trung Quốc, như khuyến nghị của các chuyên gia”, tuyên bố chung nói.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc để trở thành một cường quốc hàng đầu thế giới được coi là một trong những sự kiện địa chính trị quan trọng nhất của những thập kỷ gần đây, cùng với sự kiện Liên Xô sụp đổ dẫn đến kết thúc Chiến tranh Lạnh.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc khiến Mỹ bất an. Tổng thống Joe Biden xác định Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược chính và tuyên bố sẽ đối đầu với “những hành vi lạm dụng kinh tế” của Trung Quốc và đối phó với những vi phạm nhân quyền.

“Chúng tôi sẽ thúc đẩy các giá trị của chúng tôi, bao gồm việc kêu gọi Trung Quốc tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do cơ bản, đặc biệt là ở Tân Cương và các quyền, sự tự do và quyền tự trị cao cho Hong Kong như được quy định trong Tuyên bố chung Trung – Anh”, tuyên bố của G7 nói.

G7 còn bày tỏ quan ngại về tình trạng lao động cưỡng ép trong các chuỗi cung ứng toàn cầu, bao gồm những lĩnh vực nông nghiệp, pin điện mặt trời và may mặc.

“Chúng tôi quan ngại việc sử dụng mọi loại lao động cưỡng ép trong các chuỗi cung ứng toàn cầu, bao gồm hành vi sử dụng lao động cưỡng ép được nhà nước bảo trợ đối với các nhóm thiểu số và dễ bị tổn thương, trong những ngành nông nghiệp, điện mặt trời và may mặc”, G7 nói.

Bắc Kinh nhiều lần phản bác những cáo buộc về việc nước này sử dụng lao động cưỡng ép và giam giữ người Duy Ngô Nhĩ cùng các nhóm thiểu số Hồi giáo khác ở Tân Cương.

Trước khi G7 ra tuyên bố chung, Trung Quốc nhắc nhở các nước này rằng thời mà “những nhóm nhỏ” quyết định vận mệnh của cả thế giới đã qua lâu rồi.

Theo Reuters
MỚI - NÓNG